Theo SCMP, Trung Quốc đang phát triển một vệ tinh với hệ thống laser chống tàu ngầm mới mà các nhà khoa học hy vọng có thể phát hiện một mục tiêu ở sâu 500m dưới mực nước biển.
Đây là dự án mới nhất trong chương trình do thám biển sâu mở rộng của Bắc Kinh. Bên cạnh mục tiêu tàu ngầm – chủ yếu hoạt động ở 500m đổ lại, hệ thống này có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về các đại dương trên thế giới.
Dự án Guanlan, có nghĩa là “xem sóng lớn”, chính thức khởi động hồi tháng 5 tại Phòng thí nghiệm phi công quốc gia về khoa học và công nghệ hàng hải ở Thanh đảo, Sơn Đông, Trung Quốc.
Tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
Theo SCMP, các nhà khoa học đang làm việc về thiết kế của vệ tinh, các thành phần quan trọng đang được phát triển bởi hơn 20 viện nghiên cứu và trường đại học trên khắp cả Trung Quốc. Song Xiaoquan, nhà nghiên cứu liên quan đến dự án cho biết nếu đội nghiên cứu có thể phát triển vệ tinh như dự kiến, nó sẽ khiến tầng trên cùng của đại dương “gần như trong suốt” và thay đổi hầu hết tất cả mọi thứ.
Dự án tham vọng về lý thuyết hoạt động như sau: Khi một tia laser chạm vào tàu ngầm sẽ có phản xạ. Phản xạ này được cảm biến thu thập và máy tính phân tích để đưa ra vị trí, tốc độ và hình dạng 3D của mục tiêu. Các nhà nghiên cứu hải quân đã phát triển trong hơn 50 năm một loại laser săn tàu ngầm sử dụng công nghệ phát hiện ánh sáng và lidar (hệ thống hoạt động giống radar nhưng sử dụng laser) như thế này.
Trong thực tế, công nghệ lidar có thể bị ảnh hưởng bởi năng lượng hạn chế của thiết bị, mây, sương mù, nước tối – thậm chí thủy sinh như cá hay cá voi. Hơn nữa, laser có thể bị phân tán khi đi từ khu vực nước này sang khu vực nước khác, khiến việc tính toán chính xác gặp khó khăn.
Các thử nghiệm từng được Mỹ và Liên Xô thực hiện đạt được tối đa độ sâu phát hiện là 100m, theo thông tin công khai. Phạm vi này được mở rộng trong nhiều năm gần đây trong nghiên cứu được NASA và Cơ quan dự án nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến DARPA tài trợ. Thiết bị DARPA phát triển được gắn lên máy bay do thám và cho ra kết quả đáng tin cậy ở độ sâu 200m, phát hiện các mục tiêu nhỏ như mìn dưới biển.
Dự án kỳ vọng phát triển thiết bị laser có khả năng phát hiện mục tiêu sâu 500m dưới biển. (Ảnh: SCMP) |
Nhiệm vụ bất khả thi?
Dù vậy, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý tài trợ cho nghiên cứu này, theo SCMP, một phần bởi vì đội nghiên cứu đưa ra phương án tiếp cận đột phá chưa từng được thử qua trước đó.
Thiết bị được thiết kế để tạo ra laser công suất cao ở những màu khác nhau, hay tần số khác nhau, cho phép cảm biến đủ nhạy có nhiều thông tin hơn từ các độ sâu khác nhau. Những tia laser này có thể quét qua khu vực rộng đến 100km, hoặt tập trung vào một điểm chỉ rộng 1km.
Để hoàn thành việc xác định mục tiêu tốt hơn, nó sẽ được sử dụng kết hợp với radar vi sóng. Radar không thể thâm nhập nước, nhưng có thể đo chuyển động bề mặt với độ chính xác cao.
Khi đã phát triển, thiết bị có nhiều khả năng sẽ được Viện Quang học và Cơ học chính xác Tây An, Học viện khoa học Trung Quốc chế tạo. Đây là nơi từng thu hút sự chú ý vì làm nhẹ vũ khí laser.
Mạng lưới do thám
Trung Quốc đã và đang đầu tư mạnh vào thiết bị quân sự, bao gồm công nghệ chống tàu ngầm, theo SCMP. Năm 2017, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố làm nên bước đột phá trong công nghệ phát hiện từ tính với thiết bị có thể phát hiện những gián đoạn nhỏ trong từ trường của Trái Đất do các vật thể kim loại như tàu ngầm gây ra.
Một số công nghệ khác đang được phát triển như cảm biến lượng tử, tàu lượn dưới nước và máy bay không người lái tốc độ cao dưới nước để thu thập thông tin quy mô lớn các vùng biển trên thế giới.
Theo VTC