|
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc ngày 5/11. (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/11 đã khai mạc Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế kéo dài 6 ngày tại Thượng Hải. Mục đích của sự kiện này là nhằm xây dựng hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia tiêu thụ đáng kể các hàng hóa nhập ngoại. Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự khao khát của Trung Quốc đối với những sản phẩm do các nước trên thế giới sản xuất. Ông cũng khẳng định cam kết rằng Trung Quốc sẽ hạ thấp thuế nhập khẩu và cải thiện việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.
“Sự cởi mở đã trở thành thương hiệu của Trung Quốc. Trung Quốc lớn mạnh bằng cách hòa nhập với thế giới, và thế giới cũng được hưởng lợi từ sự mở cửa của Trung Quốc. Ngày nay, khi toàn cầu hóa kinh tế ngày càng sâu sắc và phát triển, ý tưởng sử dụng “luật rừng” hay “người thắng có tất cả” sẽ không đi tới đâu”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ.
Trong bài phát biểu khai mạc hội chợ, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc đã mở cửa thêm nhiều lĩnh vực để thu hút đầu tư nước ngoài. Những công ty lớn như BASF - công ty hóa chất khổng lồ của Đức hay Exxon Mobil - công ty dầu và khí đốt đã nhân cơ hội này để ký các thỏa thuận với Trung Quốc trong những tháng gần đây. Nhằm xoa dịu lo ngại của các công ty nước ngoài, ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp không còn lo ngại về nguy cơ bị đánh cắp hoặc sao chép công nghệ.
Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc dự kiến sẽ đưa 150.000 người mua hàng Trung Quốc tới Thượng Hải trong tuần này. Điểm đến của họ là một trung tâm triển lãm khổng lồ với sức chứa lớn hơn gấp 5 lần so với không gian triển lãm của Trung tâm Hội nghị Jacob K. Javits ở New York để chiêm ngưỡng sản phẩm của các doanh nghiệp từ 130 quốc gia trên thế giới.
Theo New York Times, hội chợ là cơ hội để Trung Quốc chứng minh với thế giới rằng nước này không chỉ có ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ với hàng loạt sản phẩm len lỏi khắp nơi trên thế giới, khiến các nhà lãnh đạo tại một số quốc gia như Mỹ cảm thấy lo lắng cho số phận của các ngành công nghiệp trong nước. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể làm được nhiều hơn thế.
Lập trường thay đổi
|
Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc 2018 diễn ra tại Thượng Hải. (Ảnh: AFP) |
Mặc dù vẫn đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Mỹ, song Trung Quốc cũng đẩy mạnh lôi kéo các nước khác, vừa để tranh thủ sự ủng hộ về chính trị trong cuộc xung đột với Mỹ, vừa để đảm bảo rằng Trung Quốc có nhiều thị trường để bán hàng hóa, chứ không chỉ riêng Mỹ. Cuộc gặp gần đây giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là nhằm phát đi một tín hiệu rằng, lập trường thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump nhằm vào Nhật Bản và Trung Quốc có thể đưa hai đối thủ khu vực xích lại gần nhau.
Các quốc gia châu Âu và Đông Á ngày càng nhận thức rõ sự mắc kẹt của họ trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Trump không được chào đón tại nhiều quốc gia, đặc biệt ở Tây Âu, do vậy về mặt chính trị, lãnh đạo các nước này cũng không muốn ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Tuy vậy, cũng có nhiều lãnh đạo châu Âu và Đông Á phàn nàn về Trung Quốc tương tự như ông Trump. Họ nói rằng Trung Quốc đã phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc và hậu thuẫn không công bằng cho các doanh nghiệp địa phương. Do vậy, một số nhà lãnh đạo bắt đầu có những lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, tương tự ông chủ Nhà Trắng.
Adam Dunnett, tổng thư ký Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, cho biết trong vài tháng qua, một số công ty châu Âu bắt đầu ủng hộ lập trường cứng rắn hơn, theo phong cách của Mỹ, với Trung Quốc. Họ muốn ngăn hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào châu Âu trừ khi Bắc Kinh thực hiện cách tiếp cận tương tự như cách châu Âu từng làm khi xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu bắt đầu nhắc lại những gì Mỹ từng than phiền trước đây, rằng Trung Quốc đã được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 mà chưa có đủ quy định để buộc nước này phải trở thành một nền kinh tế thị trường rõ ràng hơn.
“Chúng ta đã quyết định mở cửa với Trung Quốc có lẽ theo cách hơi ngây thơ”, Patrick Pouyanne, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hãng năng lượng khổng lồ của Pháp Total, cho biết.
Tuy vậy, các nước trên thế giới chưa hoàn toàn đứng về phía Mỹ. Các đối tác thương mại của Mỹ tiếp tục cảnh báo rằng các động thái đơn phương của Tổng thống Trump trong việc áp đặt thuế quan và phá bỏ các thỏa thuận thương mại đa phương có thể làm đảo lộn trận tự kinh tế toàn cầu. Điều này khiến các đối tác thương mại của Mỹ lo ngại, đặc biệt nếu Mỹ rút khỏi WTO như cảnh báo của Tổng thống Trump vì đây là cơ chế thiết lập hàng loạt nguyên tắc cho thương mại toàn cầu.
Theo Dân Trí