Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Việc khó của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Xử lý 12 "đại dự án" thua lỗ

Thứ năm, 27/09/2018, 08:58
Đầu tư dàn trải, hoạt động không hiệu quả. Tiền nhà nước được ai đó coi như “tiền chùa”. Sự đổ vỡ của 12 dự án lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế đất nước là một nỗi đau không dễ xóa… Phải chăng đây là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến sự ra đời của UB Quản lý vốn Nhà nước? Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời PV.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Cơ cấu, phân bổ lại hợp lý nguồn lực của nhà nước theo cơ chế thị trường

Thưa Phó Thủ tướng, những năm qua, không ít tài sản thuộc tĩnh vực Nhà nước bị thất thoát, lãng phí mà 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương là một ví dụ điển hình, nên đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên biệt quản lý, giám sát việc này?

Đây chỉ là một trong những lý do chủ yếu để dẫn tới việc Đảng có chủ trương và trên cơ sở đó, Chính phủ đã thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Chủ trương này bắt nguồn từ đòi hỏi lớn hơn là hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế nước ta hiện nay.

Thứ nhất, đó là kết quả của một quá trình công phu, cẩn trọng đúc rút thực tế trong nước và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để tìm ra mô hình quản lý phù hợp của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Với tư cách là cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mô hình Ủy ban nhằm thực hiện một trong những chủ trương lớn của Đảng từ nhiều năm qua được Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định rõ, đó là phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xoá bỏ chế độ Bộ chủ quản, tạo cơ sở để các Bộ, UBND cấp tỉnh tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là quản lý nhà nước theo lĩnh vực, địa bàn được phân công. Đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực và tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Thứ hai, quá trình tái cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu DNNN từ giai đoạn này trở đi là một trong những chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Ngoài góp phần khai thác các tiềm năng phát triển và tăng cường đóng góp của DNNN vào nền kinh tế, việc có một Uỷ ban chuyên trách về tập trung thống nhất và nâng cao năng lực tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong việc cơ cấu, phân bổ lại hợp lý nguồn lực của nhà nước theo cơ chế thị trường, nhằm tối đa hoá hiệu quả sử dụng cho nền kinh tế quốc dân.

Là người được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, Phó Thủ tướng có thể cho biết Nghị định quy định ra sao để có sự phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban và các Bộ, ngành khác?

Dự thảo Nghị định, cơ chế phối hợp giữa Ủy ban và các Bộ, ngành đã quy định rất cụ thể. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp... cũng có nhiều quy định về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu (Uỷ ban) và các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và lãnh thổ.

Tôi cho rằng sự phối hợp này là cần thiết và rất quan trọng. Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ tiếp tục quan tâm quan tâm chỉ đạo để có sự phối hợp có chất lượng, hiệu quả giữa Ủy ban và các Bộ, đặc biệt là trong việc chuyển giao DNNN từ các Bộ về Uỷ ban trong thời gian sắp tới nhằm tránh khoảng trống pháp lý hay làm gián đoạn công tác quản lý vốn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quá trình cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Những vấn đề liên ngành quan trọng, phức tạp, vượt quá thẩm quyền, khả năng phối hợp của Uỷ ban với các Bộ, ngành thì lãnh đạo Chính phủ sẽ trực tiếp điều phối giải quyết kịp thời, đúng quy định.

Ủy ban có quyền thay thế hoặc đề xuất với Thủ tướng việc thay thế nhân sự

Vậy về phía Uỷ ban, Chính phủ đặt ra những quyền hạn gì để cơ quan này có đủ thẩm quyền trong điều hành, quản lý việc sử dụng phần vốn nhà nước rất lớn tại các DNNN hay đối với việc quyết định vấn đề nhân sự ở các Tập đoàn, Tổng công ty, công việc mà có Bộ trưởng một bộ về kinh tế đã từng “than” khó mà lấy được các số liệu từ DN?

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Uỷ ban là xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Chiến lược, Kế hoạch tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý; chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp...

Điều này có nghĩa là Ủy ban có trách nhiệm tham mưu để đồng vốn nhà nước được sử dụng và phân bổ hiệu quả nhất. Ủy ban có trách nhiệm quyết định kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp được giao quản lý và chỉ đạo, theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Còn về thẩm quyền của Ủy ban đối với nhân sự lãnh đạo các doanh nghiệp đã được quy định rõ trong Luật, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Điều lệ các Tập đoàn, Tổng công ty...

Hàng năm, trách nhiệm của các cơ quan đại diện chủ sở hữu (trong đó có Ủy ban) phải đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên... Nhân sự lãnh đạo DNNN có thể bị miễn nhiệm trong nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp.

Như vậy, rõ ràng là Ủy ban có quyền thay thế hoặc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) việc thay thế nếu nhân sự lãnh đạo DNNN không đạt các chỉ tiêu mà cơ quan đại diện chủ sở hữu đặt ra và việc thay thế không nhất thiết phải đợi kết thúc nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước hiện nay cũng tạo ra nhiều cơ hội để Uỷ ban có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi làm đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Mới đây, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đã khẳng định rõ hơn chủ trương từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế. Tổng giám đốc và các thành viên Ban điều hành làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và hưởng lương trong quỹ lương chung cùa doanh nghiệp.

Tôi cho rằng đây là những chủ trương đổi mới quan trọng để doanh nghiệp cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong đó có Ủy ban chủ động hơn trong tìm kiếm và thu hút các nhân sự giỏi về điều hành DNNN. Tất nhiên, cần phải gắn chặt chẽ giữa cơ chế đãi ngộ và hiệu quả điều hành của các cấp lãnh đạo doanh nghiệp thì cơ chế thuê và trả lương mới phát huy được tác dụng thực sự.

Với trách nhiệm nặng nề, nhưng Uỷ ban chỉ là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Điều này có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Uỷ ban không khi mà cần phải có cơ chế đặc thù cho cơ quan này?

Cần khẳng định là các chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu đã và đang được các Bộ, UBND các địa phương thực hiện từ trước đến nay. Khi Uỷ ban đi vào hoạt động chính thức thì các chức năng, nhiệm vụ này đối với 19 DNNN sẽ chuyển từ các Bộ về tập trung tại Ủy ban, tức là không có thêm chức năng, nhiệm vụ mới.

Tất nhiên quá trình vừa qua, các Bộ triển khai công tác đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cũng nảy sinh một số bất cập và cần những đổi mới. Chính vì vậy, trong quá trình tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ, Uỷ ban cần nhanh chóng tổng hợp những vướng mắc, vấn đề phát sinh để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các biện pháp xử lý phù hợp nhằm bảo đảm Ủy ban thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 40 và gần đây là ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội góp ý cho dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc các góp ý này để giao nhiệm vụ cho Ủy ban.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Những khó khăn trước mắt của Ủy ban quản lý vốn nhà nước là không nhỏ

Tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn tại doanh nghiệp

Trong số các DNNN chuyển về Uỷ ban thì có hai Tập đoàn, Tổng công ty đang sở hữu các dự án, nhà máy làm ăn thua lỗ. Là Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng có thể cho biết vai trò của Uỷ ban trong việc đẩy nhanh việc xử lý các dự án, nhà máy này?

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo đặt ra ngay từ đầu là trước hết chính các Tập đoàn, Tổng công ty có tên trong danh sách phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc khắc phục những yếu kém đó. Kết quả tới nay, nhiều dự án, nhà máy trong số này đã có chuyến biến tích cực trong sản xuất kinh doanh, từng bước giảm lỗ, dần khắc phục các khó khăn pháp lý, vốn, nguyên liêụ đầu vào và thị trường đầu ra, có nhà máy bắt đầu có lãi.

Khi tiếp quản quyền đại diện chủ sở hữu ở các Công ty mẹ, nếu trong phạm vi quản lý có doanh nghiệp, dự án nào trong danh mục trên, Ủy ban cần khẩn trương phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu trước đây và các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan để tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, trong đó đề xuất cả những công cụ, cơ chế... mà Ủy ban cho rằng cần thiết theo nguyên tắc và cơ chế thị trường.

Theo Phó Thủ tướng, ông đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn mà Uỷ ban sẽ phải đối mặt trong thời gian tới và sự kỳ vọng của Chính phủ đối với cơ quan này trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ này?

Theo tôi, thuận lợi lớn nhất của Ủy ban là nhận được được sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhiều chuyên gia kinh tế và nhân dân. Định hướng hoạt động của Ủy ban cơ bản đã rõ ràng. Đó là bám sát những chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 12 của Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII và Nghị quyết số 97 của Chính phủ ban hành Chương trình hanh động thực hiện Nghị quyêt số 12 của Đảng.

Mặt khác, những bài học thành công và cả những bài học thất bại trong quản lý DNNN thời gian vừa qua cũng sẽ giúp Ủy ban tiếp cận, triển khai công việc, kịp thời có những quyết sách, tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong việc tiếp tục cơ cấu lại một cách toàn diện DNNN cả về chiến lược, tài chính, công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo nguyên tắc thị trường, tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN tương xứng với nguồn lực được giao, đáp ứng yêu cầu của Đảng, nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.

Để làm được và làm tốt việc này, một trong những thách thức lớn nhất của ủy ban là làm sao xây dựng bộ máy, cán bộ tinh gọn, hiệu quả; qui định cụ thể rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tùng bộ phận, vị trí. Chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo cán bộ có đủ năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp và quản lý vốn theo các chuẩn mực quản trị tiên tiến, trên cơ sở áp dụng tiến bộ công nghệ mới, phòng chống triệt để thất thoát, tham nhũng, lãng phí...

Những khó khăn trước mắt của Ủy ban là không nhỏ, những tồn tại, bất cập của DNNN cũng không thể khắc phục triệt để một sớm, một chiều. Tuy nhiên, tôi tin là với sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, Ủy ban sẽ sớm phát huy hiệu quả, khẳng định được tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng về tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý vốn tại doanh nghiệp, đối mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, góp phần khẳng định vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế đất nước.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn