Hai chiếc tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ hôm 8/9 oanh tạc thị trấn Hajin, tỉnh Deir Ez-Zor, Syria, bằng bom có chứa phốt-pho trắng - vũ khí bị cấm theo Công ước Geneva từ năm 1980.
Trung tướng Vladimir Savchenko nói, thông tin thêm rằng chưa có báo cáo về thương vong trong vụ đánh bom: "Sau các cuộc không kích, nhiều đám cháy lớn xảy ra ở khu vực".
Nga không kích phiến quân tại Idlib. |
Ngay sau cáo buộc của Nga, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã phủ nhận toàn bộ thông tin trên và cho biết: "Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào về việc sử dụng phốt-pho trắng. Không có đơn vị quân sự Mỹ nào trong khu vực được trang bị đạn dược có phốt-pho".
Được biết, việc dùng vũ khí gây cháy nào trong khu dân cư đã bị cấm theo Nghị định thư III của Công ước về hạn chế hoặc cấm một số vũ khí thông thường năm 1980. Mỹ tái ký nghị định thư này vào năm 2009.
Nhưng phốt-pho trắng vẫn được sử dụng để tạo màn khói và phát tín hiệu mà không bị cấm. Phốt-pho khi tiếp xúc với oxy tạo ra nhiệt độ cao và khói trắng. Người tiếp xúc với phốt-pho cháy sẽ bị bỏng, rất khó chữa lành. Khói của nó có được đánh giá cực độc.
Trong một diễn biến mới khác trên chiến trường Syria cho biết, Không quân Nga và Syria đã dội bom tiêu diệt khủng bố ở tỉnh Idlib của Syria, một ngày sau hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào.
Những người chứng kiến vụ không kích cho biết, đã có có ít nhất 10 vụ không kích diễn ra ở các thị trấn phía Nam tỉnh Idlib và thành phố Latamneh ở phía Bắc tỉnh Hama - những địa điểm còn nằm dưới sự kiểm soát của một số nhóm phiến quân.
Cùng với chiến đấu cơ, trực thăng chiến đấu của Nga cũng tham gia chiến đấu khi thả lượng lớn bom tiêu diệt hàng chục mục tiêu phiến quân ven Khan Sheikhoun. Hội nghị Thượng đỉnh giữa Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran về vấn đề Idlib của Syria đã kết thúc hôm 7/9 với một số bất đồng của các bên.
Vấn đề cốt lõi là Idlib không được các bên làm rõ. Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ đề nghị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về một lệnh ngừng bắn ở Idlib. Tổng thống Nga tuyên bố không đàm phán với nhóm Nasra và IS, cho rằng có bên đang cố gắng để bảo vệ những kẻ khủng bố ở Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cuộc tấn công vào Idlib sẽ tạo ra làn sóng người tị nạn vào lãnh thổ nước này cùng với đó là vấn đề an ninh biên giới. Còn Iran lại cho rằng, các hoạt động quân sự ở Idlib là bắt buộc và kêu gọi tất cả các chiến binh ở Syria hạ vũ khí, tìm cách chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Theo Đất Việt