Ngày 28-9, Sở Quy hoạch-kiến trúc (QH-KT) TP.HCM tổ chức hội thảo “Đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc tại địa điểm số 59-61 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1” (Dinh Thượng Thơ)
Dự hội thảo có Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Nguyễn Trường Lưu..., cùng lãnh đạo Sở QH-KT.
Toàn cảnh hội thảo |
Nói về các giá trị lịch sử của Dinh Thượng Thơ, chuyên gia sử học Trần Hữu Phước Tiến cho hay qua nghiên cứu các bản đồ cổ và sách sử, nền đất Dinh Thượng Thơ là một dấu tích quan trọng của Thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt mới bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn.
Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn, vào mùa Xuân 1790, Chúa Nguyễn Ánh cho xây Thành Gia Định tại vùng đất cao thuộc địa phận làng Tân Khải-một trong 40 ngôi làng đầu tiên của người Việt trên đất Sài Gòn. Vùng đất cao này khi người Pháp vào gọi là Plateau de la Citadelle – Đồi Thành Lũy…
Từ 1864 đến 1888, ngoài việc điều hành toàn Nam Kỳ, Dinh Thượng Thơ còn là cơ quan hành chính điều hành trực tiếp Sài Gòn-Chợ Lớn trong 24 năm. Nói cách khác, Dinh Thượng Thơ là "tòa thị chính", Ủy ban Hành chính đầu tiên của đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn.
Từ 1945-1955, tòa nhà Dinh Thượng Thơ, có lúc là Dinh Thủ Hiến Nam Việt, và rồi Tòa đại biểu chính phủ tại Việt Nam của Quốc gia Việt Nam-Bảo Đại. Từ tháng 10-1955-4-1975, Dinh Thượng Thơ chuyển thành trụ sở của Bộ Kinh tế. Sau tháng 4-1975 đến nay, tòa nhà này không còn là trụ sở của các cơ quan trung ương mà chuyển về cho UBND TP.HCM lần lượt làm trụ sở của nhiều cơ quan quản lý kinh tế.
Đến nay, xuyên qua ba thế kỷ, tòa nhà Dinh Thượng Thơ chỉ thực hiện chức năng là công thự hành chính ở cấp trung ương cũng như địa phương. Có lẽ hiện giờ, ngoài trụ sở UBND TP và Tòa án TP, trên địa bàn TP rất hiếm có một công thự nào còn nguyên vẹn như ban đầu mà chức năng sử dụng không thay đổi như tòa nhà Dinh Thượng Thơ. "Bản thân tòa nhà rất xứng đáng được coi là di tích lịch sử, là cột mốc vàng- mở đầu lịch sử quản trị hành chính đô thị cũng như quản trị hành chính quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại" - ông Tiến nói.
Đầu tiên, kiểm tra, khảo sát, lập hồ sơ di sản lịch sử-văn hóa-kiến trúc cấp thành phố và cấp quốc gia. Giữ nguyên trạng tòa nhà, không phá bỏ hay xây sửa. Tiến hành khảo sát toàn bộ kiến trúc, tầng hầm. Tiến hành thám sát, đào khảo cổ phần sân liên quan các công thự từ số 59-63 Lý Tự Trọng. Lập phương án trùng tu tòa nhà trong tổng thể các kiến trúc và cảnh quan xưa chung quanh. Lập phương án di dời trụ sở 2i Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Công Thương TP ra nơi khác. Lập phương án sử dụng tòa nhà sau khi trùng tu kết hợp đa chức năng. Vận động các chuyên gia, sinh viên sử học, đô thị học, kiến trúc, mỹ thuật, báo chí, kinh doanh, ngoại giao…cùng tham gia đóng góp ý tưởng và phương án tôn tạo và phát huy giá trị tòa nhà. Vận động các nước Pháp và EU hỗ trợ kinh nghiệm giữ gìn và phát huy giá trị các dinh thự hành chính xưa. Vận động xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực, nhiều nguồn kinh phí để trùng tu và phát huy giá trị tòa nhà.
Theo NLĐ