Kiểm tra đến đâu có “vấn đề” đến đó
Theo kết luận, Samco và các công ty thành viên của Samco đã mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh.
Điển hình như Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé, công ty thành viên của Samco đã bị lực lượng thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh.
Sau khi tiến hành thanh tra Tổng công ty Samco thì lực lượng chức năng đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm tại đơn vị này. |
Cụ thể, Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu với hình thức cho Công ty Cổ phần Tân Cảng Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu thực chất là hợp tác thành lập pháp nhân mới. Sau đó, Cảng Bến Nghé cho thuê lại cơ sở hạ tầng nêu trên là thực hiện không đúng ý kiến của UBND TP.HCM.
Theo kết luận thanh tra, UBND TP.HCM chỉ cho phép Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, không phải hợp tác với Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu. Do đó, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng đối tượng, không đúng quy định.
Công ty Cảng Bến Nghé cũng chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn đo vẽ hiện trạng và xác định giá trị % còn lại công trình tại Công ty Cảng Bến Nghé với giá trị là 591 triệu đồng. Việc này là không đúng quy định chỉ định thầu đối với gói thầu vượt trên hạn mức chỉ định thầu, bởi theo Luật Đấu thầu thì việc chỉ định thầu chỉ được thực hiện với những gói thầu không quá 500 triệu đồng.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Cảng Bến Nghé cũng có nhiều sai sót. Cụ thể như, công ty tham gia xác định tỷ lệ chất lượng tài sản còn lại không có thẻ thẩm định viên về giá.
Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hệ thống điện… đang hoạt động nhưng được đánh giá tỉ lệ chất lượng còn lại chỉ là “20%”, đây là tỉ lệ chất lượng còn lại tối thiểu. Do đó, lực lượng thanh tra cho rằng, việc xác định tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản của Công ty Cảng Bến Nghé là không hợp lý và chưa có căn cứ.
Cảng Phú Hữu được cho thuê không đúng quy định và chưa có ý kiến của UBND thành phố. |
Nhà Công an, Hải quan tại Cảng Bến Nghé được định giá theo đơn giá công trình nhà xưởng hơn 2,7 triệu đồng/m2 là không đúng đơn giá công trình nhà làm việc dưới 5 tầng, bởi theo quy định là hơn 5,2 triệu đồng/m2.
Theo Thanh tra TP.HCM, nếu không kiểm tra thì tài sản thực tế của Nhà nước tại doanh nghiệp Cảng Bến Nghé đã bị giảm đi.
Ngoài ra, Công ty Cảng Bến Nghé cũng phân bổ chi phí đối với công cụ, dụng cụ có thời gian sử dụng trên 2 năm là không hợp lý. Do đó, Thanh tra thành phố đề nghị loại trừ khỏi chi phí năm 2016 số tiền hơn 231 triệu đồng và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 46 triệu đồng. Thanh tra thành phố đã lập biên bản làm việc với Công ty Cảng Bến Nghé và tạm giữ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm nói trên tại Kho bạc Nhà nước TP.HCM.
Không kiểm tra là “mất” tiền tỷ
Một công ty thành viên khác của Samco là Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cũng có nhiều sai phạm “lòi ra” khi bị thanh tra.
Theo kết luận, Bến xe Miền Đông đã không thu phí dịch vụ của hàng chục ngàn lượt xe xuất bến trong 3 năm liên tiếp là không có cơ sở.
Samco là một trong những đơn vị sản xuất, lắp ráp ôtô có quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam. |
Cụ thể, Thanh tra TP.HCM đã chọn mẫu 58 ngày trong 3 năm gồm 2015, 2016, 2017 và nhận thấy giữa số lượt xe xuất bến trong ngày nhiều hơn số lượt xe xuất bến được thu phí dịch vụ xuất bến. Chênh lệch số lượt xuất bến và số lượt thu phí dịch vụ xuất bến dao động từ 97 – 206 lượt/ngày. Tổng số lượt xe không thu phí dịch vụ khi xuất bến trong 58 ngày là 10.072 lượt.
Theo đơn giá thấp nhất 3.100 đồng/ghế và đối với xe ít chỗ nhất là 16 chỗ thì phí dịch vụ của mỗi lần xuất bến là 49.600 đồng/lượt. Mỗi ngày, bình quân có 174 lượt xe xuất bến không thu phí dịch vụ thì Bến xe Miền Đông đã để “lọt” số tiền hơn 8,6 triệu đồng/ngày. Như vậy, số tiền để “lọt” vì không thu phí dịch vụ xe xuất bến trong 3 năm là rất lớn.
Thanh tra thành phố cũng “chỉ” ra hàng loạt sai phạm tại Bến xe Miền Đông như: đơn vị này cho doanh nghiệp khác vay vốn không đúng quy định, không thực hiện đăng ký sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất, cho thuê tòa nhà văn phòng không đúng với quy định…
Lực lượng thanh tra đã lập biên bản với Samco và Công ty Bến xe Miền Đông, doanh nghiệp thống nhất nộp số tiền hơn 3,2 tỷ đồng là tiền của Bến xe Miền Đông cho các đơn vị thuê, sử dụng lại một phần nhà văn phòng không đúng theo quy định từ tháng 11/2015 đến tháng 11/2017.
Ngoài những sai phạm của các công ty thành viên thì theo Thanh tra TP.HCM, Samco cũng sử dụng nguồn vốn kinh doanh để đầu tư sân tennis và công trình phụ trợ để phục vụ vui chơi, giải trí cho cán bộ công nhân viên là không đúng nguồn vốn.
Cụ thể, ngày 7/12/2015, Hội đồng thành viên thống nhất phê duyệt phương án thi công, cải tạo sân tennis trên tầng thượng Block B Tòa nhà 326 Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang, quận 1). Sân tennis này lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH xây dựng thể thao Minh Quân Sài Gòn. Tổng giá trị quyết toán là hơn 1,8 tỷ đồng.
PV đã nhiều lần liên hệ với ban lãnh đạo Tổng công ty Samco để lấy ý kiến nhưng bất thành. |
Cũng theo lực lượng thanh tra, công tác cán bộ, bổ nhiệm các vị trí tại Tổng công ty Samco cũng không đúng quy định như: bổ nhiệm khi chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nhiều vị trí được bổ nhiệm chưa có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, bổ nhiệm khi chưa có trình độ trung cấp chính trị…
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ban lãnh đạo của Tổng công ty Samco qua thư điện tử và đến trực tiếp trụ sở công ty này với mong muốn có thông tin chính thống từ Samco trước các thông tin; Đồng thời, cũng mong muốn nghe ý kiến phản hồi về những hướng xử lý của Samco sau khi có kết luận thanh tra. Tuy nhiên, đại diện phía Samco cho biết, ban lãnh đạo bận đi họp và đi công tác nên sẽ trả lời câu hỏi của PV nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. |
Theo Dân Trí