|
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 73 ngày 27/9. Ảnh: TTXVN. |
"Cơ hội của Việt Nam trúng cử là hơn 50%, xét về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế và là một bên giúp ổn định tình hình trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng, Trung tâm Lợi ích quốc gia (National Interest), trao đổi với VnExpress, đánh giá về việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).
Việt Nam đang tích cực vận động các nước ủng hộ, bầu vào vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Nhóm các nước châu Á – Thái Bình Dương tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 5 đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí này và Việt Nam sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu vào tháng 6/2019. Việt Nam từng là thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Ông Kazianis cho hay Việt Nam được nhìn nhận là một ứng viên mạnh cho vị trí ủy viên của HĐBA, trong bối cảnh Việt Nam là một đối trọng với một Trung Quốc hung hăng, muốn kiểm soát các vùng biển ở khu vực. Do đó, việc có tiếng nói quan trọng của Việt Nam ở LHQ sẽ giúp các bên theo dõi sát được các động thái tiêu cực của Trung Quốc.
Lý giải việc các nước châu Á - Thái Bình Dương chọn Việt Nam là ứng viên duy nhất của khu vực, James Borton, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, Mỹ, cho rằng vai trò quan trọng của Việt Nam với an ninh quốc tế đã tăng nhanh kể từ sau thành công của Hội nghị cấp cao APEC năm ngoái. Việt Nam cũng hội nhập sâu hơn với hệ thống kinh tế quốc tế. Ông Borton nhắc lại việc Việt Nam từng trúng cử vị trí ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, với số phiếu 183/190.
Theo chuyên gia của Stimson, Việt Nam đang giành được sự công nhận của thế giới về vai trò lãnh đạo của mình trong ASEAN, thể hiện tầm quan trọng của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Mỹ và các thành viên không thường trực khác coi Việt Nam là một nước có tiếng nói quan trọng, đề cập các vấn đề theo cách hòa bình, có trách nhiệm và thận trọng đối với các hành động đòi bá chủ của Trung Quốc ở khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông", Ông Borton nhấn mạnh.
Ông cho hay Việt Nam có vai trò là người gìn giữ hòa bình trong tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam có thể sử dụng LHQ là một diễn đàn để các bên trao đổi các vấn đề ngoại giao và khoa học, góp phần thảo luận về các yêu sách của các bên. Chuyên gia này kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì tính mở và sự can dự với thế giới, có vai trò tích cực hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Ông cũng mong Việt Nam sẽ theo sát chương nghị nghị sự 2030 của LHQ và các Mục tiêu phát triển bền vững. Ông đánh giá cao định hướng của Việt Nam trong xử lý các vấn đề môi trường, cho rằng dường như ở cấp địa phương chính quyền nhận thức được tầm quan trọng của việc đề cao tiếng nói của người nông dân và ngư dân.
Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm.
Theo VNE