Khoảng cách giàu nghèo trong bữa trưa của học sinh Mỹ

Chủ nhật, 09/09/2018, 14:40
Bữa trưa học đường là biểu tượng cho sự khác biệt về kinh tế xã hội và chênh lệch về dinh dưỡng ở Mỹ.

Atasha Jordan có những kỷ niệm sống động về bữa trưa tại trường thời đi học. “Tôi nhớ chắc chắn là mình không thích các món ăn trong đó. Tôi ghét xúc xích tẩm bột ngô, do vậy tôi sẽ đổi đồ ăn với những ai thích món đó”, cô gái 26 tuổi, học viên hệ thạc sĩ của Đại học Pennsylvania chia sẻ trong bài viết trên Huffington Post ngày 20/8.

Những đứa trẻ mang hộp cơm trưa được chuẩn bị từ nhà có “nhiều món ngon hơn”, gồm cả đồ ăn vặt như kẹo dẻo, Jordan nhớ lại.

Từ lớp 3, khi Jordan cùng gia đình chuyển từ Barbados đến Sunrise, bang Florida, cô và anh chị em trong nhà nhận được bữa trưa miễn phí hoặc giảm giá, tùy năm học. Năm lớp 8, khi gia đình chuyển đến Newtown, Pennsylvania do mẹ cô thăng tiến trong công việc, họ không còn đủ điều kiện nhận ưu đãi về bữa trưa như trước, và bố Jordan chuẩn bị bữa trưa cho các con mang đi học.

Khi nhìn lại, Jordan cảm thấy trải nghiệm của cô trong nhà ăn của trường, trước tiên là hưởng chương trình bữa trưa miễn phí rồi sau đó mang cơm từ nhà, như một biểu tượng cho sự đi lên của kinh tế gia đình và cả khả năng chạm đến giấc mơ Mỹ.

“Tôi nghĩ nó phản ánh thực tế là có sự phân cấp. Rất nhiều lần bạn có thể ở cùng một không gian với những người thuộc địa vị kinh tế xã hội khác nhau”, Jordan nói.

Năm ngoái, khoảng 30 triệu học sinh trên toàn quốc đã tham gia Chương trình bữa trưa học đường quốc gia do Bộ Nông Nghiệp Mỹ tổ chức. Trong đó, 20 triệu học sinh nhận được bữa trưa miễn phí, 2 triệu em được giảm giá và 8 triệu em phải trả nguyên giá. Bữa trưa ưu đãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các gia đình có thu nhập thấp, những bậc phụ huynh phải vật lộn để kiếm tiền mua thực phẩm lành mạnh.

Nhiều học sinh Mỹ cảm thấy mặc cảm khi ăn trưa ở trường học. Ảnh: Huffington Post

Nhiều học sinh Mỹ cảm thấy mặc cảm khi ăn trưa ở trường học. Ảnh: Huffington Post

Quay lại trường học sau kỳ nghỉ hè, nhiều trẻ cảm nhận được sự kỳ thị gắn liền với bữa trưa miễn phí hoặc giảm giá của mình. Gần đây, báo chí đăng tải thông tin về việc nhiều trường học khiến trẻ mặc cảm vì chưa thanh toán hóa đơn bữa trưa. Do vậy, bữa trưa học đường có thể trở thành biểu tượng của khác biệt kinh tế và chênh lệch dinh dưỡng ở Mỹ.

Giá của bữa trưa ở trường học

Các trường học trên toàn quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phục vụ bữa trưa. Bữa ăn phải đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp, thu hút học sinh và phù hợp ngân sách, theo Diane Pratt-Heavner, giám đốc truyền thông của Hiệp hội Dinh dưỡng Học đường.

Trong năm 2012, tiêu chuẩn dinh dưỡng mới đòi hỏi bổ sung nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả, protein nạc, sản phẩm từ sữa ít béo, thực phẩm ít natri. Các trường được tự do chọn món phục vụ phù hợp với tiêu chuẩn, và không có quy định đối với thực phầm tươi sống hay thực phẩm chế biến.

Khi học sinh nhận được một bữa ăn đủ điều kiện, tức bao gồm trái cây hoặc rau củ, trường được Bộ Nông nghiệp bồi hoàn 3,31 USD đối với bữa trưa miễn phí và 2,91 USD đối với bữa trưa giảm giá, tức học sinh chỉ phải trả 40 cent.

Một nghiên cứu năm 2008 của Bộ ước tính chi phí trung bình để cung cấp một suất ăn ở trường là 2,91 USD, nhưng có thể thay đổi theo vùng. Ở một số khu vực thuộc diện nghèo đói, nơi đa số học sinh hội đủ điều kiện nhận bữa trưa miễn phí, các em có thể được phục vụ cả bữa sáng và bữa trưa mà cha mẹ không cần nộp đơn.

Trong năm học 2018-2019, để đủ điều kiện nhận bữa trưa miễn phí cho học sinh, thu nhập gia đình phải bằng hoặc dưới 130% mức nghèo liên bang, tức 32.630 USD, tính cho gia đình bốn người. Đối với học sinh được giảm giá, thu nhập của gia đình nằm trong khoảng 32.630-46.435 USD.

Sự kỳ thị trong nhà ăn

Adrian Brooks, giáo viên tiếng Anh lớp 9 ở North Bronx, New York, cũng nhìn nhận bữa trưa của học sinh là đại diện cho khoảng cách giàu nghèo. “Chúng đang kiểm tra lẫn nhau, xem ai có tiền và ai phải ăn trưa miễn phí. Việc chế giễu bữa trưa miễn phí không hẳn là bắt nạt công khai. Nhưng bọn trẻ có thể nghĩ bữa trưa miễn phí hoặc giá rẻ thì sẽ không ngon”, Brook nói.

Thầy giáo 35 tuổi cũng từng là học sinh được hưởng bữa trưa miễn phí. Theo anh, học sinh tiểu học thường không quan tâm đến vấn đề này và nghĩ ai cũng nhận được ưu đãi giống mình. Nhưng câu chuyện dần thay đổi khi bạn chuyển từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông, bắt đầu ý thức về phân cấp xã hội. Trường học của anh khi đó phục vụ hai dòng thực phẩm cho hai đối tượng: người phải trả tiền và người không phải trả tiền.

“Nếu bạn trả tiền cho bữa ăn, bạn có thể chọn thêm một số món như khoai tây chiên hay burger phô mai”, anh giải thích.

Trong nhiều năm, các trường học đã nỗ lực đẩy lùi sự kỳ thị liên quan đến bữa trưa, Pratt-Heavner cho biết. Nhiều trường đã thay đổi quy trình thanh toán hay loại bỏ các dòng thực phẩm riêng biệt.

“Họ đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng quầy bán đồ ăn trưa không phải là nơi để nhận diện một đứa trẻ giàu hay nghèo”, bà nói, giải thích rằng một số trường có hệ thống thanh toán trực tuyến, giúp tất cả học sinh dù ăn trưa miễn phí hay không đều phải nhập mã PIN để thanh toán.

Theo Pratt-Heavner, thời điểm trong ngày mà mọi người cùng quây quần bên nhau để dùng bữa nên là một trải nghiệm về sự đoàn kết.

Khác biệt về dinh dưỡng

“Học sinh cần những bữa ăn lành mạnh, cho cả trí óc lẫn thể chất”, Whitney Linsenmeyer, phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng, người hướng dẫn tại Khoa Dinh dưỡng Đại học Saint Louis nhận định. Bữa trưa ở trường học có thể là bữa ăn lành mạnh duy nhất trong ngày của một số học sinh, và những chương trình hỗ trợ có vai trò giúp các em tiếp cận với những loại thực phẩm cần thiết trong độ tuổi phát triển.

Năm 2016, 6,5 triệu (tương đương 8,8%) trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ sống trong hộ gia đình thu nhập thấp không được đảm bảo về dinh dưỡng. Tuy nhiên, cô cũng nói rằng sự kỳ thị là một rào cản đối với việc tham gia chương trình bữa trưa học đường.

Các bữa trưa được phục vụ tại trường có xu hướng lành mạnh hơn bữa trưa mang sẵn từ nhà, nhưng cũng tùy từng hoàn cảnh cụ thể. Linsenmeyer từng thấy nhiều học sinh mang hộp cơm bento chứa rất nhiều món ăn tươi ngon và cân bằng dinh dưỡng, nhưng cũng có những em mang nửa túi khoai tây chiên ăn dở cho bữa trưa, và cả những em không có gì ở nhà để mang theo.

Một nghiên cứu khảo sát các trường học ở vùng nông thôn Virginia cho thấy bữa ăn gói sẵn từ nhà thường có nhiều chất béo và đường, ít dinh dưỡng hơn bữa ăn do trường cung cấp.

Cơ hội xóa bỏ sự kỳ thị

Một trong những chương trình bữa trưa học đường ấn tượng trên toàn nước Mỹ là Brigaid, sáng lập năm 2016 bởi Dan Giusti, cựu bếp trưởng tại nhà hàng Noma lừng danh ở Copenhagen (Đan Mạch).

Một bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng trong chương trình Brigaid với chi phí chỉ 1,28 USD. Ảnh: Instagram

Một bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng trong chương trình Brigaid với chi phí chỉ 1,28 USD. Ảnh: Instagram

Các đầu bếp chuyên nghiệp được thuê để giám sát nhà bếp và chương trình bữa trưa tại trường học. Brigaid bắt đầu ở sáu trường tại New London, Connecticut và sẽ bổ sung sáu trường ở Bronx trong năm học 2018-2019.

“Có lẽ phần khó nhất là nấu những bữa ăn mà bọn trẻ thực sự thích. Rất nhiều thứ phải làm, từ đối thoại, kêu gọi phản hồi, lắng nghe ý kiến của học sinh, thử nghiệm và thất bại”, Giusti nói.

Các bữa ăn được chuẩn bị thủ công và đầu bếp cố gắng cắt giảm lượng thực phẩm công nghiệp. Vài món khiến Brigaid tạo được tiếng vang là bánh mì ngô, sử dụng ngũ cốc nguyên hạt theo yêu cầu của liên bang, và salad gà sốt Caesar. Bí quyết là giữ cho mọi thứ đơn giản, tìm ra yếu tố có thể khiến học sinh yêu thích món ăn.

Nấu bằng nguyên liệu tươi ngon có thể gây khó khăn cho nhiều trường do mắc kẹt về tài chính. Trước khi Brigaid ra đời, Giusti thừa nhận từng rất gay gắt khi bàn về hoạt động của các chương trình bữa trưa học đường, nhưng giờ đây anh đã hiểu tại sao nhiều trường chọn thức ăn chế biến sẵn.

“Cắt gọt trái cây cho một nghìn trẻ là công việc lớn, tốn rất nhiều thời gian và không gian. Nó cần có kỹ năng. Ngay cả một nhiệm vụ đơn giản như thế có thể đòi hỏi khá nhiều công sức”, anh nói.

Tuy nhiên, anh tin rằng chất lượng thực phẩm có thể là giải pháp để chấm dứt sự kỳ thị đối với bữa trưa ở trường. Phụ huynh và các trường học thường liên hệ với anh để tìm hiểu về mô hình của Brigaid.

Nhờ chiến lược sáng tạo món ăn dựa trên nguyên liệu đơn giản, chi phí cho từng suất do đội ngũ đầu bếp của Brigaid lên thực đơn luôn ở mức thấp, chỉ khoảng 1,35 USD, Business Insider thông tin.

“Những người được hưởng thực phẩm chất lượng thường có nhiều tiền hơn. Chương trình bữa trưa học đường là cơ hội để phá vỡ khoảng cách đó, vì bạn đang phục vụ mọi người cùng một lúc. Vì vậy, nếu chất lượng thức ăn cho tất cả cùng cao hơn, bạn đang nắm cơ hội duy nhất để đưa mọi người lại gần nhau”, anh gợi ý.

Theo VNE

Các tin cũ hơn