Câu chuyện nên hay không nên đưa giá xăng dầu về với thị trường một lần nữa được "xới" lại trong hội nghị của Tổ công tác của Thủ tướng với tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa diễn ra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận thị trường xăng dầu hiện không còn độc quyền. Bằng chứng là trên thị trường, không phải chỉ có Petrolimex thống lĩnh mà có 2 doanh nghiệp lớn (Petrolimex, Tổng Công ty Dầu Việt Nam) cùng hàng loạt đầu mối xăng dầu lớn, nhỏ khác. Ngoài ra, có 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quất và Nghi Sơn) đảm bảo 70% nguồn cung xăng dầu.
Một trạm xăng của Petrolimex. |
"Thị trường đang trên đà cạnh tranh sòng phẳng thì nên để cho giá tự do. Nhà nước quản lý giá có thể thông qua điều chỉnh thuế, phí chứ không nhất thiết bằng công thức tính giá phức tạp như hiện nay"- lãnh đạo Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Riêng về thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu, ông Khánh nhận định công thức thuế hiện nay không còn minh bạch. Cụ thể, tính bình quân thuế từ các thị trường nhập khẩu trong quý này để áp cho công thức tính giá trong quý sau (thuế bình quân gia quyền) với hệ số K (tác động của các hiệp định thương mại tự do) gây ra sự "lờ mờ", khiến doanh nghiệp khó đoán định.
Từ đó, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định lại: "Thị trường đã tự do rồi thì cần cho phép doanh nghiệp nhập khẩu và bán hàng tự do, duy trì công thức tính thuế như trên khiến doanh nghiệp rất khó làm".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng chính sự phân vân giữa tự do và kiểm soát kéo theo tới giờ phút này, chúng ta vẫn chưa đưa ra được một mô hình quản lý thị trường xăng dầu bảo đảm hiệu quả cao nhất.
"Tôi có cảm giác giống cuộc tranh luận về việc bỏ sổ gạo ngày trước. Rất nhiều người sợ nếu bỏ sổ gạo sẽ dẫn đến náo loạn. Nhưng cuối cùng chúng ta đã làm được và không có vấn đề gì cả. Gần đây cũng rất nhiều người lo nếu chúng ta bỏ giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo thì lập tức thị trường sẽ loạn. Tôi nghĩ gạo chúng ta làm được thì không có lý gì xăng dầu không làm được" – ông Khánh ví von.