|
Lính đặc nhiệm Trung Quốc trong một đợt diễn tập năm 2016. Ảnh: Sina. |
Theo trang mạng DEBKAfile, các tàu chiến, máy bay ném bom và chiến đấu cơ Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận hải quân lớn kéo dài 1 tuần ở Đông Địa Trung Hải với Hải quân Nga.
Cuộc tập trận Hải quân vừa kết thúc ngày 8/9, đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh thực hiện vai trò quân sự trong cuộc chiến kéo dài 7 năm ở Syria.
Động thái này đã được Nga, Mỹ và Israel giữ kín.
Cũng theo DEBKAfile, lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc đang sẵn sàng chờ các chuyến bay tới Syria để tham gia vào chiến dịch giải phóng Idlib cùng liên minh Nga, Syria, Iran.
Ước tính khoảng 3.500 lính thủy quân lục chiến Trung Quốc sẽ bay qua Nga để xuất phát đến chiến trường Idlib.
Có lý do để Trung Quốc sốt sắng trong chiến dịch ở Idlib bởi trong số các thành viên nhóm khủng bố ở tỉnh này có tới hàng nghìn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thuộc vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc tham gia hỗ trợ quân đội Syria tái chiếm Idlib cho thấy Bắc Kinh tin tưởng vào thắng lợi của quân chính phủ Syria trong cuộc chiến.
Trung Quốc hiện là một trong những đồng minh quan trọng của Syria. Cuối năm 2017, Bắc Kinh hé lộ ý định gửi hai đội đặc nhiệm "Hổ Siberia" và "Hổ Đêm" tới chiến trường Syria để trợ giúp Damascus trong chiến dịch chống khủng bố ở miền đông, trong bối cảnh có nhiều phần tử khủng bố gốc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc đã tới Syria để tham chiến.
Truyền thông Arab cho biết một số cố vấn quân sự Trung Quốc đang hoạt động bên cạnh các đơn vị chiến đấu của Syria.
Sự can thiệp của Trung Quốc tại Syria không dừng lại ở việc trợ giúp về quân sự. Với vai trò là một trong 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nước này và Nga từng nhiều lần phản đối các dự thảo nghị quyết chống Syria của phương Tây.
Ví như việc Trung Quốc và Nga cùng phủ quyết 3 dự thảo của Mỹ vào năm 2013 nhằm ngăn cản chính quyền Syria mua vũ khí phục vụ cho các chiến dịch chống khủng bố và quân nổi dậy.
Trước đây, khi Damascus tổ chức các chiến dịch tấn công lớn nhằm vào quân khủng bố và lực lượng nổi dậy tại Aleppo và Đông Ghouta, truyền thông phương Tây thường thực hiện các chiến dịch tuyên truyền lớn về thương vong của dân thường nhằm gây sức ép lên chính phủ Syria.
Trong chiến dịch tấn công Idlib, nhiều khả năng phương Tây sẽ lại áp dụng hành động tương tự. Sự hiện diện của Trung Quốc sẽ làm giảm sức ép truyền thông, cũng như giúp quá trình giải phóng Idlib nhận được sự đồng thuận từ quốc tế.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở Syria đã giúp củng cố sự lớn mạnh của liên minh Nga - Syria trên chiến trường tỉnh Idlib trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tìm cách gia tăng sự hiện diện quân sự tại Syria, đặt quân đội trong tư thế sẵn sàng tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào nếu có sự khiêu khích.
Với sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh vào liên minh chống khủng bố mà Nga nỗ lực xây dựng thông qua các cuộc đàm phán với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, phe này đang chiếm nhiều ưu thế mạnh mẽ hơn hẳn liên quân của Mỹ và đồng minh, báo hiệu cái kết đến sớm của những tay súng khủng bố ở Idlib.
Việc trực tiếp giúp đỡ Damascus trong chiến dịch quân sự ở Idlib cũng sẽ là tiền đề quan trọng giúp Trung Quốc có chỗ đứng trong công cuộc tái thiết Syria sau chiến tranh. Chiến lược này từng được Trung Quốc áp dụng để giành ảnh hưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngay cả giới phân tích Mỹ cũng nhấn mạnh về ý đồ của Trung Quốc trong việc tham chiến và gia tăng ảnh hưởng tại mặt trận Syria.
Bằng cách đóng một vai trò tích cực hơn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại về vấn đề Syria, Trung Quốc có thể đang nỗ lực để được tính đến như là nhà nước bảo lãnh thứ tư cho tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông này, tạo dựng được vị thế quân sự của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Theo Đất Việt