|
Nhiều phụ huynh lựa chọn SGK luyện giải bài tập cho con. |
Tại sao vụ việc lại được đưa ra vào đúng thời điểm đầu năm học mới ? Ðặc biệt năm 2019, theo dự kiến, Bộ GD&ÐT bắt đầu thay sách lớp 1 để thực hiện chương trình mới?
40 năm vẫn chưa thôi tranh cãi
Năm 1978, GS. Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Hà Nội. Theo lời GS kể, thời điểm đó, giới nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam tổ chức tổng kết 300 năm nghiên cứu ngữ âm, tài liệu này được làm giáo trình chính thức cho sinh viên năm 3 chuyên ngành ngôn ngữ Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). Ông đã sử dụng thành tựu nghiên cứu đó để đưa vào sách dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1.
Ở cuốn sách này, GS. Hồ Ngọc Đại đặt ra ba mục tiêu: Đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù chữ. Nhưng trong suốt tám năm đầu giai đoạn thực nghiệm, sách tiếng Việt công nghệ của GS chỉ được ứng dụng tại Trường Thực nghiệm. Năm 1986, nó vượt khỏi phạm vi thực nghiệm.
Tuy nhiên, năm 2002, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai việc đổi mới chương trình và chỉ cho phép sử dụng một bộ SGK duy nhất do Bộ tổ chức biên soạn. Năm 2006 tỉnh Lào Cai tự động trở lại thực nghiệm dùng SGK Tiếng Việt lớp 1 của GS Đại, cùng thời điểm với đề tài cấp Bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Trong các năm sau số tỉnh tự nguyện áp dụng tăng dần, chỉ 2 năm sau đó đã có khoảng 20 tỉnh áp dụng ở một số trường. Năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tài liệu đã được thẩm định lại tới 2 lần. Lần gần đây nhất là cuối tháng 7 vừa qua.
Nhưng có lẽ, trong 40 năm tồn tại, sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều sóng gió như đợt này. Đáng buồn, mặt trái khó kiểm soát của mạng xã hội đã dẫn đến tình trạng đồng thanh “chửi”. Phê phán vô lối GS. Hồ Ngọc Đại chưa hết, sau đó người ta vơ cả GS. Bùi Hiền (người có đề tài nghiên cứu về đổi mới tiếng Việt), vốn chả liên quan gì tới cái gọi là “cách đánh vần lạ” để cùng “chửi”. Mặc dù dự án Trường học mới Việt Nam (VNEN) không bao gồm lớp 1 mà chỉ triển khai từ lớp 2 nhưng vẫn có người nói rằng sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục được áp dụng vào VNEN! Mới đây nhất, sáng 8/9 GS. Hồ Ngọc Đại đã đăng đàn, một lần nữa khẳng định phương pháp đúng đắn đã được thực tiễn chứng minh của mình.
SGK mới, manh nha một cuộc chiến thị phần?
Việc đưa cả mạng xã hội dậy sóng, báo chí vào cuộc khiến không ít người lo ngại đặt câu hỏi, liệu phía sau câu chuyện sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ có phải là một câu chuyện khác, có liên quan gì đến thị phần SGK mới trong thời gian tới?
Dù đã tồn tại 40 năm, nhưng sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ vẫn tồn tại song song cùng SGK tiếng Việt do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn. Câu chuyện thay sách năm 2002 hẳn những người trong cuộc còn nhớ, đã có một “cuộc chiến” xảy ra... Dù không đường đường chính chính được coi là SGK, nhưng sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại vẫn bén rễ khá sâu trong các trường tiểu học của Việt Nam.
Năm học 2015 - 2016, môn tiếng Việt lớp 1 công nghệ đã được triển khai tại 23.336 trường của 47 tỉnh cho 583.838 HS. Các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kiên Giang triển khai dạy sách này cho 100% HS lớp 1. Năm học 2016 - 2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 công nghệ với 7.857 trường và 693.0478 học sinh tham gia. Năm học 2018-2019 có 49 tỉnh, thành phố triển khai dạy học môn tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục với gần 800.000 học sinh.
Như vậy, khoảng gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách của GS. Hồ Ngọc Đại. Trong khi đó, với chương trình SGK mới sắp tới, chủ trương là một chương trình nhiều bộ SGK. Theo tìm hiểu của PV, dự kiến sẽ có một số bộ SGK đến từ chính NXB Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn.
Cụ thể: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ trì tổ chức biên soạn, xuất bản 5 bộ sách giáo khoa mới: Bộ sách giáo khoa biên soạn bởi các tác giả khu vực miền Bắc do Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội làm đầu mối; Bộ sách giáo khoa biên soạn bởi các tác giả khu vực miền Nam do Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định làm đầu mối; Bộ sách giáo khoa do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội làm đầu mối tổ chức biên soạn, kế thừa những ưu điểm của tài liệu hướng dẫn học thuộc dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN); Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục do Trung tâm Công nghệ giáo dục làm đầu mối tổ chức biên soạn. Bộ sách giáo khoa do Công ty Cổ phần Sách giáo dục Hà Nội làm đầu mối tổ chức biên soạn.
Ngoài ra, còn có bộ SGK do Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn. Riêng VEPIC, trong buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Quốc hội với công ty vào tháng 5 vừa qua, ông Ngô Trần Ái (nguyên Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam), chủ tịch hội đồng quản trị VEPIC cho biết Công ty đã chuẩn bị đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa mới đầy đủ cho tất cả các môn học ở tất cả các lớp học và cấp học phổ thông.
Hiện nay, công ty này đã mời và huy động được gần 230 tác giả của tất cả các môn học phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, gồm đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có năng lực, có uy tín từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục. Đến nay, bản thảo sách giáo khoa mới của tác giả đã được biên soạn xong bộ sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) dựa trên cơ sở Chương trình tổng thể, ban hành và dự thảo Chương trình môn học để góp ý.
Sách của GS Đại đang chiếm thị phần lớn liệu có ảnh hưởng đến “miếng bánh” của người khác? Liệu vụ việc sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ bị “ném đá” có liên quan gì tới thị trường SGK cạnh tranh sắp tới?
Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ cũng đã chính thức lên tiếng về vấn đề sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ. Theo đó, lãnh đạo Bộ GD&ÐT khẳng định khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều SGK”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là SGK đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT sẽ phê duyệt danh mục SGK (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn SGK phù hợp. |
Theo Tiền Phong