Người Mỹ thiệt hại thế nào trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

Thứ tư, 26/09/2018, 13:45
Đòn áp thuế của Trump với hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng lên, nhưng không gây hậu quả lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tung ra gói áp thuế mới với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ nhắm vào 267 tỷ USD hàng hóa nữa nếu Trung Quốc có biện pháp trả đũa. Nếu lời đe dọa này của Trump thành hiện thực, gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị áp mức thuế cao, khiến giá các mặt hàng tiêu dùng ở Mỹ tăng lên.

Bình luận viên Leonid Bershidsky của Bloomberg cho rằng cuộc chiến thương mại khốc liệt đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người Mỹ, nhưng họ sẽ không phải trả giá quá đắt, trong khi người lao động Mỹ có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến.

Tổng thống Trump luôn kêu gọi "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, thậm chí đề nghị Apple chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ để tránh bị áp thuế. Tuy nhiên, với hàng triệu người tiêu dùng Mỹ, việc từ bỏ các sản phẩm "Made in China" nổi tiếng với giá rẻ và mức độ phổ biến không dễ dàng chút nào.

Trải nghiệm "từ bỏ hàng Trung Quốc" đã được nhà báo Mỹ Sara Bongiorni thực hiện cách đây 13 năm, khi lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mới chỉ bằng một nửa so với hiện nay. Cho rằng cuộc sống của người Mỹ đang bị bao phủ bởi đồ chơi, thiết bị điện tử, giày dép giá rẻ từ Trung Quốc, Bongiorni và gia đình quyết định thử sống một năm mà không mua bất cứ món hàng nào được sản xuất ở quốc gia châu Á này, theo Reuters.

Trong cuốn sách "Một năm không có 'Made in China'", Bongiorni cho biết cô và các thành viên trong gia đình sớm nhận ra nỗi khổ của những việc trước đây tưởng rất đơn giản như sắm một đôi giày mới, mua quà sinh nhật hay sửa chữa đồ đạc trong nhà, khi họ quyết nói không với hàng hóa Trung Quốc.

Cô chật vật tìm mua những đôi giày không quá đắt tiền cho con trai, nhưng cửa hàng thời trang bán quần áo, giày dép có nguồn gốc từ châu Âu gần nhà đã đóng cửa, buộc cô phải cắn răng chi 68 USD cho một đôi giày trẻ em được sản xuất tại Italy.

Gia đình cô cũng phải xếp xó những thiết bị điện tử gặp trục trặc, với lý do đơn giản là tất cả các thiết bị thay thế đều được sản xuất tại Trung Quốc. Các cửa hàng đồ chơi cũng tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, khiến cậu con trai 4 tuổi của cô phát chán với những món đồ Lego được sản xuất tại Đan Mạch.

Nhà cô cũng buộc phải diệt chuột bằng bẫy sập thay vì sử dụng những chiếc bẫy lồng ít máu me hơn, nhưng đều có dòng chữ "Made in China". Họ cũng không thể mua được những vật dụng cần thiết trong gia đình như nến hay túi ngủ.

Bongiorni cho rằng cô đôi lúc đã mua phải hàng hóa Trung Quốc nhưng không được gắn nhãn, chẳng hạn như nước táo, hay một số sản phẩm được dán nhãn "Made in USA" nhưng hóa ra lại có các bộ phận được sản xuất ở Trung Quốc.

Gia đình Bongiorni thử nghiệm không dùng sản phẩm Trung Quốc vào năm 2005. Ảnh: AP.

Sau một năm kiên trì với lập trường của mình, gia đình Bongiorni cuối cùng phải nhượng bộ và chấp nhận sử dụng sản phẩm Trung Quốc khi không thể tìm được mặt hàng thay thế. Bershidsky cho rằng có rất nhiều gia đình ở Mỹ hiện nay có chung cảm giác lệ thuộc như vậy vào hàng hóa Trung Quốc và bất cứ động thái tăng thuế nào của Trump cũng có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của họ.

Đánh vào túi tiền

Trong một bài viết gần đây đăng trên Xinhua, bình luận viên John Ross ước tính rằng các đòn áp thuế của Trump đối với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến mỗi hộ gia đình ở Mỹ tốn thêm 850 USD mỗi năm.

Con số này dựa trên báo cáo năm 2017 của tổ chức phân tích kinh tế Oxford Economics. Báo cáo cho rằng người tiêu dùng Mỹ được hưởng mức giá thấp hơn 1-1,5% nhờ mua hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương 850 USD/năm so với mức thu nhập trung bình 56.500 USD của các hộ gia đình ở Mỹ năm 2015.

Tuy nhiên, Bershidsky cho rằng các đòn áp thuế của Trump không đồng nghĩa với việc hàng hóa Trung Quốc sẽ biến mất trên thị trường Mỹ hoặc đắt hơn các sản phẩm nội địa hay được sản xuất ở nước khác, nên khoản tiền giả định mà người Mỹ tiết kiệm được nhờ mua hàng hóa Trung Quốc không hoàn toàn biến mất và tính toán của Ross trên Xinhua là không thực sự thuyết phục.

Nghiên cứu năm 2017 của Liang Bai, chuyên gia tại Đại học Edinburgh và Sebastian Stumpner thuộc Đại học Montreal cho rằng tỷ lệ lạm phát của Mỹ giai đoạn 2004-2012 thấp hơn 0,29% mỗi năm nhờ nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bershidsky cho rằng công trình nghiên cứu này cho thấy ảnh hưởng của hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc với kinh tế Mỹ, nhưng sự khác biệt này là không quá lớn. Các chuyên gia Sarah House và Ariana Vaisey đến từ Wells Fargo Securities ước tính 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc mà Trump đang nhắm vào chỉ chiếm 1,68% chi tiêu dùng của Mỹ, nên đòn áp thuế mới chỉ khiến tỷ lệ lạm phát tăng thêm 0,5%.

Người tiêu dùng Mỹ chắc chắn sẽ nhận thấy mức giá tăng ở một số mặt hàng nhất định, chẳng hạn như máy giặt. Sau khi Trump áp thuế và đặt quota nhập khẩu cho mặt hàng này vào tháng 1, giá máy giặt ở Mỹ hồi tháng 6 đã tăng 18,5% so với tháng 2, nhưng độ cạnh tranh cao trên thị trường Mỹ sau đó đã khiến mức giá này giảm 2,6% vào tháng 8.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức giá mới này chỉ tương đương giá vào năm 2015 và phần lớn người tiêu dùng nước này sẽ không nhận ra sự khác biệt.

Nói cách khác, cuộc chiến thương mại khốc liệt của Trump nhắm vào Trung Quốc có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng một chút, nhưng sẽ không đẩy người tiêu dùng Mỹ vào tình cảnh khốn khổ. Trong khi đó, nó có thể tạo động lực để tăng việc làm ở thị trường lao động Mỹ, khi hàng hóa Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh về giá.

Một người Mỹ mua sắm tại cửa hàng Wholesale Club ở Falls Church, Virginia. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những lý do khiến nhiều nhà máy ở Mỹ phải đóng cửa và công nhân thất nghiệp là do không thể đấu nổi với hàng hóa tràn vào từ Trung Quốc, quốc gia có lợi thế nguồn nhân công rẻ. Bởi vậy, họ tin rằng việc khuyến khích người dân bớt sử dụng hàng Trung Quốc và chú trọng hơn vào yếu tố chất lượng của sản phẩm nội địa sẽ giúp ngành sản xuất Mỹ hồi sinh.

Trump đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng là ông sẵn sàng chấp nhận việc tỷ lệ lạm phát tăng lên một mức nào đó để đổi lấy thêm việc làm cho người dân Mỹ. Quan điểm này trái với các lý thuyết thương mại truyền thống, nhưng sẽ không khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá quá nhiều, Bongiorni nhận định.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích