|
Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nguồn cung hàng hóa và nguyên vật liệu giữa hai bên bờ Thái Bình Dương bị gián đoạn, toàn bộ hệ thống gồm các nhà cung ứng, nhà phân phối nhà sản xuất và cả người tiêu dùng – đã mất nhiều thập kỷ để có thể thành hình - đang gặp phải những thách thức khổng lồ.
Năm 2017, Mỹ nhập số lượng thắt lưng da trị giá 217 triệu USD từ Trung Quốc, chỉ bằng một phần nhỏ so với kim ngạch hàng tỷ USD các mặt hàng đồ da được giao dịch giữa hai nước. Lâu nay vẫn được mệnh danh là công xưởng thế giới, phần lớn các đồ dùng bằng da được sử dụng trên toàn thế giới đều được làm ra ở Trung Quốc. Nhưng giờ đây ngành công nghiệp đồ da ở cả Trung Quốc và Mỹ đang bị đe dọa bởi chiến tranh thương mại, và đây cũng chính là cơ hội để các đối thủ ở bên ngoài nổi lên.
Chúng ta có thể thấy rõ ràng những tác động của thuế quan lên chuỗi cung ứng khi theo dõi hành trình của 1 chiếc thắt lưng da, đi từ cánh đồng ở bang Texas đến nhà máy Trung Quốc để rồi cuối cùng là đến tay người tiêu dùng Mỹ.
Từ con bò ở Texas...
Câu chuyện bắt đầu từ 1 con bò ở bang Texas, tại nhà máy Texpac Hide and Skin Ltd. tọa lạc ở Fort Worth. Suốt 18 năm qua, nhà máy này chuyên lấy da bò tươi và các loại da sống khác từ các lò mổ và nhà máy đóng gói thịt, sau đó xử lý chúng và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Khách hàng lớn nhất của những nhà máy xử lý da như Texpac là các xưởng thuộc da ở Trung Quốc. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD, tức hơn một nửa sản lượng.
|
Để đáp trả thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đã đánh thuế bổ sung 5-10% lên một số mặt hàng trong đó có da sống nhập khẩu từ Mỹ. Texpac và nhiều công ty khác đang đứng trước nguy cơ mất mối làm ăn vào tay các đối thủ từ Brazil và Australia, những công ty được hưởng mức thuế thấp hơn.
Thuế quan càng khiến khó khăn thêm chồng chất trong bối cảnh ngành công nghiệp đồ da đang phải chịu áp lực từ xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng những sản phẩm nhân tạo hơn và quay lưng với da thật vì lý do nhân đạo.
Mỗi tuần Texpac xử lý khoảng 25.000 bộ da và mỗi tháng xuất khoảng 80 container sang Trung Quốc. Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, Chủ tịch Jamie Zitnik của Texpac đã phải hứa với các khách hàng Trung Quốc rằng công ty sẽ chia sẻ một phần gánh nặng thuế với họ.
Với mỗi tấm da có giá 45 USD, thuế tăng thêm 5% sẽ khiến mỗi container đắt thêm 1.440 USD. Những tấm da sống phải được vận chuyển bằng những container đặc biệt, yêu cầu rất cao về độ sạch sẽ và phải bao bọc kỹ càng để tránh bị hư hại sau hành trình di chuyển dài ngày trên biển.
... đến nhà máy thuộc da ở Trung Quốc
Sau khi tới Trung Quốc, chúng được những người thợ thuộc da xử lý bằng hóa chất, nhuộm màu và biến thành những tấm da hoàn chỉnh. Công đoạn này khá nguy hiểm vì sử dụng những hóa chất có thể gây ung thư như hexavalent chromium. Vì thế mà Mỹ gần như không có nhà máy thuộc da, thay vào đó công việc được thực hiện bởi những công ty Trung Quốc đặt ở vùng nông thôn.
Lyu Zhihao, giám đốc của Dongguan Junxi Leather, cho biết đã ngừng đặt hàng từ Mỹ vì giá bị đội lên do thuế, hơn nữa các container cũng bị hải quan kiểm tra rất gắt gao, khiến hàng hóa chậm trễ. Dù đã quá phụ thuộc vào nguồn hàng từ Mỹ trong nhiều năm nay, anh đang nghĩ đến chuyện hoàn toàn từ bỏ.
|
Zhihao vẫn còn 2 containter trị giá 1,4 triệu USD đang trên đường từ Mỹ về Trung Quốc. Một công ty khác đã xây dựng cơ sở ở Thái Lan khuyên Zhihao điều 2 container này qua Thái Lan để tránh thuế. Thậm chí về lâu dài anh có thể xây nhà máy ở Thái Lan, nơi có chi phí nhân công và các quy định về môi trường "dễ thở" hơn. Anh lưỡng lự vì có khoảng 50 công nhân đã gắn bó với công ty nhiều năm, nhưng tình hình này thì chẳng có lựa chọn nào khác.
Những tấm da hoàn chỉnh mà nhà máy của Zhihao xử lý sẽ được bán cho các nhà máy sản xuất thắt lưng, túi xách và giày da. Ngoài ra những tấm da này còn được sử dụng làm nội thất ôtô hay các đồ trang trí nội thất. Công ty Guangzhou Jinhuamei Leatherware của gia đình Jennie Zhang đã làm thắt lưng da từ năm 1939, từng là nhà cung cấp thắt lưng đồng phục cho quân đội Trung Quốc.
Người tiêu dùng Mỹ là người gánh chi phí
Jinhuamei xuất khẩu 1/3 sản lượng cho các nhà bán lẻ Mỹ. Những công ty như Target và Walmart giờ đây phải trả thêm 10% tiền thuế để mang những chiếc túi xách và thắt lưng đến tay người tiêu dùng. Đến tháng 1/2019, mức thuế suất sẽ tăng lên 25%.
Kể từ tháng 7, khi chính quyền Trump bắt đầu tăng cường đe dọa đánh thuế, Zhang đã phải nghĩ đến những điều khó tránh. Nếu san sẻ phần thuế tăng lên cùng với khách hàng thì lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu ngược lại sẽ mất đi một lượng lớn các khách hàng Mỹ, dẫn đến kịch bản tồi tệ nhất là phải đóng cửa nhà máy. "Giống như là chết từ từ hoặc chết ngay lập tức", Zhang ngậm ngùi nói.
|
Ở chặng cuối cùng của cuộc hành trình, chiếc thắt lưng được vận chuyển từ những nhà máy như Jinhuamei tới Mỹ, nơi các nhà bán buôn và bán lẻ cũng đang rơi vào tình thế hết sức khó xử: tăng giá bán hoặc tìm các nguồn hàng bên ngoài Trung Quốc, một việc rất khó khăn và phải mất ít nhất là 1 năm. Cuối cùng thì người tiêu dùng Mỹ phải mua hàng với giá đắt hơn và nhiều người lao động bị đe dọa mất việc làm.
Tại cửa hàng lớn nhất của Macy’s ở New York, Adrian Washington đang có ý định mua chiếc thắt lưng Calvin Klein giá 36 USD để tặng vợ. Đang cố gắng tiết kiệm tiền để mua nhà, đối với Washington kể cả mức tăng giá 10% cũng tạo ra sự khác biệt đủ lớn để anh quyết định sẽ không mua nữa.
Theo Tri Thức Trẻ