Bài viết dài 4 trang trên tờ Des Moines Register với tiêu đề: “Tranh chấp: Hậu quả khi một Tổng thống thiếu sáng suốt” (Dispute: Fruit of a president’s folly) được dán nhãn là “Tài trợ bởi China Daily” – một tờ báo chính thức của Trung Quốc. Bài báo nói về tình trạng chiến tranh thương mại đã khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải chuyển sang Nam Mỹ thay vì Mỹ để mua đậu nành.
“Đây là một chiêu chính trị khá có nghề của Trung Quốc” – Tommy Vietor, từng là phát ngôn viên an ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bình luận trên Twitter. Bài báo nhắm vào bang được đánh giá là quan trọng đối với ông Trump và Đảng Cộng hòa trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao.
Là nhà nhập khẩu đậu nành Mỹ lớn nhất, Trung Quốc là một thị trường quan trọng Mỹ không thể để mất, bài viết dẫn lời Davie Stephens, phó chủ tịch Hiệp hội đậu nành Mỹ tuyên bố.
Bài quảng cáo của China Daily trên báo Mỹ. (Ảnh: Des Moines Register) |
Bên cạnh bài báo về nhập khẩu đậu nành, phụ lục của Des Moines Register còn đăng tải câu chuyện về cuốn sách nói đến “những ngày vui ở Iowa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, khi ông đến bang này năm 1985 và 2012 và một đề mục với tiêu đề “Bắc Kinh có thể trở thành ví dụ cho thế giới”.
Theo Bloomberg, Trung Quốc còn đặt hàng các trang báo tương tự tập trung vào thương mại trong số phát hành tháng 7 của Roll Call, một tờ báo về Quốc hội và tình hình chính trị Mỹ, đây dường như là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhắm đến trực tiếp các cử tri Mỹ.
Tiểu bang Iowa bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thương mại của Tổng thống Trump, các đòn đáp trả của Trung Quốc và một số nước khác, theo Phòng thương mại Mỹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Iowa bị đe dọa bởi các chương trình thuế quan vượt quá 1 tỷ USD, trong đó bao gồm 30,8 triệu USD đậu nành, 456.300 việc làm được thương mại hỗ trợ.
Ông Trump cũng thừa nhận tác động của các chương trình thuế, đặc biệt là thuế đáp trả đối với đậu nành và một số sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ - bằng cách đề nghị hỗ trợ 12 tỷ USD cho nông dân, những người được đánh giá là góp phần vào nền tảng chính trị giúp ông thành công trong cuộc bầu cử năm 2016.
Dù vậy, theo một quan chức Mỹ cấp cao, Tổng thống Mỹ tin rằng những thiệt hại tạm thời đối với kinh tế và người tiêu dùng Mỹ là xứng đáng, còn nếu không hành động chống lại Trung Quốc, hậu quả đối với kinh tế Mỹ về lâu dài có thể còn tồi tệ hơn.
Các hiệp hội thương mại đại diện cho nông dân, nhà bán lẻ, nhà sản xuất lắp ráp và các ngành công nghiệp khác đang kết hợp tham gia vào một chiến dịch trị giá hàng triệu USD “thuế quan làm hại vùng đất trung tâm” để gây ảnh hưởng với Tổng thống Trump bằng cách nhấn mạnh những câu chuyện doanh nghiệp, người tiêu dùng và nông dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chương trình thuế của Mỹ.
Dù vậy, các chương trình vận động chống lại thuế quan tỏ ra không mấy hiệu quả, khi sau một tuần lắng nghe ý kiến công chúng, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục với chương trình thuế mới.
Trung Quốc ngày 22/9 đã hủy kế hoạch đàm phán thương mại với Mỹ. Theo Bloomberg, ngày càng có nhiều ý kiến tại Bắc Kinh đồng thuận rằng các cuộc đối thoại hiệu quả chỉ có thể tiếp tục sau khi Mỹ kết thúc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018.
Trong khi đó, Lindsay Walters, phó thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump có mối quan hệ tốt với chủ tịch Tập Cận Bình và nhân sự hai bên đã thường xuyên liên lạc từ khi ông Trump nhậm chức. “Chúng tôi vẫn duy trì cởi mở thảo luận với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc phải có hành động thiết thực đối với hoạt động thương mại không công bằng hiện nay” – Walters nói.
Tổng thống Trump trước đó buộc tội Trung Quốc lợi dụng Mỹ về thương mại trong nhiều năm, nói rằng các chương trình thuế của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục ăn cắp tài sản trí tuệ và ép doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ.