Thanh tra Chính phủ ngày 7/9 chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM, Bộ Xây dựng và cả Văn phòng Chính phủ liên quan dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (ĐTTT). Trong đó, thành phố đã có nhiều động thái khiến khu đô thị này thay đổi so với quy hoạch ban đầu, những khiếu nại của người dân Thủ Thiêm là có cơ sở.
Quy hoạch tăng 10ha so với thẩm định của Bộ Xây dựng
Ngày 28/8/1995, UBND TP.HCM có tờ trình gửi Bộ Xây dựng thẩm định quy hoạch chi tiết Khu trung tâm mới Thủ Thiêm. Đến ngày 15/5/1996, Bộ Xây dựng gửi văn bản cho Thủ tướng xét duyệt quy hoạch khu đô thị này là khoảng 759,7ha được giới hạn bởi: phía Bắc giáp sông Sài Gòn và Xa lộ Hà Nội; phía Nam giáp sông Sài Gòn (cảng Sài Gòn và huyện Nhà Bè); phía Tây giáp sông Sài Gòn (Trung tâm thành phố hiện có và quận 1); phía Đông giáp xã An Phú, huyện Thủ Đức cũ.
Tuy nhiên, ngày 27/5/1996, UBND thành phố gửi tờ trình đề nghị Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5000 Khu ĐTTT với diện tích 770ha (theo phạm vi lập quy hoạch) - nhiều hơn khoảng 10ha so với thẩm định của Bộ Xây dựng; đồng thời bổ sung khu chuyển dân tái định cư 160ha giáp ranh phạm vi lập quy hoạch (chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng).
Ngày 4/6/1996, căn cứ tờ trình này của thành phố và văn bản của Bộ Xây dựng, Thủ tướng có quyết định 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu ĐTTT với tổng diện tích 930ha gồm: khu đô thị mới 770ha và khu tái định cư 160ha.
Theo Thanh tra Chính phủ, toàn bộ các văn bản như: tờ trình, văn bản thẩm định của UBND thành phố, Bộ Xây dựng và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng đều nêu không đầy đủ, cụ thể về ranh giới, vị trí quy hoạch, nhất là "các hồ sơ kèm theo".
Bản đồ được cho là quy hoạch 1/5000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996. |
Thành phố tự ý bổ sung 4,3ha
Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng 1/5000 Khu ĐTTT ghi ngày 12/6/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan (Công ty Dịch vụ phát triển đô thị - UDESCO là đơn vị lập, Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng thành phố) cho thấy phần diện tích 4,3ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) chỉ thể hiện ở bước nghiên cứu, đề xuất; trên bản đồ quy hoạch không thể hiện các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch (số lô, diện tích, hệ số sử dụng đất...).
Thanh tra Chính phủ cho rằng, những điều này là không đúng quy định của Bộ Xây dựng về việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) với tỷ lệ 1/5000 lập ngày 20/11/1995 đóng dấu các đơn vị liên quan nhưng không xác định phạm vi lập quy hoạch một phần khu phố 1, phường Bình An (quận 2).
"Phần diện tích 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu ĐTTT được Thủ tướng phê duyệt", Thanh tra Chính phủ kết luận. Như vậy, người dân khu vực này khiếu nại đất của họ "không bị quy hoạch nhưng vẫn bị thành phố lấy" là có cơ sở.
Giảm 26,3 ha vì thành phố dành đất cho doanh nghiệp
Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu ĐTTT với diện tích mới là 748ha (gồm 618ha đất và 130ha mặt nước sông Sài Gòn) có vị trí phía Bắc, Tây, Nam giáp sông Sài Gòn, phía Đông giáp phần còn lại của phường An Khánh (quận 2).
Theo Thanh tra Chính phủ, Kiến trúc sư trưởng thành phố không có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/2000, bởi theo Nghị định 91/1994 của Chính phủ quy định thẩm quyền thuộc UBND thành phố. Trong đó, diện tích Khu ĐTTT lại bị giảm 26,3ha (bao gồm 3ha mặt nước) so với quyết định 367 của Thủ tướng.
"Nguyên nhân là do thành phố đã giao đất cho 5 doanh nghiệp đầu tự dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại trước khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 23,3ha thuộc phường Binh An và bổ sung vào trong ranh quy hoạch 4,3ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay", Thanh tra Chính phủ xác định.
Việc làm này của Kiến trúc sư trưởng thành phố khiến ranh quy hoạch Khu ĐTTT thay đổi về phía Bắc thuộc khu phố 1, phường Bình An là 4,3ha - vi phạm quy định tại Điều 9 Nghị định 91 của Chính phủ.
Người Thủ Thiêm phẫn nộ, căng bản đồ quy hoạch không có đất của mình nhưng vẫn bị cưỡng chế. |
Ngoài ra, Quyết định của Kiến trúc sư trưởng còn ghi vị trí giới hạn không đúng với bản đồ và thực địa. Thực tế đúng phải là: phía Bắc giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và một phần phường An Khánh, Bình An (quận 2); phía Nam giáp sông Sài Gòn (quận 7); phía Đông giáp phần còn lại của phường Bình Khánh (quận 2); Phía Tây giáp sông Sài Gòn (quận 1).
"Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc người dân khiếu nại về ranh quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng nhiều năm qua", kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.
Khu đô thị Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP.HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí... Hiện, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến trung ương trong nhiều năm liền, cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định. Ngày 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ làm rõ khiếu nại của người dân với tinh thần "sai thì cương quyết sửa", yêu cầu TP.HCM và các cơ quan khẩn trương thực hiện những chính sách phù hợp với người dân. |
Theo VNE