|
Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản (Ảnh: Wikimedia) |
“Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở cửa và tự do và việc triển khai tàu chiến ở châu Á-Thái Bình Dương là một phần trong kế hoạch đó. An ninh hàng hải và sự ổn định là rất quan trọng với một quốc đảo như Nhật Bản”, Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda, chỉ huy tàu Kaga và tàu khu trục hộ tống, nói về việc Tokyo triển khai tàu chiến tới Sri Lanka.
Trên đường di chuyển tới Colombo, nhóm tàu chiến Nhật Bản đã diễn tập quân sự tại Phillippines và Indonesia. Ngoài ra, nó cũng tham gia tập trận với tàu hải quân Anh trước khi cập bến Sri Lanka vào ngày 30/9 với 500 thủy thủ trên boong cùng 4 trực thăng săn ngầm.
Chuyến thăm là một động thái nhằm bảo đảm cho Sri Lanka về sự sẵn sàng và khả năng triển khai lực lượng quân sự mạnh nhất của Tokyo tới khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Sri Lanka Mahishini Colonne nói: “Sri Lanka, cùng với cam kết về một Ấn Độ Dương tự do và mở cửa, chào đón các tàu hải quân từ tất cả các quốc gia đối tác của chúng tôi, tới giao lưu với Hải quân Sri Lanka. Năm nay, một số tàu hải quân từ các nước đối tác của chúng tôi đã ghé thăm Sri Lanka, và cũng trên tinh thần đó, tàu sân bay từ Nhật Bản, một đối tác song phương thân thiết, cũng được chào đón”.
Gần đây, Sri Lanka đã đồng ý cho một công ty Trung Quốc thuê dài hạn cảng chiến lược Hambantota ở phía Nam trong 99 năm để lấy tiền trang trải nợ nần từ các khoản vay của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc rằng Bắc Kinh cố tình cho Sri Lanka vay những khoản vay “thiếu tính bền vững” nhằm mục tiêu bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Phía Trung Quốc nói rằng dự án cảng này sẽ giúp Sri Laka trở thành điểm trung chuyển vận tải ở Ấn Độ Dương.
Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Taro Kono đã tới thăm Sri Lanka, đánh dấu lần đầu tiên trong 16 năm qua một quan chức ngoại giao hàng đầu Tokyo tới Colombo. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hồi tháng 8 tới Sri Lanka và thăm cảng Hambantota.
“Sri Lanka là quốc gia trọng yếu trong khu vực và là một phần cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở cửa và tự do của Nhật Bản. Cơ chế độc quyền điều hành bởi bất cứ quốc gia nào ở một cảng biển Sri Lanka sẽ đi ngược lại với chiến lược này”, ông Onodera phát biểu, từ chối không nêu chi tiết về quốc gia mà ông đề cập tới.
Giới quan sát nhận định dù Hiến pháp Nhật Bản cấm việc triển khai lực lượng quân sự chiến đấu ở nước ngoài, nhưng chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đang xây dựng một vị thế vững chắc cho quân đội Nhật Bản đối phó với các vấn đề mà họ đang quan ngại trong khu vực.
Theo Dân Trí