Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều đại biểu băn khoăn về tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay. Trong đó, có đại biểu đề xuất tốt nghiệp THPT nên giao địa phương xét, không nên thi.
Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sẽ có nhiều hướng đổi mới đối với kỳ thi năm tới. Nhưng sẽ từng bước tiến tới điểm công nhận tốt nghiệp đánh giá bằng quá trình học tập dựa trên học bạ. Chú trọng hơn trong triển khai thi, lấy điểm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm, năm tới, đề thi không phục vụ mục tiêu kỳ thi "2 trong 1" mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Trên cơ sở đó, các trường ĐH,CĐ sử dụng điểm xét tuyển thí sinh vào trường.
TS Hoàng Ngọc Vinh |
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh- Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, thi tốt nghiệp THPT là cần thiết. Kỳ thi này không nghiêm túc thì ảnh hưởng cả hệ thống giáo dục phổ thông từ lớp một và ảnh hưởng cả chất lượng lao động.
TS Vinh cho rằng, qua kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn của Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, tăng cường tự chủ trường học cùng với quá trình dân chủ hóa trường học việc giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT là cách lựa chọn khá hợp lý hiện nay và không thể bỏ thi tốt nghiệp được.
Cũng theo TS Vinh, để đảm bảo so sánh giữa các địa phương với nhau Bộ GD&ĐT có thể cung cấp đề thi chuẩn (đã được thử nghiệm) gắn với tiêu chuẩn của chương trình THPT (chuẩn đầu ra), khi đó đề thi sẽ không phải là đánh đố như hiện nay cho một bộ phận thí sinh có học lực trung bình và yếu ở các vùng kinh tế khó khăn.
TS Vinh nói, hiện nay một số người khuyến cáo bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng thiếu các nghiên cứu thực nghiệm mà mới tin tưởng vào những giả thiết e rằng chúng ta lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn.
TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, để việc thi tốt nghiệp THPT diễn ra bình thường như một công đoạn của qui trình giáo dục, rất nên nghiên cứu cho học sinh được thi lại một số lần trong cuộc đời khi đó sức ép gian lận sẽ đỡ căng thẳng hơn.
“Điều đó cũng tương tự như thi tốt nghiệp ĐH có thể thi lại mà không bị ngăn cản và đường lối giáo dục mở mới dần trở thành hiện thực”- TS Vinh nhận định.
Tuy nhiên, TS Vinh cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT phải đánh giá 3 năm qua sự lạm phát điểm ở 3 năm học THPT hay không? Cách tính cộng điểm trung bình của học bạ vào điểm thi có bất cập gì không?
Thi đại học: Các trường tự lựa chọn
TS Hoàng Ngọc Vinh quan điểm, nếu trường đại học nào tin ở kết quả kỳ thi tốt nghiệp Quốc gia thì cứ dùng, còn không họ sẽ tuyển theo cách của họ.
Cũng theo TS Vinh, Bộ GD&ĐT có thể bước đầu tổ chức cho một số cụm địa phương, sau có ngân hàng đề đủ lớn thì để địa phương sẽ thi. Việc tuyển sinh đại học nên để tự chủ theo Luật.
“Vì đại học rất đa dạng ngành đào tạo. Các trường không thể úp 3 môn để tuyển như nhiều năm qua”- TS Vinh nhấn mạnh.
TS Vinh lý giải, việc thi đại học với mục đích lựa chọn nhân tài vào học trong các ngành phù hợp (với hàng nghìn ngành thì tổ hợp các môn thi như hiện nay là không đủ và có phần gượng ép) thì để cho trường đại học lựa chọn.
“Có thể không chỉ lựa chọn bằng việc kiểm tra kiến thức mà có thể kiểm tra năng lực, động cơ và thái độ qua các kỹ thuật đánh giá khác chọn được ứng viên phù hợp”- TS Vinh nhấn mạnh.
Theo Tiền Phong