Thủ phủ vàng đen trong vòng xoáy nợ nần

Thứ sáu, 28/09/2018, 09:20
Đổ xô trồng hồ tiêu, nhiều "tỷ phú" một thời ở Tây Nguyên giờ lâm cảnh khốn cùng.

Mùa mưa trên Tây Nguyên kết thúc, cũng là lúc ông Lạc khăn gói vào Nam. Để lại khu rẫy cỏ hoang mọc xanh lối, chiếc công nông nhiều tháng liền không nổ máy, vài con dê không bán được cho ai, ông Lạc sẽ đi làm bảo vệ cho một nhà hàng trong Sài Gòn.

Ông phải đi để giữ lấy căn nhà khỏi bị ngân hàng tịch thu. Đã mấy tháng rồi, gia đình ông không thể trả lãi. Khu đất rẫy trồng tiêu được ông Lạc đầu tư từ món tiền vay ngày đó nay đã khô héo.

Bà Vui cố ở lại Chư Pưh. Số phận gia đình bà không khác ông Lạc bao nhiêu, những rẫy tiêu một thời là niềm kỳ vọng giờ đã trở thành món nợ. Nhưng bà ở lại chờ canh bạc cuối: hơn trăm trụ tiêu xanh nhà bà đã trụ được qua mùa mưa. Chút vốn còn lại của gia đình đã đổ vào đó.

Nhưng qua mưa, nắng lên cũng là lúc dịch bệnh bùng phát. Bà Lê Thị Vui đã nhìn thấy vài chiếc lá tiêu nhuốm vàng. Nếu nhiễm bệnh, dịch sẽ lan dần ra cả dây tiêu, từ gốc này sang gốc nọ, và rồi cả khu rẫy. Những dây tiêu sẽ đồng loạt chết, lá vàng rụng kín gốc.

Bà Vui đứng cạnh một trụ tiêu đã chết khô trong rẫy.

“Lúc ấy, nó chết nhanh như người ta tưới nước sôi xuống vậy”, bà Vui mô tả lại một khung cảnh quen thuộc. Năm ngoái, 20.000 gốc tiêu đã chết như thế, và cũng là lúc đồ đạc trong nhà bà đội nón ra đi.

“Nếu đám tiêu này chết, cả nhà sẽ phải ra đường”, bà đã nhìn thấy trước kết cục của gia đình. Trong rẫy xa bây giờ là màu xám của những trụ tiêu hoang phế cùng nỗi lo các khoản nợ đến hạn. Ngoài đường, những ngôi nhà đóng cửa im ỉm, treo biển “bán nhà”, “bán đất rẫy”. Người trong thôn dăm hôm lại chuyền tai nhau về gia đình nọ vừa trốn nợ giữa đêm. Không ai biết nhà đó đi đâu, mới chiều nay họ còn thấy bọn trẻ con nhà đó đi học về. Có người bảo lên Bình Dương làm công nhân, có lời đồn sang tận Lào hay Campuchia để trốn nợ tín dụng đen.

Đó là khung cảnh của Chư Pưh, Gia Lai. Một thời, vùng này đã là thủ phủ hồ tiêu của toàn thế giới.

Cơn sốt vàng đen

Những năm 1980, gia đình bà Vui từ Thanh Hoá vào Gia Lai lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Tây Nguyên khi ấy trong trí nhớ của bà là vùng đất trồng cây gì cũng nảy nở tươi tốt.

“Giống tiêu xấu hoắc được người ta thương tình chia cho vậy mà cắm xuống đất là sống liền, lớn nhanh như thổi, không cần phân thuốc gì. Qua ba mùa mưa thì thu trái. Một ký tiêu lúc đó đổi được cả mấy ký gạo”, bà Vui nhớ lại.

Từ trồng tiêu đổi gạo, người nông dân Tây Nguyên nhanh chóng nhận ra rằng những dây tiêu cắm xuống đất đỏ có thể đổi nhà, đổi xe, đổi cả đời. Đó là một thời đại huy hoàng của hồ tiêu – vua của các loại gia vị. Theo dữ liệu của Hiệp hội hồ tiêu thế giới, giá FOB của hồ tiêu tăng hơn 4 lần trong thập kỷ 90. Từ 1990 đến 2000, Việt Nam liên tục mở rộng diện tích vùng trồng. Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam chính thức đoạt ngôi vị nhà sản xuất số 1 thế giới.

Sau đó là ký ức đẹp đẽ. Mùa mưa năm 2011, giá tiêu đạt 120.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó. Họ hàng, hàng xóm, nhà nào có cưới xin hay lễ động thổ xây nhà, cũng đều mong muốn vợ chồng bà Vui đến chúc phúc. Họ muốn được hưởng lây vận may từ cây tiêu của gia đình bà. Cả cái huyện Chư Pưh này, có mấy ai năm qua xây được hai căn nhà, tậu thêm một mảnh đất nhờ tiêu.

Sự phát đạt ấy vẫn nhìn thấy qua những bức ảnh cũ: hai vợ chồng bà lịch thiệp đứng  trong căn nhà lớn sang trọng, gỗ ốp khắp nơi, phía trước là tivi màn hình phẳng đấu với dàn âm thanh, phía sau là tủ bếp tân thời.

Vợ chồng bà Vui những ngày hoàng kim của hồ tiêu Gia Lai.

Những ngày ấy Chư Pưh phấn khởi. Ở đó, có những ngôi nhà cao tầng ốp gỗ, ốp đá, mọc lên sau ngày thu hoạch. Những ngôi nhà được xây lên bao giờ cũng có một khoảng sân rộng tráng xi măng để phơi hạt vàng đen. Chiếc công nông của ông Lạc từng chở hàng tấn tiêu từ rẫy về sân nhà. Ông và người trong xã phải tranh nhau chỗ đậu xe trước cửa hàng thu mua nông sản.

Tiếng công nông ầm ĩ trên đường quốc lộ, trong rẫy xa nhiều ngày dài. Những gương mặt hoan hỉ ngày ấy có lẽ không bao giờ hình dung được, một ngày, cây hồ tiêu sẽ đẩy họ xuống hố sâu nợ nần.

Mùa mưa năm 2015, giá tiêu đạt đỉnh điểm 270.000 đồng/kg. Đó cũng là năm dịch bệnh bắt đầu lan ra trên những dây tiêu. Nhưng không mấy ai quan tâm. Tiêu chết thì chặt đi trồng lại. Giá tiêu đang lên, cao gấp 5 lần cà phê thế này có thể “cân” được tất cả. Dùng lợi nhuận những mùa trước, vay thêm ngân hàng, bà Vui nâng diện tích trồng lên 10 hecta.

Cơn sốt tiêu lây lan trên thế giới. Giai đoạn đó, trên báo The Indian Times, người Ấn Độ kể ra những tấm gương “nông dân sản xuất giỏi” vì đã học theo mô hình Việt Nam. Phương thức trồng tiêu truyền thống của người Ấn là xen canh, cho năng suất thấp. Nhưng thời điểm 2015, những trụ bê tông chuyên canh hồ tiêu - thứ được gọi là “mô hình Việt Nam” bắt đầu mọc lên khắp các bang.

Việt Nam trở thành thước đo vàng của giới trồng tiêu Ấn Độ. Báo chí nước này, trong năm 2015 mà giá tiêu lên đỉnh điểm, đặt câu hỏi cho chính phủ: “Làm sao để Ấn Độ đuổi kịp Việt Nam?”.

Vợ chồng bà Vui trong vườn tiêu đã chết. Gia đình bà có 20.000 gốc tiêu thế này.

Mùa mưa năm 2016, giá tiêu ở Gia Lai bỗng rơi xuống 180.000 đồng/kg. Những dây tiêu nhuốm bệnh, năng suất giảm tới 60-70%, nhiều vườn gần như không có trái. Nhưng bà Vui vẫn lạc quan: giá tiêu năm sau rồi sẽ lên lại như mùa trước, lúc ấy một nửa vườn chết thì bà vẫn có lời.

Đó là một niềm tin thơ ngây. Bà Vui không nhận ra rằng, đang có hàng trăm nghìn nông dân cũng đang khao khát cơ hội đổi đời nhờ cây tiêu. Từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam đến vùng bờ biển Malabar của Ấn Độ, từ chân núi Knuckles của Sri Lanka cho đến cực Nam đảo Sumantra của Indonesia, cuộc đua sản lượng hồ tiêu bùng nổ. Ai cũng muốn “noi gương Việt Nam”.

Sau đỉnh năm 2015, giá hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới bắt đầu lao dốc. Từ đỉnh 9.577 USD/tấn, sau hai năm, giá hồ tiêu xuất khẩu từ Việt Nam chỉ còn trung bình 5.201 USD/tấn, tức là đã mất gần một nửa giá trị. Giá giảm, nhưng diện tích trồng thì không ngừng tăng.

So sánh giá hồ tiêu và diện tích trồng tại Gia Lai. Nguồn: Niên giám thống kê Gia Lai.

Mùa mưa năm 2017, giá tiêu rớt xuống còn 80.000 đồng/kg, chưa bằng một phần ba hai năm trước đó. Bà Vui không còn vui nữa. Cùng lúc ấy, gần 20.000 trụ tiêu trên 10 hecta đất rẫy của bà chết sạch. Những món nợ đầu tư bắt đầu phình to. Nợ ngân hàng tới kỳ đáo hạn. Bà Vui phải tìm đến tín dụng đen. Đồ đạc, xe cộ trong nhà lần lượt bị mang đi gán nợ.

Mùa mưa năm 2018, giá tiêu còn chưa đầy 50.000 đồng/kg, căn nhà lớn của bà Vui giờ trống hoác.

Gia sản của người phụ nữ cả đời bán mặt cho đất bốc hơi theo từng nhành tiêu chết. Bất lực với khoản lãi ngân hàng 39 triệu đồng mỗi tháng, bà treo biển bán nhà, bán rẫy. Nhà đất rớt giá hơn một nửa so với trước kia nhưng đã mấy tháng trời không ai gọi đến.

Triệu phú tiêu một thời nay đắp đổi qua ngày bằng mấy bó rau bí mỗi sáng bán ngoài chợ, cùng nỗi lo không biết bao giờ ngân hàng siết nhà.

Không một khách nào hỏi kể từ khi ông Lạc cắm biển rao bán đất rẫy.

Ông Lạc không đầu tư lớn như bà Vui. Nhưng sau ba năm thất bát liên tiếp cũng đành rao bán vườn, bán rẫy. Ông cứ ân hận mãi ngày trước đã chặt hết cây cao su tập trung vào mỗi hồ tiêu. Vợ con, mẹ già chưa kịp hưởng một ngày sung sướng. Ngôi nhà gỗ ọp ẹp mấy lần định sửa sang nhưng cũng nhín lại để dành tiền mua rẫy, mua giống, mua phân.

Ông tính, vô Sài Gòn chuyến này làm làm bảo vệ lương mỗi tháng 5 triệu đồng, trừ tiền trọ, tiền ăn ra, ông còn dằn túi được gần 3 triệu đồng, gửi về nhà trả dần món nợ 200 triệu đồng vay ngân hàng.

Bi kịch đời tiêu

Bốn năm trước, mẹ của Hoa, một phụ nữ goá chồng, thế chấp căn nhà vay tiền từ tín dụng đen mua đất cắm trụ trồng tiêu.

Nhưng rồi những dây tiêu cứ lần lượt nhuốm vàng rồi chết khô, chưa kịp một lần bón trái. Tín dụng đen dăm hôm lại vào nhắc lãi mẹ đang đẻ lãi con. Nếu đến vụ tiêu mà không trả, chủ nợ sẽ kiện ra toà để lấy nhà.

“Mẹ em cả đời chỉ quanh quẩn trong xã nên nghe nhắc tới toà án, công an thì sợ lắm, mất ngủ cả đêm. Buổi sáng bà làm gì đến trưa đã quên sạch”, Hoa nhớ lại. Túng quẫn, người phụ nữ đã tự vẫn, khi đứa con gái lớn chưa đầy 18 tuổi.

Nhưng cuộc đời của con gái bà vẫn tiếp tục bị dây tiêu đeo bám. Như bao nông dân Chư Pưh khác, nhà chồng Hoa cũng đặt tất cả gia sản xuống những trụ tiêu. Giờ chồng Hoa đã sang huyện khác tìm đất mới, bỏ chút vốn cuối cùng trồng tiêu với hy vọng cứu được cái nhà khỏi tay ngân hàng.

Hơn ba năm sau ngày mẹ mất, chị em Hoa vẫn bị tín dụng đen đeo bám. Thi thoảng, chủ nợ lại cho người vào quấy phá, đòi nhà. Họ doạ, nếu không đưa nhà sẽ báo công an vì tội chiếm đoạt tài sản.

Một người nông dân Chư Pưh cạnh những dây tiêu cuối cùng sót lại.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Phòng NN&PTNT Chư Pưh giải thích về nguyên nhân chính của bi kịch hồ tiêu, là việc nông dân đã phớt lờ cảnh báo của chính quyền, ồ ạt mở rộng diện tích canh tác.

“Họ trồng tiêu ở cả vào vùng trũng, dễ ngập nước. Chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần nhưng không ai nghe. Rẫy là của dân, thời điểm giá tiêu tăng cao, làm sao chúng tôi can thiệp, ngăn họ lại được”, ông Khanh phân trần.

“Trách nhiệm này thuộc về chính quyền”, ông Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT phản biện. “Cơ quan nhà nước không thể đổ do người dân chạy theo lợi nhuận, bất chấp những cảnh báo”.

Nguyên nhân chính, theo ông Sơn, là có sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường. Trở ngại lớn nhất của nông dân giờ đây không phải là vốn mà là thông tin. Người nông dân chỉ biết được thông tin qua thương lái hay các đại lý thu mua nông sản thì sẽ không thể ra được các quyết định đầu tư hợp lý.

Việc nông dân chạy theo lợi nhuận là quy luật tất nhiên, tuân theo động lực thị trường. Hơn nữa, nông dân không tin vào các quy hoạch và cũng không có cơ chế khuyến khích để tin vào quy hoạch.

“Chừng nào những thông tin chính xác trên thị trường còn chưa được chuyển đến nông dân thì những bi kịch như hồ tiêu ở Gia Lai sẽ chưa thể chấm dứt”.

Chị Phượng, một nông dân Chư Pưh, với "canh bạc cuối" trong vườn tiêu.

Ngay trong thời kỳ vàng son của cây tiêu, những hiểm họa với người nông dân đã hiện hình. Phân giả, giống thiếu chất lượng, những kẻ lưu manh tìm đến thủ phủ vàng đen như khung cảnh của mọi “bãi vàng” điển hình.

Ngày ấy, khi những dây tiêu trong vùng già cỗi, chị Lương Thị Bích Phượng thuê xe lặn lội sang tỉnh khác tìm cây giống. Nghe nông dân trong huyện kháo nhau trên Đăk Lăk có Viện Nông nghiệp bán cây giống tốt, lại còn được chuyên gia hướng dẫn trồng, chị  đến đó. Nhưng vừa xuống bến xe đã có cò mồi lừa đưa về vườn, mà không phải lên viện. Mỗi dây tiêu, cò giống sẽ được chị và chủ vườn, mỗi người trả cho 20.000 đồng.

“Mình chỉ mới học hết lớp 4, chữ nghĩa không rõ ràng. Họ nói giống này cũng từ viện ra nên cũng tin vậy, sau mới biết là bị lừa”, chị Phượng kể lại.

Ông Lạc đã trải qua mấy vụ tiêu chết, mấy lần cặm cụi làm lại bằng những kiến thức cóp nhặt từ tivi, từ kinh nghiệm truyền miệng. Rồi cuối cùng, ông bị đánh gục bởi phân giả - thứ mà người ta rao bán công khai ở hội trường xã.

Vụ đầu tiên ông Lạc trồng tiêu, “cây chết nhanh đến nỗi lá khô vẫn dính sum suê trên trụ”. Vụ thứ hai ông kéo bò vào rừng mất hai tháng trời, đào được 700 cây gỗ hương về cắm xuống rẫy làm trụ cho dây tiêu. Ông tin gỗ hương giúp dây tiêu phòng bệnh. Xem chương trình nông nghiệp trên tivi, ông nghe bảo cây nhiễm bệnh chết là do đất nhiễm phèn. Ông thuê xe đào hết lớp đất cũ bỏ đi rồi rải vôi xuống trước khi cắm trụ. Nhưng tiêu vẫn chết khi chưa một lần bón trái.

Lần thứ ba trồng lại tiêu, ông Lạc đổi sang loại phân của một công ty về hội trường xã giới thiệu. Họ bảo phân này đã được chứng nhận ở ngoài trung ương, được các chuyên gia về tiêu khuyên dùng. Nhưng một tháng sau, màu đen ban đầu của phân đã chuyển sang màu đất sét. Ông biết mình đã mua phải phân giả.

Ván bài lật ngửa

Cuộc đua xuống đáy của hồ tiêu không chỉ nhìn thấy ở Tây Nguyên. Những nông dân Ấn Độ, chỉ hai năm trước vẫn nhìn về Việt Nam như “gương sáng”, giờ cũng đang lao đao. Giá tiêu đen trên thị trường nội địa Ấn Độ đã giảm hơn một nửa so với năm 2016. Người nông dân Ấn giờ coi tiêu đen từ Việt Nam là nguồn cơn bi kịch: họ cầu cứu chính phủ, yêu cầu áp giá sàn với tiêu Việt Nam, hay thậm chí là cấm nhập khẩu hẳn tiêu Việt Nam để nông dân trong nước tìm đường sống.

Còn nông dân Chư Pưh, như bà Vui, thì đang viết đơn cầu cứu gửi ra Trung ương, gửi lên Thống đốc Ngân hàng nhà nước, với mong muốn được khoanh nợ. Nhiều lá đơn đã được gửi đi nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Một căn nhà hoang vì chủ nhà đã bỏ đi sau những vụ tiêu thất bại tại Chư Pưh.

Những dây tiêu chết không chỉ để lại hậu quả trực tiếp lên cuộc đời những người trồng tiêu. Những doanh nghiệp, đại lý phân bón, thu mua nông sản từng đóng vai ngân hàng thứ hai cấp vốn cho nông dân đầu tư vào rẫy tiêu. Cho nông dân vay tiền, mua thiếu phân bón; đến mùa thu hoạch, nông dân sẽ bán hàng cho họ. Đó từng là cách làm ăn có lợi, lời lãi cho cả đôi bên. Khi cơn bão quét qua, tất cả cùng ở trên bờ vực thẳm.

Đứng trước đám sổ nợ nếu xếp chồng lên cao hơn nửa mét, chủ công ty phân bón và thu mua nông sản Quang Mai thú nhận “có thể sẽ phải mất hết”. Ông đã miệt mài đi đòi từ năm 2017 đến giờ và rút ra kết luận tình hình này sẽ còn kéo dài, số nợ có thể phải mất, muốn tồn tại phải thu hẹp kinh doanh.

Nhưng dẫu sao Quang Mai vẫn còn may mắn khi đủ sức trụ được qua cơn bão hồ tiêu này. Đồng nghiệp của họ ở xã Iale - huyện Chư Pưh tháng trước đã phải trốn đi trong đêm, mang theo số nợ hàng chục tỷ đồng từ cả ngân hàng và tín dụng đen.

Sổ nợ tại đại lý phân bón và nông sản Quang Mai.

Và tương lai của những đứa trẻ cũng héo theo những dây tiêu. Ở Chư Pưh bấy giờ, với nhiều phụ huynh, giáo dục là một khoản đầu tư không có tương lai.

Cô Đặng Thị Phương Thuỳ, giáo viên dạy Toán ở trường THPT Nguyễn Thái Học ở huyện không nhớ đã bao lần đến nhà động viên phụ huynh cho con đi học lại, và phải gạt nước mắt quay về khi nghe phụ huynh tính toán chi phí cơ hội cho những năm học tiếp theo.

“Giờ chỉ có trụ tiêu mới cứu sống được nhà chúng tôi thôi, chứ con chữ cũng bất lực”, một người mẹ đang mắc nợ hơn một tỷ đồng nói với cô giáo. Con bé phải nghỉ học đi làm phụ gia đình trả nợ, khi chỉ còn một học kỳ nữa là xong chương trình lớp 12.

Mùa hè năm nay, trên quốc lộ 51 bắt ngang qua Chư Pưh, cô Thuỳ đã chứng kiến những học trò của mình mang ba lô bắt chuyến xe đêm vào Sài Gòn, qua Lào làm thuê. Có những em vẫn đang gắng gượng theo nốt năm học, nhưng đã phải dùng cả kỳ nghỉ hè để sang Lào làm công nhân nông trường cao su.

Bà Vui giờ mưu sinh bằng những mớ rau bí bán ngoài chợ hàng ngày.

Đứng dưới những trụ tiêu khô, những người nông dân lên kế hoạch làm lại cuộc đời. Sau 30 năm rời Huế tìm lên Gia Lai lập nghiệp, một lần nữa, ông Lạc lại phải rời bỏ quê hương. Chị Phượng và bà Vui trồng lại rau. Nhưng cả tấn bí xanh của Phượng giờ bỏ cho sâu đục vì thương lái không xuất hiện khi tới vụ; còn ruộng bí đỏ của bà Vui cũng không kết trái sau mùa mưa.

Không ai có thể tưởng tượng rằng những gương mặt khô héo trong rẫy tiêu ấy, chỉ vài năm trước, còn là nhân tố dẫn dắt của một cuộc chơi toàn cầu trị giá hàng tỷ USD, tạo ảnh hưởng cả lên chính sách của các chính phủ nước ngoài. Học chưa hết phổ thông, họ tự gánh trên vai cả một ngành kinh tế, trực tiếp đánh bạc với thị trường thế giới.

Đó là một ván bài lật ngửa: những thông tin về thị trường thế giới, diện tích các vùng trồng, sản lượng, diễn biến mùa màng và giá cả giờ công khai khắp nơi (bằng tiếng Anh và trên Internet).

Nhưng trong rẫy, bà Vui hay ông Lạc không biết tới điều đó. Năm 2016 ấy, ngay cả khi tiêu chết, bà Vui vẫn đủ ngây thơ để tin rằng rồi giá sẽ còn tăng, như nó đã tăng trong suốt cả thập kỷ.

“Trồng tiêu cũng dễ như trồng khoai lang vậy” - bà còn nhớ năm ấy đã khuyên con trai như vậy, để anh bỏ ý định tìm việc, ở lại trồng tiêu.

Theo VNE

Các tin cũ hơn