Nằm trên 4 đảo nhân tạo ở bang Johor, Thành phố Rừng với tổng diện tích 20km2 sẽ trở thành một thành phố thu nhỏ với dân số 700.000 người sau khi nó được hoàn thành vào năm 2035.
Tuy nhiên, tương lai dự án Thành phố Rừng của công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc đang phải đối mặt với một rào cản không nhỏ từ chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Mohamad đã cho ngừng vô thời hạn hoặc hủy bỏ các dự án hàng tỷ USD mà Trung Quốc đầu tư vào Malaysia. Dự án Thành phố Rừng với trị giá 100 tỷ USD dù không rơi vào thảm cảnh như vậy nhưng khó có thể lọt khỏi tầm ngắm của vị chính trị gia lão làng.
Cách đây vài tháng, nhiều chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo 93 tuổi có thể không hủy dự án này nhưng sẽ tìm cách ngăn người Trung Quốc tới đây định cư. Điều này nếu xảy ra sẽ giết chết thị trường mục tiêu mà dự án nhắm tới.
Số phận của dự án "Thành phố Rừng" trở nên không rõ ràng khi Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố sẽ không để người nước ngoài tới sống. (Ảnh: NST) |
Nhìn xa hơn, đây có thể sẽ là cú ra đòn của Malaysia đối với tham vọng phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực và xa hơn nữa là sáng kiến "Vành đai và Con đường", dự án nhằm hiện thực hóa nỗ lực trở thành một nền kinh tế lớn không bị thách thức trong khu vực và nhân rộng tầm ảnh hưởng qua các khoản đầu tư cũng như chính sách ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh.
“Chúng tôi không muốn chứng kiến một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân đang xảy ra bởi vì những nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu”, ông Mahathir nói trong chuyến thăm tới Bắc Kinh vào tháng 8/2018.
Sự cứng rắn của ông Mahathi chắc chắn không phải là điều Bắc Kinh mong muốn. Malaysia giàu có và nắm giữ vị trí chiến lược khiến các dự án tại quốc gia này có vài trò quan trọng đối với các chương trình nghị sự rộng lớn của Trung Quốc trong tham vọng phát triển các tuyến đường thương mại mới trong khu vực Đông Nam Á.
Kuala Lumpur kể từ khi ông Mahathir lên nắm quyền đã tỏ thái độ cứng rắn nhưng Bắc Kinh cũng không thể làm căng vì Malaysia là một trong các đối tác thương mại lớn nhất châu Á của họ.
Đúng như dự đoán, vài ngày sau khi trở về sau chuyến thăm Bắc Kinh, vị chính trị gia 93 tuổi đã nhắm vào Thành phố Rừng, thẳng thừng tuyên bố không cho phép người nước ngoài sống tại đây bất chấp việc bên thi công đang gấp rút hoàn thiện các một số tòa nhà để người mua dọn vào cuối năm nay.
Thủ tướng Mahathir Mohamad trong chuyến thăm tới Trung Quốc đầu tháng 8. (Ảnh: SCMP) |
Đây rõ ràng là một cú giáng điếng người với dự án Thành phố Rừng khi mà 80% khách hàng mà họ ký kết là người Trung Quốc và các phòng trưng bày bán hàng cho Thành phố Rừng đã được triển khai trên toàn Trung Quốc.
“Dự án này chẳng khác nào việc xây dựng một thành phố lớn của Trung Quốc ở Malaysia. Điều đó dẫn tới những câu hỏi không chỉ về chủ quyền quốc gia của chúng ta mà còn là vấn đề quy ước xã hội mà nếu không giải quyết sẽ dẫn tới mất cân bằng”, Lim Guan Eng, Bộ trưởng Tài chính Malaysia cho biết.
Chủ đầu tư dự án Thành phố Rừng khẳng định họ đã tuân thủ đầy đủ luật và quy định cũng như đã được phê duyệt trước khi bàn giao cho các khách hàng nước ngoài và đang đàm phán với văn phòng Thủ tướng Malaysia.
Trong khi đó, Bộ Nhà đất Malaysia cho biết đã thành lập một ủy ban để xem xét lại tất cả các thỏa thuận từng được thông qua trước đây và sẽ đưa ra quyết định sửa đổi nếu cần thiết.
Tuy nhiên, các nhà dầu tư Trung Quốc cho rằng động thái này từ phía Malaysia là quá muộn màng. Họ cũng khẳng định phần lớn các khách hàng là người nước ngoài tới từ 30 quốc gia và nếu họ không được cho phép đến ở, Thành phố Rừng sẽ trở thành một khu đô thị ma.
Chia sẻ với Washington Post, một lãnh đạo của công ty bất động sản cho biết công ty của ông lập dự án này như một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong nỗ lực giành lấy ủng hộ từ Bắc Kinh.
Các biểu ngữ tại phòng trưng bày của Forest City không hề giấu diếm sự tự hào về một dự án được Đại sứ quán Trung Quốc cũng như chính phủ nước này hỗ trợ.
“Malaysia không muốn thấy người Trung Quốc chiếm đất của họ. Họ ghét cách chúng tôi làm kinh doanh. Rõ ràng cái giá mà chúng tôi đưa ra là quá cao so với mặt bằng chung của người Malaysia và chúng tôi đặc biệt tiếp thị tới người Trung Quốc. Mọi thứ đã trở nên hết sức căng thẳng”, vị lãnh đạo của công ty bất động sản nói.
Thực tế thì đúng là người Malaysia không mấy hứng thú với các căn hộ chỉ một phòng ngủ nhưng lại có giá lên tới 170.000 USD.
Hiệu ứng Domino
Malaysia không phải là quốc gia đầu tiên chống lại các dự án mà Trung Quốc đầu tư. Pakistan, Nepal, Myanmar và các quốc gia khác với chính sách mới đang nỗ lực thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh.
“Hiệu ứng domino chắc chắn là điều đáng lo ngại”, Tan Chong, một giáo sư tới từ Đại học Tế Nam phân tích.
“Nó chẳng khác nào một báo động cho các dự án khác. Chúng tôi cần phải có kế hoạch dự phòng”, ông này nói thêm.
Trung Quốc thừa hiểu điều này và đã bắt đầu có những điều chỉnh trong dự án “Vành đai và Con đường”. Trong một bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả dự án không mang tính kinh tế mà là một phương thức ngoại giao giúp hợp nhất thế giới.
Sự thay đổi quan điểm của chính phủ Malaysia dưới thời 2 Thủ tướng giờ đây đang khiến các khách hàng của dự án Thành phố Rừng hoảng loạn. Một số người Trung Quốc để có tiền mua lại các căn hộ trong dự án này đã phải bán lại các doanh nghiệp ở quê nhà, chuyển gia đình tới đây sinh sống với hy vọng con cái có thể được hưởng một nền giáo dục tốt hơn hoặc có một ngôi nhà thứ 2 khi về già.
Đại diện công ty đầu tư bất động sản cho biết chính phủ Malaysia đang thúc đẩy họ tiếp cận với các khách hàng Việt Nam, Indonesia hoặc các quốc gia Vịnh Ba Tư để đa dạng hóa dân cư của Thành phố Rừng nhằm thay đổi định kiến của chính phủ đây là một dự án phát triển của Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc.
“Chúng tôi khó mà xoay sở được vì cơ bản chúng tôi dựa vào thị trường Trung Quốc”, ông này thừa nhận.
Theo VTC