|
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, bắt đầu vào ngày 30/11.
Moody's, công ty phân tích có trụ sở tại New York chuyên theo dõi rủi ro địa chính trị toàn cầu, dự đoán rằng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ tiếp tục. Họ cho rằng mức thuế 10% mà Mỹ áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 25% vào ngày 1/1/2019, theo SCMP.
"Chúng tôi không mong đợi nhiều đột phá tại G20", Anne Van Praagh, chuyên gia tại Moody's nhận xét. "Nếu hai bên đạt được đồng thuận về vấn đề nào đó thì nó cũng sẽ không toàn diện và chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, vì căng thẳng giữa hai bên không chỉ xoay quanh thuế quan. Đó là căng thẳng địa chính trị xoay quanh việc sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra thách thức cho Mỹ".
Quan chức hai nước đã có những cuộc thảo luận với mục tiêu đưa ra một khuôn khổ mà ông Trump và ông Tập có thể thống nhất tại G20 nhưng họ không đạt được nhiều tiến bộ. Bloomberg đưa tin rằng Trung Quốc ban đầu vạch ra một số nhượng bộ tiềm năng trước chính quyền Trump nhưng không nhận được phản ứng tích cực từ Mỹ, vì họ không hứa hẹn về những cải cách cơ cấu lớn mà Trump đòi hỏi.
Vì vậy, Moody's giảm ước tính về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2019 từ 6,7% xuống còn 6%. "Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại đáng kể vào năm tới", Atsi Sheth, chuyên gia từ Moody's nói. "Nếu chiến tranh thương mại lan đến các mặt như đầu tư hay công nghệ thì điều đó sẽ tác động đến tăng trưởng".
Kể từ tháng 7, Trump áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Ông còn đe dọa áp thêm thuế với 267 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ. Mỹ hy vọng lập trường cứng rắn của mình sẽ buộc Bắc Kinh phải thay đổi các hoạt động thương mại mà Trump nhiều lần gọi là "không công bằng" như trợ giá, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
Hai tuần trước, phát biểu tại một cuộc mít-tinh ở Missouri, Trump dường như thay đổi giọng điệu đối với Trung Quốc, cho biết ông đã điện đàm với ông Tập và nói rằng "những điều tuyệt vời sẽ xảy ra trong thời gian ngắn".
Mặc dù các nhà quan sát cho rằng hai lãnh đạo khó có thể đạt được một thỏa thuận quan trọng để giải quyết các vấn đề gây ra cuộc chiến thương mại, họ vẫn đánh giá hội nghị G20 là cơ hội để xuống thang căng thẳng.
Carla Hills, đại diện thương mại Mỹ năm 1989 - 1993 dưới thời George H.W. Bush, cũng cho rằng ít khả năng có bước đột phá đáng kể tại G20. "Tôi rất vui vì vào cuối tháng này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ở Argentina nhưng thực tế mà nói, chúng ta đều biết rằng các cuộc họp là không đủ để xây dựng lại mối quan hệ mạnh mẽ và hiệu quả giữa hai quốc gia", Hills nói.
"Như người Trung Quốc thường nói, một cây cột trụ dù lớn đến đâu thì cũng không thể chống đỡ cho cả một tòa nhà", Hills nói thêm.
Trong khi Trump tập trung vào vấn đề thâm hụt thương mại giữa hai nước, chính quyền của ông cũng đang gây sức ép để Bắc Kinh từ bỏ chương trình "Made in China 2025", tham vọng trở thành siêu cường chiếm thế thống trị trong công nghệ.
"Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ đã tồn tại từ lâu và chúng ta vẫn sẽ sống với điều đó trong nhiều năm tới", Van Praagh nói. "Đây không phải là điều mà chúng ta có thể đảo ngược trong một sớm một chiều".
Theo VNE