Sự “vắng bóng” khác thường của tên lửa uy lực trong lễ duyệt binh Triều Tiên

Thứ hai, 10/09/2018, 14:08
Việc Triều Tiên không phô diễn sức mạnh của các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất trong lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 9/9 được cho là ẩn chứa những thông điệp nhất định.

Các binh sĩ Triều Tiên giơ tay chào khi tiến qua lễ đài tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng trong lễ duyệt binh ngày 9/9 (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên ngày 9/9 đã tổ chức lễ duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh với sự tham gia của các binh chủng trong lực lượng vũ trang Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng xuất hiện trên lễ đài và trực tiếp theo dõi sự kiện quan trọng này.

Từng đoàn binh sĩ đã diễu hành qua lễ đài với nhịp điệu đồng đều đáng kinh ngạc. Các xe tăng, phương tiện bọc thép và một số vũ khí thông thường của Triều Tiên đều lần lượt di chuyển qua quảng trường Kim Nhật Thành trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong khi đó, các máy bay xếp thành số 70 trên bầu trời Bình Nhưỡng và nhả khói theo màu quốc kỳ Triều Tiên.

Rốt cuộc phần được chờ đợi nhất trong các lễ duyệt binh tại Triều Tiên cũng diễn ra, đó là sự xuất hiện của các tên lửa. Tuy nhiên, khác với dự đoán của nhiều người, Triều Tiên chỉ đưa những tên lửa “hạng nhẹ” tham gia lễ duyệt binh năm nay, trong đó có tên lửa hành trình chống hạm Kumsong-3 và tên lửa đất đối không Pongae-5.

Xe tăng Triều Tiên tham gia lễ duyệt binh ngày 9/9 (Ảnh: Reuters)

Những ai theo dõi lễ duyệt binh của Triều Tiên hôm qua sẽ không thấy có sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 hay Hwasong-15. Đây đều là những tên lửa uy lực, từng được Triều Tiên thử nghiệm và tuyên bố đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Trong lễ duyệt binh hồi tháng 2, Triều Tiên từng “khoe” các tên lửa đạn đạo liên lục địa và xem đây là bằng chứng cho sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên sự vắng mặt của các tên lửa này trong lễ duyệt binh hôm qua được xem là tín hiệu tích cực đối với Mỹ trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều đang ấm dần lên.

Sau khi lễ duyệt binh kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dành lời khen cho “thông điệp tích cực” từ Triều Tiên.

“Triều Tiên vừa thực hiện một cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh mà không phô diễn các tên lửa hạt nhân như thường lệ. Chủ đề là hòa bình và phát triển kinh tế… Đây là một thông điệp rất lớn và rất tích cực từ Triều Tiên. Cảm ơn ngài Chủ tịch Kim. Chúng ta sẽ chứng minh mọi người đã sai”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter.

Thông điệp của Triều Tiên

Màn diễu hành của các binh sĩ Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Giới chuyên gia nhận định so với các lễ duyệt binh trước đây, lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh Triều Tiên năm nay đã có sự thu hẹp rõ rệt về quy mô. Số lượng tên lửa xuất hiện ít hơn và có tầm bắn ngắn hơn so với các tên lửa trong các lễ duyệt binh trước đây. Nhiều ý kiến cho rằng việc Bình Nhưỡng không đưa nhiều tên lửa vào lễ duyệt binh là nhằm tránh khiêu khích Mỹ.

“Có vẻ như Triều Tiên thực sự đang tìm cách giảm nhẹ bản chất quân sự của sự kiện này. Không có sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo tầm trung. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận thức chung rằng Triều Tiên đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tôi nghĩ thông điệp này sẽ được truyền tải rất rõ”, Chad O’Carroll, lãnh đạo tổ chức Rủi ro Hàn Quốc, nhận định.

Theo Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Hàn Quốc, “bằng cách tránh không đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa vào lễ duyệt binh, ông Kim Jong-un đã cho thấy rằng ông không muốn chọc giận Tổng thống Trump”.

“Cách tổ chức lễ duyệt binh dường như đã phản ánh mối quan tâm của ông Kim Jong-un hiện nay là đối thoại và phát triển kinh tế”, Giáo sư Kim Yong-hyun nhận định.

Nhà nghiên cứu Grace Liu tại Trung tâm nghiên cứu về giải trừ hạt nhân James Martin ở bang California, Mỹ cho rằng việc Triều Tiên tổ chức một lễ duyệt binh không quá rầm rộ là nhằm duy trì “đối thoại dân sự” với Hàn Quốc và Mỹ, đặc biệt trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng vào tuần tới. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh lần 3 của hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều trong năm nay.

“Nhìn chung, một lễ duyệt binh giảm quy mô và “không leo thang căng thẳng” đã cho thấy rằng họ (Triều Tiên) vẫn nhất quán với kế hoạch duy trì đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc”, bà Liu nói.

Các công nhân Triều Tiên mang thông điệp phát triển kinh tế tại lễ duyệt binh (Ảnh: NK Pro)

Sự vắng bóng của các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được xem là động thái hòa dịu của Triều Tiên giữa lúc các cuộc đàm phán và đối thoại ngoại giao đang diễn ra tích cực liên quan tới chủ đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Chỉ riêng lựa chọn đó đã cho thấy ý định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc thể hiện sự nghiêm túc với chiến lược do ông công bố hồi đầu năm, trong đó đặt ưu tiên vào việc cải thiện nền kinh tế Triều Tiên sau khi hoàn tất năng lực răn đe hạt nhân vào năm ngoái. Nó cũng cho thấy rằng chừng nào các cuộc đàm phán còn tiếp diễn, Triều Tiên sẽ không phô diễn hệ thống vũ khí hạt nhân của nước này”, Ankit Panda, chuyên gia chiến lược và là nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Ngoài việc giảm số lượng tên lửa, Triều Tiên cũng bố trí đông đảo các nhóm dân sự tham gia lễ duyệt binh năm nay. Bên cạnh các nhóm binh sĩ, một nửa lực lượng diễu hành là các nhóm dân sự như y tá, công nhân xây dựng, học sinh sinh viên. Họ mang theo cờ, hoa để thể hiện sự trung thành với nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như sự ủng hộ đối với chính sách phát triển kinh tế mới của ông Kim.

Trong các lễ duyệt binh trước đây, phần lớn các khẩu hiệu và thông điệp đều liên quan tới chủ đề chống Mỹ. Còn trong lễ duyệt binh hôm 9/9, các nhóm diễu hành đều mang theo thông điệp “xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh” và thống nhất bán đảo Triều Tiên. Những hình ảnh được công bố cho thấy xe diễu hành được trang trí bằng các mô hình tàu hỏa, pin năng lượng mặt trời, nhà máy điện bằng sức gió và các con đập với khẩu hiệu “Tất cả sức mạnh của chúng ta để xây dựng nền kinh tế!”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không phát biểu tại lễ duyệt binh. Người thay ông Kim Jong-un đọc diễn văn khai mạc là Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam. Bài diễn văn của ông Kim Yong Nam không nhắc tới chương trình hạt nhân và tên lửa, thay vào đó là các mục tiêu phát triển kinh tế Triều Tiên.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích