Thất bại trong hệ thống cảnh báo sóng thần của Indonesia

Thứ hai, 01/10/2018, 13:18
Indonesia suốt nhiều năm không hoàn thiện được hệ thống cảnh báo sóng thần hiện đại, khiến nhiều người bất ngờ khi thảm họa xảy ra.  

Khoảnh khắc sóng thần tràn vào bờ biển Palu, Indonesia hôm 28/9.

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) hôm qua thừa nhận việc phải dựa vào dữ liệu không chính xác được thu thập từ cảm biến ở quá xa ngoài khơi đã khiến họ dỡ bỏ cảnh báo sóng thần 34 phút sau khi ban bố, dù bức tường sóng khổng lồ cao tới 6m ngay sau đó ập vào thành phố Palu trên đảo Sulawesi, cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.200 người.

Giới chuyên gia cho rằng thực tế này phản ánh những hạn chế và cả thất bại trong hệ thống cảnh báo sóng thần của Indonesia, quốc gia nằm trên "Vành đai Lửa" của Thái Bình Dương và thường xuyên hứng chịu nguy cơ động đất, sóng thần rất cao, theo AP.

Sau khi thảm họa kép động đất, sóng thần tấn công khu vực vào năm 2004 khiến gần 250.000 người thiệt mạng, cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ Indonesia xây dựng một mạng lưới cảm biến công nghệ cao nhằm thay thế cho hệ thống cảnh báo lạc hậu dọc bờ biển nước này, với mục tiêu giảm bớt thương vong khi thảm họa xảy ra.

Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ và Đức khi đó đã giúp Indonesia triển khai mô hình thí điểm cảnh báo trị giá 3 triệu USD, gồm mạng lưới 22 phao nổi kết nối với các cảm biến được đặt dưới đáy biển nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu động đất, sóng thần và đưa ra tín hiệu cảnh báo kịp thời.

Hệ thống này được triển khai ngoài khơi Padang, thành phố nằm ngay cạnh một vết đứt gãy địa chất lớn và rất dễ hứng chịu sóng thần. Các cảm biến áp suất, địa chấn chôn dưới đáy biển có thể phát tín hiệu dưới dạng sóng âm trong lòng biển và chuyển tới các cảm biến khác cách đó 20-30 km rồi tiếp tục truyền vào đất liền.

Mạng lưới này có thể cung cấp thông tin đáng tin cậy về nguy cơ sóng thần trong vòng 1-3 phút, thay vì 5-45 phút như phao nổi hay những thông tin rất hạn chế từ thiết bị đo thủy triều. Tuy nhiên, dự án cần được lắp thêm vài km cáp quang để nối cảm biến cuối cùng với một trạm quan trắc trên đất liền, nơi dữ liệu có thể truyền qua vệ tinh tới cơ quan địa chất để phát cảnh báo sóng thần cũng như tới các cơ quan chức năng.

Nhưng từ khi được triển khai thí điểm cho tới tháng 1/2017, dự án vẫn chờ chính phủ Indonesia cấp ngân sách 1 tỷ rupiah (69.000 USD) để lắp đặt đoạn cáp trên và hoàn thiện hệ thống. Sau đó, tình trạng cắt giảm ngân sách khiến dự án liên tục bị đùn đẩy giữa các cơ quan chính phủ và hệ thống vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm.

Việc thiếu ngân sách để bảo trì, bảo dưỡng, cộng thêm tình trạng người dân phá hoại, trộm cắp thiết bị khiến hệ thống này gần như bị vô hiệu hóa. Khi trận động đất lớn xảy ngoài khơi đảo Sumatra năm 2016, toàn bộ các hệ thống phao nổi và cảm biến trị giá hàng trăm nghìn USD mỗi chiếc đều không hoạt động.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống cảm biến, phao nổi khi phát hiện sóng thần. Đồ họa: ResearchGate.

Đến tháng 12/2017, một trận động đất xảy ra ngoài khơi đảo Java, gần thủ đô Jakarta khiến giới chức Indonesia quan tâm trở lại tới dự án. Đến tháng 7 năm nay, Bộ Tài chính Indonesia chấp thuận chi ngân sách để mua và lắp đặt đoạn cáp quang.

Nhưng trong cuộc họp liên bộ vào đầu tháng 9, ba cơ quan lớn có liên quan đến dự án lại không thống nhất được trách nhiệm thực hiện và dự án "đơn giản là bị gác lại", Comfort cho biết. Các quan chức Indonesia chưa đưa ra bình luận về thông tin này.

Nhiều quan chức phòng chống thảm họa Indonesia thậm chí còn cho rằng hệ thống cảnh báo sớm là không cần thiết, vì động đất mặc nhiên được coi là tín hiệu cảnh báo sóng thần và người dân buộc phải sơ tán ngay lập tức. "Cách hiểu khác nhau của các quan chức khiến người dân bối rối trước các thông tin cảnh báo", Gavin Sullivan, chuyên gia tại Đại học Coventry, dẫn lời các đồng nghiệp làm việc tại tổ chức Sáng kiến Ứng phó Thiên tai Indonesia.

Hậu quả thảm khốc

Với thực tế đó, mạng lưới cảnh báo sóng thần của Indonesia hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào 134 cảm biến thủy triều ngoài biển kết hợp với các trạm đo địa chấn trên đất liền cùng 55 còi báo động và hệ thống cảnh báo người dân qua tin nhắn.

Hệ thống này đã thất bại trong việc giúp người dân thành phố Palu sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thảm họa động đất, sóng thần hôm 28/9. Khi trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra, BMKG kích hoạt hệ thống cảnh báo sóng thần bằng còi hú và tin nhắn, nhưng nhiều khu vực ở Palu bị mất điện do động đất, khiến còi báo động không hoạt động, tin nhắn cũng không đến được với người dân.

34 phút sau khi phát cảnh báo, BMKG thu thập dữ liệu từ cảm biến thủy triều ngoài khơi, cách Palu 200 km, và ghi nhận mức nước biển chỉ tăng thêm 6 cm, nên quyết định dỡ bỏ cảnh báo "theo đúng quy trình". Trong khi đó, con sóng cao gấp 100 lần con số mà cảm biến thu thập được đang ồ ạt tràn vào bãi biển Palu, nơi hàng trăm người vẫn đang tụ tập tham gia một lễ hội. Sóng thần tiếp tục cuốn qua vịnh Palu dài và hẹp, tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó.

"Các video trên mạng xã hội cho thấy khi sóng thần đang tràn đến, người dân Palu vẫn đi bộ, lái ôtô, đi xe máy trên đường, không biết rằng họ sắp bị bức tường nước khổng lồ này cuốn trôi", Margie Mason, phóng viên của AP, nói.

Cảnh tượng tan hoang tại thành phố Palu sau khi sóng thần tràn qua. Ảnh: AP.

"Với tôi, đây là một thảm họa với giới khoa học và cả người dân Indonesia", Louise Comfort, chuyên gia về ứng phó thiên tại tại Đại học Pittsburgh, người từng tham gia dự án xây dựng mạng lưới thí điểm cảnh báo sóng thần cho Indonesia, nói. "Thật đau lòng khi phải chứng kiến thảm kịch này, dù ở đó đã có sẵn một mạng lưới cảm biến hiện đại lẽ ra đã có thể cung cấp những thông tin quan trọng".

Theo Comfort, các cảm biến thủy triều của BMKG tuy có thể phát hiện sóng thần nhưng lại không cung cấp được những dữ liệu quan trọng như 22 phao nổi trong dự án thí điểm, vốn đã bị hư hỏng sau nhiều năm không được đầu tư đúng mức. "Trong thảm họa ở Sulawesi, BMKG đã dỡ bỏ cảnh báo quá sớm vì họ không có được dữ liệu từ Palu. Đây là những dữ liệu mà hệ thống phát hiện sóng thần có thể cung cấp", bà cho biết.

Tuy nhiên, Adam Switzer, chuyên gia sóng thần tại Đài quan sát Trái Đất của Singapore, cho rằng việc đổ lỗi hoàn toàn cho BMKG là "phần nào không công bằng".

"Nó cho thấy các mô hình cảnh báo sóng thần của chúng ta hiện nay vẫn quá đơn giản", ông nói. "Chúng không tính tới khả năng nhiều trận động đất diễn ra liên tiếp trong thời gian ngắn, cũng không lường trước nguy cơ từ những trận sụt lở đất dưới đáy biển".

Các chuyên gia cũng cho rằng ngoài những yếu tố liên quan đến hệ thống cảnh báo, sự chủ quan của người dân Indonesia khi động đất xảy ra cũng góp phần khiến thương vong tăng cao do sóng thần.

"Điện bị cắt khiến hệ thống loa báo động không hoạt động, nhưng phần lớn người dân bị sốc sau trận động đất cũng không để ý đến nguy cơ sóng thần", Harkunti P. Rahayu, chuyên gia tại Viện Công nghệ Bandung, nói.

Lực lượng cứu hộ đưa một nạn nhân ở Palu ra khỏi đống đổ nát do động đất, sóng thần. Ảnh: Reuters.

Các quan chức Cơ quan Ứng phó Thiên tai Quốc gia Indonesia cho biết những người tham dự lễ hội trên bờ biển Palu vẫn nán lại bãi biển sau khi có cảnh báo, nên khi sóng thần ập vào, họ không kịp chạy và trở thành nạn nhân. "Lẽ ra ở khu vực ven biển như Palu, khi cảnh báo được đưa ra, ưu tiên hàng đầu là chạy tới vùng đất cao và ở tại đó trong vài giờ", Switzer cho biết.

Rahayu cho rằng việc người dân ở Palu vẫn có mặt trên bãi biển khi sóng thần tràn đến cho thấy họ dường như chưa rút được kinh nghiệm từ các thảm họa trước đây. "Điều đó chứng tỏ chính phủ đã thất bại trong việc huấn luyện cách ứng phó và tạo sự tin tưởng với người dân vào hệ thống cảnh báo", ông nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn