|
SGK có in bài tập xong yêu cầu học sinh không viết vào khác nào đánh đố |
Xung quanh chuyện SGK chỉ dùng được một lần, vì trong đó có bài tập in sẵn, Bộ GD&ĐT cũng như NXB Giáo dục Việt Nam lý giải, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)… Hay các dạng bài tập khác với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng như: Điền/Viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn Đúng/Sai, Nối, Khoanh, Vẽ, Đánh dấu, Tô màu…
Theo nhà XB giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, SGK tuy in như vậy nhưng không yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp vào SGK. Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, phải giữ gìn SGK, tránh lãng phí nên ra nhiều văn bản hướng dẫn nhà trường, giáo viên nhắc nhở học sinh ý thức giữ gìn SGK. Cụ thể, không được viết, vẽ… vào sách để “sử dụng SGK được lâu bền”.
Chị Nguyễn Thị Thu, cùng lúc có hai con học Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, bao nhiêu năm nay gia đình không được nhà trường thông báo về việc đề nghị học sinh không viết vào SGK.Trong khi SGK có các dạng bài điền vào chỗ trống, kẻ nối… thì đương nhiên con sẽ hoàn thành ngay trong sách.
“Nếu không muốn học sinh làm bài tập trong sách, tại sao lại in vào để đánh đố như vậy?”, chị Thu đặt câu hỏi. Cũng theo chị Thu, gia đình chị không ngoại lệ khi mỗi năm học kết thúc, đành bán giấy vụn cả hai bộ SGK của con mà không thể cho ai.
GS.TS Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình GDPT mới, môn Lịch sử cho rằng, riêng câu chuyện học sinh có được phép/có nên viết vào SGK hay không, ông tin câu trả lời không chỉ đơn giản là “có” hay “không”.
Bởi, nếu SGK là do các em đi mượn (từ thư viện của trường hay của người khác) thì câu trả lời hiển nhiên là “không”, bởi vì khi đó SGK không phải là tài sản, là vật sở hữu của các em. Trong khi sử dụng, các em phải có nghĩa vụ bảo quản, không để mất mát, hư hỏng, rách, bẩn… và vì vậy các em không được viết, vẽ … vào sách. Nếu làm mất, rách, hỏng, bẩn… các em phải đền bù theo quy định.
Còn nếu SGK là tài sản của các em (do các em tự bỏ tiền mua, cha mẹ mua cho các em, hoặc các em được cho, tặng…) thì không ai có quyền cấm các em viết, vẽ vào sách. Các em cũng có quyền cho, tặng lại hoặc bán các sách đó nếu không cần sử dụng nữa.
Trong trường hợp này, cách đặt vấn đề phải khác: học sinh có nên viết, vẽ, đánh dấu… vào SGK hay không? Và để trả lời câu hỏi trên phải tiếp cận vấn đề “học sinh viết vào SGK” với tính cách một vấn đề của khoa học giáo dục. “Do đó, việc người biên soạn SGK phải biên soạn sao cho học sinh không cần thiết phải viết vào SGK, chứ không phải chỉ đưa ra một lời khuyên: “Học sinh không viết vào SGK bằng văn bản chỉ đạo nhà trường, giáo viên”, GS Tung nói.
Theo Tiền Phong