Tàu vỏ thép hư hỏng: Giám đốc Đại Nguyên Dương bật khóc mong ngư dân chia sẻ

Thứ bảy, 29/09/2018, 09:15
“Tôi không còn gì nữa rồi, công ty bị lừa, giờ công ty tôi phá sản, gia đình tan nát hết…”, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương - đơn vị đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ cho 5 ngư dân tỉnh Bình Định bị hư hỏng đã bật khóc tại cuộc họp.

Chiều qua (28/9), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định định chủ trì tổ chức cuộc họp để giải quyết dứt điểm việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho 5 chủ tàu của ngư dân tỉnh này đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng. Các tàu này đều do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đóng.

Công ty phá sản, gia đình tôi tan nát hết…

Tại buổi làm việc, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định yêu cầu giữa Công ty Đại Nguyên Dương và ngư dân phải thương lượng với nhau để giải quyết dứt điểm việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại và quyết toán chênh lệnh giá cho các tàu vỏ thép bị hư hỏng. Nếu không giải quyết được đề nghị đưa ra tòa án dân sự xem xét giải quyết theo luật định.

5 ngư dân đóng mới tàu vỏ thép tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vô cùng mệt mỏi vì đến nay công ty chưa bồi thường hết thiệt hại.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thừa nhận trách nhiệm và mong các ngư dân chia sẻ khó khăn. Ông Nguyên nói rằng: “5 con tàu đến với Công ty Đại Nguyên Dương không đúng người, đúng chủ mà qua môi giới. Đó là 2 chú cháu kế toán trưởng công ty họ đã đến quan hệ với tất cả các chủ tàu rồi cho hứa như thế nào công ty không biết. Sau đó, họ về lừa cả công ty nên tất cả bây giờ tôi là người gánh hậu quả, thiệt hại lớn nhất là công ty phá sản. Hiện nay, các đối tượng đó tôi đã trình bày hết cho Bộ Công an rồi”.

Trước phần trần của ông Nguyên, vị giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, ngắt lời: “Chúng tôi rất chia sẻ với công ty nhưng đó là chuyện nội bộ của công ty. Đề nghị công ty trả lời thẳng vào vấn đề về việc Ngân hàng BIDV đề nghị trả lại tiền chênh lệch. Đối với bà con ngư dân, đề nghị công ty trả lại khoản kinh phí hỗ trợ, bồi thường theo thống nhất và số tiền 650 triệu đồng mà công ty cho rằng ngư dân nợ công ty”.

Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã bật khóc tại cuộc họp khi ngư dân yêu cầu công ty phải bồi thường tất cả các khoản theo đề nghị.

“Thật sự tôi là giám đốc công ty nhưng không biết gì về việc công ty hứa cho tiền 500 triệu đồng này cả. Hiện nay, công ty có đối tượng thu số tiền 500 triệu đồng và tôi có suất ra phiếu chi 150 triệu đồng nữa, tổng cộng là 650 triệu đồng. Tôi không còn gì nữa rồi, nó lừa công ty tôi giờ trắng tay, gia đình tan nát hết. Tôi bây giờ đang tim mạch, huyết áp…”, ông Nguyên bật khóc tại cuộc họp khiến cho chủ trì cuộc họp phải dừng lại trấn an ông Nguyên bình tĩnh, không quá xúc động.

Đại Nguyên Dương tiếp tục hứa

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, 5 tàu cá do Công ty Đại Nguyên Dương đóng hoạt động chưa được 1 năm thì bị hư hỏng nằm bờ khắc phục sửa chữa. Hiện nay, việc khắc phục, sửa chữa các tàu vỏ thép bị hư hỏng đã cơ bản hoàn thành và các tàu hoạt động ổn định và có hiệu quả bước đầu. Riêng tàu vỏ thép của ông Võ Tuân trong quá trình sửa chữa, công ty để xảy ra chập điện làm cháy phần đầu máy dò cá. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa thay máy dò cho tàu cá của ông Tuân.

5 tàu vỏ thép bị hư hỏng nằm bờ sửa chữa do Công ty Đại Nguyên Dương đóng (ảnh tư liệu).

Điều ngư dân bức xúc là việc giải quyết đền bù, hỗ trợ thiệt hại khi tàu hư hỏng nằm bờ, với số tiền 5 chủ tàu đề nghị đền bù là hơn 9 tỷ đồng. Công ty Đại Nguyên Dương đã cam kết sẽ thanh toán một số khoản đã thống nhất trước 20/8/2018. Thế nhưng, đến nay việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại do tàu hư hỏng nằm bờ và việc quyết toán chênh lệch giá giữa Công ty Đại Nguyên Dương và 5 chủ tàu chưa được giải quyết.

Theo ông Võ Tuân (trú xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS, trước khi được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, có người giới thiệu là người Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tìm đến nhà hứa, nếu đóng tàu ở Đại Nguyên Dương thì công ty sẽ trích 1% giá trị số tiền vay của con tàu.

“Sau đó, công ty cho 500 triệu để bà con tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo chuyến biển đầu tiên. Trong hợp đồng, công ty lo chỗ ăn, chỗ ở cho ngư dân nhưng thực chất ngư dân tự lo. Sau một thời gian đóng tàu, giám đốc Đại Nguyên Dương đưa cho ngư dân 150 triệu đồng nữa nói là tiền đi lại trong quá trình đóng tàu. Tuy nhiên, khi làm lễ bàn giao tàu, Công ty Đại Nguyên Dương soạn sẵn 1 biên bản ghi các chủ tàu đề nghị thỏa thuận cho vay số tiền 650 triệu đồng để làm vốn đối ứng”, ông Tuân bức xúc.

Kết thúc buổi họp, đại diện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ký vào biên bản cam kết sẽ hỗ trợ thiệt hại cho 5 chủ tàu vỏ thép với số tiền 811 triệu đồng. Trong đó, ông Võ Tuân (225 triệu đồng), ông Nguyễn Văn Lý (136 triệu), ông Nguyễn Văn Mạnh (136 triệu), ông Nguyễn Văn Chương (176 triệu) và ông Trần Minh Vương (208 triệu). Việc chi trả số tiền trên trước 29/10/2018.

Ông Nguyên mệt mỏi đành phải để cho bà Phó Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương trả lời tại cuộc họp.

Đại Nguyên Dương thống nhất sẽ hỗ trợ số tiền lãi suất 1% vay vốn ngân hàng thời gian tàu nằm bờ với số tiền: 1% X số tháng tàu nằm bờ sửa chữa X số tiền vay, sau khi ngân hàng tính toán cơ cấu lại nợ; thời gian trả nợ 29/10/2018.

Đối với tiền quá hạn còn lại (6%) chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, hai bên sẽ thống nhất lại. Đối với số tiền 650 triệu đồng giữa Công ty Đại Nguyên Dương và 5 chủ tàu chưa thống nhất.

Ngoài ra, Đại Nguyên Dương đồng ý hỗ trợ đối với trường hợp tàu của ông Võ Tuân đầu do tàu bị hỏng với số tiền 150 triệu đồng; thời gian trả trước ngày 29/10/2018.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích