Chiết khấu 250 tỉ đồng/năm: NXB Giáo dục đã chi như thế nào?

Thứ ba, 02/10/2018, 10:45
Bộ GD-ĐT khẳng định, mức chiết khấu đối với SGK hiện nay (18-20%) của NXB Giáo dục Việt Nam là rất thấp so với mặt bằng của các NXB. Các đối tác không mặn mà với việc phát hành SGK.


NXB Giáo dục Việt Nam cho hay mỗi năm lỗ 40 tỉ đồng tiền in ấn phát hành SGK. Tuy nhiên, NXB này vẫn lãi cao ở việc in ấn phát hành sách tham khảo, vở bài tập

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo gửi Chính phủ một số nội dung về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2012 -2017.

Trước ý kiến cho rằng chiết khấu 250 tỉ đồng/năm cho phát hành SGK là quá cao, Bộ GD-ĐT cho hay chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các công ty Sách-thiết bị trường học (TBTH), các đối tác phát hành là 20% (đối tác chiến lược) và 18% (đối tác phát hành). Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lý cấp dưới thì còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lý, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lý... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và bảo đảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Để giảm chi phí vận chuyển, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị Công ty Sách - TBTH làm đầu mối tập kết, cung ứng SGK cho từng khu vực. Mức chiết khấu bán hàng dành cho các đơn vị này là 5%.

Bộ GD-ĐT khẳng định, mức chiết khấu đối với SGK hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng của các NXB (35-40%). Hơn nữa, giá SGK hiện ở mức thấp, chỉ bằng (30-40%) đối với giá của các loại sách khác nên các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành SGK do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng.

Nói thêm về việc chiết khấu này, Bộ GD-ĐT cho hay toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối, hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. NXB Giáo dục Việt Nam phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn