|
Công ty vận tải biển Cosco của Trung Quốc vận hành một phần cảng Piraeus ở Hy Lạp. (Ảnh: AFP) |
Với Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD, Trung Quốc đang đẩy mạnh đáng kể các khoản đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng biển. Vành đai và Con đường là sáng kiến gắn liền với vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, được công bố từ năm 2013 với mục đích thúc đẩy thương mại và sự kết nối giữa các châu lục Á, Âu, Phi trên phạm vi toàn cầu.
Các công ty tiên phong của Trung Quốc như Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings đã đổ xô mua cổ phần hoặc ký hợp đồng xây dựng các cảng ở nước ngoài.
Công ty Cosco bắt đầu vận hành một cảng ở Piraeus, Hy Lạp từ năm 2008 khi chính phủ Hy Lạp đứng trên bờ vực vỡ nợ. Kể từ đó, Bắc Kinh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp cảng ở châu Âu.
Trung Quốc hiện giữ thị phần tại 3 cảng lớn nhất châu Âu gồm: cảng Euromax ở Rotterdam, Hà Lan với tỷ lệ sở hữu cổ phần là 35%, cảng Antwerp ở Bỉ với tỷ lệ 20% và cảng Hamburg ở Đức.
Dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc đã giúp vực dậy một số cảng ở châu Âu. Tại Piraeus, khoản đầu tư của Trung Quốc hồi năm 2016 đã giúp tăng cường đáng kể hoạt động thương mại của cảng này. Cảng Piraeus đã vươn lên vị trí thứ 7 ở châu Âu trong năm 2017 nhờ số lượng container đầu vào, tăng một bậc so với một năm trước đó. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế của cảng Piraeus được ghi nhận tăng 92%.
Tâm lý lo ngại
|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ vào bản đồ vận tải biển tại cảng Piraeus trong chuyến thăm cảng năm 2014 (Ảnh: AFP) |
Tuy nhiên không phải lúc nào Trung Quốc cũng gặp thuận lợi khi đầu tư vào các cảng ở nước ngoài với nguồn tài chính hào phóng.
Tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng hai cảng mới ở Haifa và Ashdod. Giới học thuật Israel đã kêu gọi chính phủ nước này đánh giá xem nên để Trung Quốc can dự vào nền kinh tế ở mức độ nào mà không làm ảnh hưởng tới lợi ích an ninh của Israel.
Shaul Chorev, cựu đô đốc hải quân Israel và là chủ tịch của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Israel, là một trong số những người tin rằng chính phủ Israel nên tiến hành đánh giá về an ninh quốc gia đối với hợp đồng ký với Trung Quốc.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng tìm cách tăng cường sức mạnh về quân sự, ngoại giao, kinh tế nhằm thiết lập sự vượt trội trong khu vực cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc”, ông Chorev nhận định.
Theo cựu đô đốc Israel, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc “nhằm mục đích phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các nước khác, gắn lợi ích của họ với lợi ích của Trung Quốc và ngăn chặn sự đối đầu hoặc chỉ trích đối với cách tiếp cận của Trung Quốc trong một số vấn đề nhạy cảm”.
Theo nhà nghiên cứu Frans-Paul van der Putten tại Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hà Lan, Liên minh châu Âu (EU) ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng sự đầu tư của nước này vào các cảng ở châu Âu để mở rộng ảnh hưởng chính trị tại các quốc gia thành viên EU.
“Bước tiến nhanh chóng của Trung Quốc vào lĩnh vực cảng ở châu Âu đã vấp phải làn sóng phản ứng. Đó là một trong những lý do khiến các chính phủ châu Âu ngày càng nghi ngờ về tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, và cũng là lý do một bộ khung về kiểm soát đầu tư nước ngoài trên toàn EU đang được thảo luận”, nhà nghiên cứu Van der Putten cho biết.
Chiến lược dài hạn
|
Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê cảng nước sau Hambantota trong 99 năm để trừ nợ do không có khả năng thanh toán tiền vay (Ảnh: AFP) |
Theo cựu Tư lệnh Tác chiến Hải quân Mỹ Gary Roughead, không chỉ ở châu Âu, các hoạt động đầu tư cảng biển của Trung Quốc cũng đang gây ra tâm lý lo ngại tại Mỹ vì các hoạt động này được cho là đe dọa vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng.
“Các đơn vị vận hành cảng biển của Trung Quốc có thể sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của tàu Mỹ, nắm bắt các hoạt động bảo trì, tiếp cận các trang thiết bị đến và đi ra từ khu vực sửa chữa, đồng thời trao đổi tự do với các thủy thủ trên tàu trong khoảng thời gian kéo dài”, đô đốc Roughead nói.
Theo đô đốc Chorev, việc Trung Quốc “tích hợp cả mục đích quân sự và dân sự” trong các dự án của nước này đã làm dấy lên nhiều quan ngại về các hệ lụy an ninh từ các chương trình phát triển cảng biển ở nước ngoài. Đây cũng là cách tiếp cận của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đang theo đuổi một tham vọng lớn khi kết hợp ngành công nghiệp quốc phòng và dân sự với hy vọng hai ngành này bổ sung và mang lại lợi ích cho nhau. Trung Quốc muốn sử dụng các nguồn lực và công nghệ dân sự cho mục đích quân sự nhằm thúc đẩy việc hiện đại hóa quân đội, bao gồm phát triển công nghệ máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và hệ thống định vị Beidou nhằm đối trọng với hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ. Tất cả sẽ được sử dụng cho cả 2 mục đích, vừa dân sự vừa quân sự.
Việc kết hợp quân sự - dân sự là một trong những mục tiêu do Trung Quốc đặt ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13, giai đoạn từ 2016-2020. Chủ tịch Tập Cận Bình năm ngoái đã thành lập một ủy ban mới để phát triển kế hoạch kết hợp quân sự - dân sự trong lĩnh vực công nghệ.
Zhang Jie, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từng viết trong một bài báo hồi năm 2015 về chiến thuật “dân sự trước, quân sự sau” của Bắc Kinh. Theo chiến thuật này, các cảng thương mại do Trung Quốc xây dựng sẽ được phát triển dần dần thành các “căn cứ hỗ trợ chiến lược” nhằm giúp Bắc Kinh “kiểm soát các tuyến hàng hải then chốt và bảo vệ an ninh biển”.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cấp cao có trụ sở tại Washington (Mỹ), việc đầu tư vào các cảng biển là cách Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị, kiềm chế các quốc gia nhận viện trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự kết hợp dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hải quân tầm xa của Bắc Kinh.
Theo Dân Trí