|
Trong con mắt của nhà báo Gregor Hebermehl, Việt Nam là hình ảnh tiêu biểu cho một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á với dân số trẻ cùng hệ thống giao thông còn tương đối hỗn loạn. Tuy nhiên, nhà báo người Đức này nhấn mạnh, nhiều người dân ở đây muốn sở hữu một chiếc ôtô cho riêng mình.
Tại Việt Nam, Toyota là nhà cung cấp xe hơi có thị phần lớn nhất, chiếm 23%, tiếp theo đó là Ford. Mặc dù ở sát bên Trung Quốc – nơi đang tìm mọi cách để phát triển các dòng xe nội địa và hướng ra xuất khẩu – nhưng phần đông người Việt ít có niềm tin vào chất lượng sản phẩm quốc gia láng giềng, nhất là các mặt hàng xa xỉ có giá trị cao như xe hơi.
Vì thế, VinFast – kẻ mới nổi lên trong ngành ôtô Việt – chọn hướng đi dựa vào công nghệ của Đức, xây dựng một thương hiệu mang tiêu chuẩn châu Âu nhằm tạo dựng một thương hiệu ôtô của Việt Nam, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. VinFast là dự án trong ngành sản xuất đầu tiên của VinGroup - tập đoàn tư nhân của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo tìm hiểu của Hebermehl, khi bắt đầu sự nghiệp tại Ukaine, những bước đường đầu tiên của ông Phạm Nhật Vượng đều gắn liền với chiếc xe Lada. Đến giờ, ông vẫn còn giữ bên mình chiếc xe kỷ niệm ấy như một phần quan trọng trong cuộc đời mình.
|
James DeLuca trong bài phỏng vấn với báo Đức. |
Cho đến khi chính tay tạo dựng một hãng xe, ông chủ VinGroup càng cẩn trọng hơn. Với mỗi chi tiết, bước đi của VinFast, từ thiết kế, hàn, sơn chân không... ông đều coi đó là điều quan trọng, và luôn giữ vai trò là người phê duyệt cuối cùng.
James DeLuca, CEO VinFast tiết lộ, ông Vượng từng chia sẻ với nhóm phát triển VinFast, điều quan trọng nhất khi định hướng Vinfast theo tiêu chuẩn của một chiếc xe Đức là chất lượng. "Vì người Việt rất quan tâm đến chất lượng của chiếc xe này".
Theo kế hoạch, xe của VinFast sẽ được ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, và dành một phần để xuất khẩu sang các nước châu Á.
James DeLuca kể rằng, khi nói về kế hoạch của VinFast với Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng, ông khẳng định việc phát triển một chiếc xe mới phải sẽ mất từ 36 đến 60 tháng. Ông Vượng đáp lại bằng yêu cầu phải rút ngắn thời hạn đó. 9 tháng là khoảng thời gian mà vị tỷ phú này đưa ra cho đội ngũ của VinFast. Vì thế, DeLuca tìm đến BMW để hợp tác, thông qua thỏa thuận mua lại quyền sở hữu trí tuệ để phát triển các dòng xe mới.
Hiện tại, 160 chiếc xe VinFast đầu tiên đang được thử nghiệm tại Châu Âu và châu Á. Bởi phân khúc khách hàng với sedan và SUV tương đối khác biệt, nên CEO James DeLuca cho hay, VinFast sẽ sản xuất một cách linh hoạt để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong ngắn hạn đối với các dòng xe này, sau khi chính thức trình làng vào tháng 9/2019.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế