|
Tăng giá SGK sẽ gây áp lực rất lớn đến phụ huynh học sinh |
Như PV số ra ngày 16.10 đã đề cập, cho rằng kinh doanh sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2015 - 2017 bình quân lỗ trên dưới 40 tỉ đồng/năm, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN đã kiến nghị tăng giá SGK hiện hành “để đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí”. Trong khi đó, thực tế chỉ cần đơn vị này xóa bỏ tầng nấc trung gian trong phát hành, không chi cho nội bộ công ty con của mình 5% hoa hồng như đang diễn ra, thì đã dôi ra hàng chục tỉ đồng để “cắt” khoản lỗ trên dưới 40 tỉ đồng như báo cáo.
Nhưng ở NXB Giáo dục không chỉ có khoản chi hoa hồng, mà còn nhiều khoản chi khác cần được làm rõ.
Lãnh đạo “nở nồi”, lương tăng chóng mặt
Trước sức ép của dư luận về những bất thường trong kinh doanh độc quyền SGK, ngày 21.9 vừa qua, lãnh đạo NXB Giáo dục lần đầu gặp gỡ báo chí để lên tiếng. Ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc NXB Giáo dục, không đề cập đến “mâu thuẫn lỗ - lãi” từ việc độc quyền kinh doanh SGK, mà cho rằng “do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB Giáo dục đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ”.
Lý do mà lãnh đạo NXB Giáo dục đưa ra có xác đáng? Câu trả lời cần cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc. Tuy nhiên, cũng chính bản thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc của NXB Giáo dục nêu rõ, giá vốn SGK chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 509 tỉ đồng, nhưng doanh thu bán SGK đạt khoảng 624 tỉ đồng, chênh lệch khoảng 115 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu SGK đạt khoảng 621 tỉ đồng, trong khi giá vốn chỉ 524 tỉ đồng, chênh lệch 107 tỉ đồng. Dẫn số liệu này để bạn đọc có thể tự đưa ra nhận định về thực chất lỗ - lãi trong kinh doanh độc quyền SGK và lý do xin tăng giá sản phẩm này vì “do chi phí đầu vào của SGK tăng cao” có thuyết phục?
Đáng lưu ý, trong khi lãnh đạo NXB Giáo dục cho rằng “đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh khác…” thì thực tế quỹ tiền lương chi ra của đơn vị này lại tăng rất cao so với kế hoạch, nhất là nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý. Điển hình, kế hoạch chi tiền lương năm 2016 khoảng hơn 60 tỉ đồng, thực hiện tăng lên hơn 65 tỉ đồng; trong đó tiền lương, thù lao cho cán bộ lãnh đạo quản lý, thực chi cũng tăng lên hơn 6,2 tỉ đồng so với kế hoạch là hơn 5,3 tỉ đồng, đồng thời tiền thưởng cũng tăng đã “đẩy” mức thu nhập bình quân 45,5 triệu đồng/người/tháng theo kế hoạch lên 53,2 triệu đồng/người/tháng theo thực chi. Năm 2017, quỹ lương, thù lao lãnh đạo quản lý của NXB Giáo dục tăng mạnh lên 6,8 tỉ đồng. Mức lương lãnh đạo quản lý có thời điểm chi vượt kế hoạch khoảng 17%.
Về bộ máy lãnh đạo quản lý, trước năm 2016, ngoài hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc công ty mẹ, ban giám đốc các công ty con trực thuộc…, NXB Giáo dục có ban tổng biên tập trực thuộc không quá 5 người. Thế nhưng, tính đến ngày 6.8.2018 ban tổng biên tập đã tăng lên 12 người, trong đó ngoài tổng biên tập có 11 người giữ chức vụ phó tổng biên tập, được “dàn đều” từ công ty mẹ đến công ty con.
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là xu hướng của nền giáo dục? |
Đừng chồng thêm khó lên phụ huynh học sinh
Theo tìm hiểu của PV, ở NXB Giáo dục còn những khoản chi rất “hào phóng” khác trong một thời gian dài cần làm rõ. Điển hình là khoản chi thù lao “Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM” liên quan đến chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK”. Trên thực tế, chương trình khung về SGK Bộ GD-ĐT chỉ mới công bố từ tháng 1.2018 (để các địa phương hoặc các đơn vị chức năng có thể tham gia biên soạn SGK, đòi hỏi phải có chương trình khung và tiếp đến là chương trình chi tiết của Bộ) và đến thời điểm này Bộ chưa công bố chương trình chi tiết. Thế nhưng, từ tháng 9.2015, NXB Giáo dục đã có quyết định chi thù lao cho “Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM” với 11 người hầu hết là lãnh đạo, cán bộ cấp quản lý thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong đó người nhận cao nhất là 6 triệu đồng/tháng, người thấp nhất 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Cùng nội dung chi tương tự, từ tháng 1.2018, NXB Giáo dục cũng có quyết định tiếp tục chi tiền cho “Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM” với mức từ 2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, quyết định lần này do ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục ký, ngoài 11 người “kế thừa” danh sách nói trên, còn “bổ sung” 24 người vào diện “nhận thù lao”, trong đó có ông Nguyễn Đức Thái; ông Hoàng Lê Bách; 4 phó tổng giám đốc NXB: Phan Xuân Thành, Ông Thừa Phú, Lê Thành Anh, Lê Hoàng Hải; ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc NXB Giáo dục tại TP.HCM; bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định; ông Nguyễn Thành Anh, Phó tổng biên tập NXB; ông Trần Lê Quang, Kế toán trưởng NXB Giáo dục tại TP.HCM và 14 chuyên viên liên quan đến chương trình học của Sở GD-ĐT TP.HCM…
Dư luận đặt vấn đề là thực tế từ nhiều năm qua, hầu hết lãnh đạo Sở, các trưởng - phó phòng ban, chuyên viên các bậc học của Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhận “tiền thù lao” của NXB Giáo dục, thì tiền đó phải chăng sẽ được tính vào giá thành SGK? Đặc biệt là việc chọn sách cho học sinh, giáo viên liệu còn tính khách quan?
Như PV đã đề cập, tăng giá SGK được xem là vấn đề rất hệ trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu gia đình có con em đi học. Do vậy, trước khi đề nghị tăng giá, NXB Giáo dục phải khắc phục “lỗi hệ thống” trong hoạt động nội bộ của mình, sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả thiết thực hơn…, thay vì tìm cách tăng giá, đẩy cái khó về phía phụ huynh học sinh. Mặt khác, cũng cần phải nhắc lại yêu cầu của một số đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 19.9 vừa qua, đó là việc cần phải sớm làm rõ có hay không “lợi ích nhóm” trong độc quyền in ấn, xuất bản SGK trong suốt nhiều năm qua.
Theo Thanh Niên