|
Từ khi đất nước chuyển mình theo cơ chế thị trường thì có lẽ lĩnh vực giáo dục cũng bắt đầu bị cuốn theo vòng xoáy của nó, mà rõ nhất là sức hấp dẫn mê hoặc từ những “dự án”. Cơn sốt dự án trong giáo dục có thể nói bắt đầu từ những năm 90 thế kỷ trước.
Những dự án nhiều tỷ
Lần thay sách thứ nhất 1981-1992 vừa xong thì tháng 10/1993 đã triển khai dự án vay ODA làm sách giáo khoa lần thứ hai.
Còn nhớ 15 năm trước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) từng chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT (sau đây gọi là Bộ) Nguyễn Minh Hiển (ngày 13/11/2003) về dự án này: "Việc chuyên gia trong các dự án giáo dục được trả 12.000 - 15.000 USD/tháng/người (tương đương 200 triệu đồng) trong khi lương tháng của một công chức bình thường chỉ khoảng 1 triệu đồng, bộ trưởng có biết?”. Và ông cảnh báo: “Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lý dự án chứ không quản lý giáo dục, đúng không?" (Báo Tuổi Trẻ ngày 14/11/2003).
Cảnh báo của ĐB Dũng không phải là không có căn cứ. Dự án này đã tiêu tốn ngân sách hơn 2 tỷ USD. Một con số khủng lúc bấy giờ.[1] Bản thân người viết bài này cũng từng được tham dự vài ba cuộc hội thảo na ná nhau về chương trình SGK mới (gọi là chương trình 2000) với tư cách là giảng viên trường sư phạm.
Lần thay sách thứ 2 vừa xong thì Bộ lại triển khai thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.
Đề án thay sách lần này khiến dư luận “mắt chữ O miệng chữ A” khi được Bộ công bố để xin ý kiến dư luận vào đầu tháng 6/2011, có kinh phí ước tính 70 ngàn tỷ đồng (bao gồm cả xây dựng cơ sở vật chất trường học). Sau đó trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, Bộ rút lại đề án này.
Ba năm sau, Bộ lại trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án chương trình - sách giáo khoa sau khi đã bóc tách phần cơ sở vật chất với kinh phí khái toán 34.275 tỷ.
Ngày 11/6/2014, tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trần tình về con số 34 nghìn tỷ nói trên: “Con số này là do một đồng chí lãnh đạo cấp vụ của Bộ ngồi phía sau trao lên cho đồng chí Thứ trưởng trong 1 tờ giấy. Thưa Quốc hội, thưa các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước thông cảm cho, anh em dự một cuộc họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên anh em bị khớp nên đã đọc con số đó, chứ con số đó Bộ chưa có bàn bạc gì cả”.2]
Tháng 10/2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết 88/2014/QH13 chấp thuận Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong đó khái toán các công việc liên quan đến biên soạn chương trình, sách giáo khoa chỉ có 462 tỷ đồng.
Một đề án liên quan đến sinh mệnh giáo dục quốc gia nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các chuyên gia lại vận hành một cách sơ sài, cẩu thả. Các con số cứ nhảy múa liên tục khiến dư luận hoa mắt: 70 ngàn rồi 34 ngàn và cuối cùng là hơn 462 tỷ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó đã phải thốt lên: “Từ 34 nghìn tỷ xuống còn có mấy trăm tỷ tôi nghe tôi cũng sợ quá!”. Và ông đặt vấn đề: “Trách nhiệm của Bộ Giáo dục là làm chương trình, nhưng Bộ ban hành chương trình thế nào không thấy nói? Bộ làm thế nào thì không thấy nói? Tổ chức làm chương trình thế nào, hay là mấy vụ thiết kế ra rồi các đồng chí ký, gọi là chương trình?”.[3]
Năm 2008, Bộ triển khai đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” sau khi đã được Chính phủ phê duyệt. Đề án có tổng kinh phí là 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác. Sau gần 10 năm thực hiện, hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra nhưng kết quả khiến dư luận xã hội bức xúc vì chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ trong nhà trường vẫn “đội sổ” so với các môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia.[4]
Tháng 1/2013, Bộ triển khai Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) với tổng số vốn được phê duyệt là 87,6 triệu USD, nhưng sau một thời gian thí điểm nhiều trường đã phải kêu cứu, nhiều địa phương ngừng thí điểm, nói không với VNEN.
Thất bại của VNEN đã được dự báo ngay từ khi vừa mới triển khai bởi đây vốn là dự án chỉ áp dụng cho vùng khó khăn ở nước Colombia xa lắc xa lơ bên Nam Mỹ. VNEN là một sự coppy máy móc của xứ người nhằm thỏa mãn cơn khát dự án?
Mới đây nhất, ngày 22/5/2018, Bộ GD-ĐT chính thức thu hồi đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” với khái toán tổng kinh phí lên đến 749 tỷ đồng. Mang danh là “Đổi mới” nhưng nội dung đề án về cơ bản không thay đổi so với phương án thi THPT quốc gia đã thực hiện năm 2017 và phương thức thi THPT quốc gia năm 2018 đã công bố.
Điểm qua một số dự án khủng như vậy để thấy một thực tế ở tầng vĩ mô của ngành giáo dục. Ngẫm lại lời cảnh báo của vị đại biểu Quốc hội 15 năm trước mà xót xa: “ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lý dự án chứ không quản lý giáo dục”.
Lý do “đặc thù”
Vấn đề đặt ra là vì sao ngành giáo dục làm dự án hàng ngàn tỷ một cách giản đơn như vậy? Vì sao những dự án gây nhiều tranh cãi vẫn được thông qua? Trong muôn vàn lý do, có cái lý do đặc thù của ngành.
Dự án giáo dục không vận hành ồn ào trên công trường mà diễn ra thầm lặng trong phòng máy lạnh, trên bàn phím. Sản phẩm của nó cũng không lồ lộ như cây cầu, con đường hay tòa cao ốc để xã hội có thể giám sát trực tiếp. Nó là những tập SGK, là tài liệu hướng dẫn, là băng đĩa dạy mẫu,… Cơ quan chức năng có thể vào cuộc điều tra ngay những cây cầu, con đường chưa khánh thành đã hỏng vì bị rút ruột, nhưng với dự án giáo dục, đã ai bị xử lý bởi một cuốn sách bị lỗi, một phương pháp dạy học sai lầm, thậm chí là dự án thất bại?
Đối tượng thụ hưởng dự án giáo dục cũng khác. Họ không có quyền từ chối nếu sản phẩm bị lỗi. Có trường học nào dám không thực hiện dự án cho dù chỉ là thí điểm? Có gia đình nào dám không mua sách giáo khoa cho con đi học khi ngày khai giảng đã cận kề?
Bởi thể, chẳng có gì là khó hiểu khi học sinh ta bao nhiêu năm qua được ví như “chuột bạch” cho các cải cách, dự án của Bộ.
Đất nước nói chung và giáo dục nói riêng cần nhiều dự án để phát triển, nhưng không thể chấp nhận việc núp bóng, đội lốt dự án để cá nhân hay nhóm lợi ích trục lợi, xa rời trách nhiệm quản lý chuyên môn, đẩy giáo dục vào vòng luẩn quẩn.
Theo Vietnamnet