Truy lợi ích nhóm gây độc quyền sách giáo khoa

Thứ sáu, 21/09/2018, 10:05
Trước yêu cầu của ĐBQH đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra ngay NXB giáo dục về độc quyền SGK, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng muốn “truy tận gốc” phải có bằng chứng, nhưng không dễ vì có rất nhiều cách để hợp lý hóa tài chính.

Ngày 20/9, Bộ GD&ĐT chính thức kiểm tra NXBGDVN liên quan tới vấn đề độc quyền SGK

Theo thông tin PV có được, chiều qua 20/9 đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã có mặt tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) để tiến hành kiểm tra theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội liên quan đến độc quyền SGK. Nội dung kiểm tra là quy trình xuất bản, in ấn, phát hành SGK. Từ khâu biên tập đến khâu ra sách ngoài thị trường.

Báo  vừa có loạt bài dài kỳ về vấn đề độc quyền SGK của NXBGDVN, hầu hết các SGK đều không tái sử dụng được dẫn đến lãng phí cả ngàn tỷ đồng mỗi năm. Liên quan đến vấn đề trên, ngày 19/9 tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ GD&ĐT cần thanh tra vấn đề độc quyền SGK để làm rõ trước công luận.

Ngay sau đề nghị của Đại biểu Quốc hội, hôm qua Bộ GD&ĐT đã có Quyết định kiểm tra NXBGDVN. Được biết, năm 2017 Bộ này đã có Quyết định Thanh tra  NXBGDVN. Tuy nhiên, thanh tra không đi vào chuyên môn sâu mà đi vào tổ chức của NXBGDVN. Riêng giá cả SGK năm 2017, Thanh tra Bộ GD&ĐT chưa kiểm tra, làm rõ.

Trong khi đó, theo số liệu mà PV có được, riêng trong năm 2017, lợi nhuận của NXBGDVN đã tăng vọt gấp hơn 2 lần so với năm 2016, đạt trên 150 tỷ đồng. Theo báo cáo lương thưởng, mức lương bình quân theo kế hoạch của người lao động tại NXBGDVN trong năm 2017 lên tới 20,15 triệu đồng/người/tháng và mức thu nhập bình quân hàng tháng là 21 triệu đồng/người/tháng. Các con số này trong năm 2016 là 20,2 triệu đồng và 20,9 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của viên chức quản lý theo kế hoạch ở mức 45,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017, con số này năm 2016 đạt 53,2 triệu đồng/người/tháng.

Bắt đầu từ đâu?

Chiều qua, trao đổi với PV về yêu cầu của ĐBQH đối với vấn đề độc quyền SGK, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng muốn “truy tận gốc” phải có bằng chứng, nhưng không dễ vì có rất nhiều cách để hợp lý hóa tài chính.

Vì vậy, theo ông Khuyến, để chứng minh và trả lời câu hỏi “liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề độc quyền xuất bản SGK hay không” không đơn giản, mặc dù rất nhiều người đặt nghi vấn.
Do đó, theo ông Lê Viết Khuyến nên đi tìm nguồn gốc sâu xa hơn đó là thể chế để thực hiện một chương trình, một bộ SGK. Điều này ra đời từ Luật giáo dục năm 1998.

Luật có quy định: Bộ GD&ĐT thống nhất việc in SGK dùng chung trong cả nước. “Thống nhất in sách là 1 chương trình 1 bộ SGK, chứ làm gì có chuyện nhiều bộ sách, nhiều chương trình. Nhân quy định này nên mới thâu tóm độc quyền chỉ còn 1 bộ SGK. Khi còn 1 bộ sách thì người ta phải “chạy chọt” để được hưởng độc quyền đó. Vậy ai là người đưa quy định này vào Luật?  Đưa vào với mục đích gì? Ai phải chịu trách nhiệm?” - ông Khuyến đặt ra một loạt băn khoăn.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu giáo dục Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng để tìm được câu trả lời, đơn vị thanh kiểm tra cần phải lần từng “nút thắt”, từng đầu mối. Thứ nhất cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa Ban phát triển chương trình giáo dục, với Ban biên soạn SGK, với đơn vị xuất bản và phát hành. Thứ hai, cần làm rõ mối quan hệ và sự ràng buộc của họ với nhau.

Ban phát triển chương trình đương nhiên “độc quyền” vì được lựa chọn theo chỉ định để thực hiện nhiệm vụ, nhưng đến Ban biên soạn SGK thì đã không còn được độc quyền nữa, tức là Ban biên soạn cần phải được lựa chọn theo năng lực. Các nhóm biên soạn phải cạnh tranh với nhau để có thể cho ra sản phẩm là 1 bộ SGK tốt với chi phí hợp lý nhất.

Thứ ba, sau khi có bộ sách Bộ duyệt rồi thì mới tiếp tục lựa chọn NXB. Các NXB phải cạnh tranh với nhau về chất lượng in ấn, gía thành, kế hoạch và hệ thống phân phối… để giành lấy quyền xuất bản. Có thể có 1 NXB nhưng nhiều đơn vị phân phối. Hoặc nhiều NXB và nhiều đơn vị phân phối.

“Nguyên tắc khi tìm hiểu liên quan đến vấn đề độc quyền, vấn đề lợi ích nhóm trong xuất bản, phát hành SGK là phải tìm ra cơ chế hợp tác giữa các đầu mối tham gia vào quy trình này, số lượng các đơn vị tham gia ở mỗi khâu; liệu họ có tách bạch và độc lập với nhau hay chồng chéo, một người đảm nhận nhiều vai.

Đặc biệt cần phải chỉ ra lợi nhuận được sinh ra như thế nào, được phân chia ra sao. Cũng cần phải xem xét việc ra quyết định, chính sách được thực hiện như thế nào, quyền quyết định nằm trong tay ai”- bà Đỗ Thị Ngọc Quyên chia sẻ với PV.

Thời gian qua, dư luận bức xúc với tình trạng hàng năm, hơn 100 triệu bản SGK được phát hành mới, điều đó đồng nghĩa với việc tương đương bằng đó bản SGK cũ hóa thành giấy vụn. Tại sao SGK không được tái sử dụng? Có rất nhiều nguyên nhân. Dư luận đòi hỏi NXBGDVN, Bộ GD&ĐT cần chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Theo báo cáo lương thưởng, mức lương bình quân theo kế hoạch của người lao động tại NXBGDVN trong năm 2017 lên tới 20,15 triệu đồng/người/tháng và mức thu nhập bình quân hàng tháng là 21 triệu đồng/người/tháng. Các con số này trong năm 2016 là 20,2 triệu đồng và 20,9 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của viên chức quản lý theo kế hoạch ở mức 45,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017, con số này năm 2016 đạt 53,2 triệu đồng/người/tháng.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn