Tại sao Hà Nội được đăng cai tổ chức một chặng đua F1?

Thứ năm, 08/11/2018, 09:07
Ngoài Việt Nam, có còn đối tác nào khác muốn đăng cai chặng đua F1 khu vực châu Á sau khi Malaysia Grand Prix rút lui vì thua lỗ? Tại sao chặng đua đầu tiên lại được ấn định vào tháng 4 mà không phải thời gian khác... Cuộc trò chuyện của PV với ông Chase Carey - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Formula1 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.

Ông Chase Carey: Hà Nội được chọn không phải vì là thành phố duy nhất muốn tổ chức sự kiện này. Formula1 cũng đã gặp gỡ nhiều đối tác khác; đặc biệt, có nhiều thành phố ở các nước khác trong khu vực cũng quan tâm đến sự kiện (tổ chức một chặng đua F1 này).

Một số quốc gia tham gia đối thoại với BTC F1, nhưng chỉ với quy mô ở các giải đua thấp hơn là F2 hay F3. Lý do chính là các nước này không đủ tự tin và cũng không có các đối tác uy tín đủ lớn để đảm đương việc tổ chức thành công một sự kiện tầm cỡ như một cuộc đua F1. (Ông Chase Carey không tiết lộ tên thành phố hay quốc gia nào cũng tham gia đàm phán tổ chức chặng đua này cùng Hà Nội - PV).

Việc lựa chọn Hà Nội bởi thành phố này đáp ứng một tiêu chí khá quan trọng của BTC F1 khi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết: người dân đam mê đua xe, sự năng động (tiếp thu nhanh các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế). Và cuối cùng là việc một Châu Á năng động là một bước phát triển vô cùng quan trọng, khi mà các hoạt động ở Mỹ, châu Âu đã rất “ổn định”.

Mô hình đường đua F1 tại Hà Nội

Vậy quá trình để Hà Nội tổ chức chặng đua F1 đã diễn ra như thế nào, thưa ông?

Kể từ tháng 5/2017, chúng tại đã sang Việt Nam để gặp gỡ các đối tác ở đây 4 lần, đó là chưa kể một lần gặp tại London (Anh). Các cuộc tiếp xúc này, ban đầu ở việc thăm dò và tìm hiểu lẫn nhau; càng về sau, phía Hà Nội càng thể hiện rõ quyết tâm để tổ chức ý định tổ chức một chặng đua F1. Và sau cùng, khi hiểu được tầm nhìn và năng lực tổ chức, đặc biệt việc tổ chức tại Hà Nội sẽ phù hợp với định hướng của Ban tổ chức F1, đó là việc phát triển môn thể thao này đông đảo người hâm mộ trên toàn thế giới, muốn tạo ra một làn không khí tươi mới trong làng đua xe thế giới.

Chính điều này đã góp phần củng cố niềm tin, xóa tan những định kiến về việc Việt Nam (và Hà Nội) chưa từng có kinh nghiệm về việc tổ chức một giải đua xe tầm cỡ như thế này.

Vậy theo ông, đâu sẽ là yếu tố khó khăn nhất khi tổ chức chặng đua F1 tại Hà Nội?

Đối với chúng tôi, sẽ chẳng có vấn đề riêng nào là khó khăn nhất, bởi để tổ chức một chặng đua F1, có quá nhiều công việc phải làm cùng một lúc; chính vì vậy, cái khó ở đây là phải quan tâm đến tổng thể, chứ không thể đề cao hay xem nhẹ bất cứ một yếu tố riêng nào.

Cụ thể, với chặng đua mới tại Hà nội sẽ là một chuỗi các sự kiện và cần phải tạo ra một mối liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bản thân Formula1 cũng phải có trách nhiệm khi chia sẻ việc kinh nghiệm về tổ chức, phối hợp giữa các đơn vị thiết kế, thi công, tư vấn về quy trình để đảm bảo rằng chặng đua tại Hà Nội sẽ có kết quả tốt nhất.

Cùng là tổ chức trên đường phố, vậy Hà Nội có thể học hỏi gì từ những chặng đua tương tự trong hệ thống F1 như Singapore, Monaco...?

Mỗi đường đua có đặc trưng riêng, nên các bạn có thể tìm thấy ở mỗi chặng đua trước những bài học về quản lý, tổ chức để học hỏi. Mỗi chặng đua đều có nhu cầu tất yếu là phải thế hiện được đặc trưng đó của mỗi địa điểm tổ chức.

Ví dụ ở Monaco, đường đua phải tổ chức và thiết kế làm sao khán giả và người xem truyền hình có thể cảm nhận được đây là thành phố đông đúc và nhộn nhịp. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức lớn, đó là việc làm sao để không có quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới người dân. Và điều này Singapore đang làm rất tốt; một thành phố nhỏ và chặng đua được thi đấu ngay trên đường phố, nhưng chỉ có những thời điểm nhất định mới phải cấm đường; chính vì vậy, cuộc sống của người dân ở đây không bị ảnh hưởng quá nhiều khi chặng đua diễn ra.

Xin ông cho biết tại sao trước đây, Ban tổ chức đã từng từ chối kế hoạch tổ chức một chặng đua tại Hà Nội nhưng nay việc này đã trở thành hiện thực trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người? Liệu rằng điều này có sự xuất hiện của một tập đoàn đồ uống có thị phần rất lớn tại Việt Nam?

Tôi thực sự không biết đã có điều này (việc từ chối cho Hà Nội tổ chức), mà chỉ biết rằng thời điểm đó, đã có những cuộc trao đổi mang tính chất thăm dò, chứ chưa có bất kỳ cuộc gặp xúc tiến nào thực sự nghiêm túc để đi đến các kết luận như vậy.

Còn về việc liệu có hay không sự tác động của nhà tài trợ chính cho F1 - tập đoàn Heineken thì tôi khẳng định rằng, đây là một nhà đối tác vô cùng quan trọng; tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những nhà tài trợ của Formula1. Ngoài ra, các nhà tài trợ này cũng có những đối tác khác nhau trong từng khu vực, từng thị trường, nên sẽ khó để nói rằng việc quyết định tổ chức một chặng đua ở đâu lại có sự tác động chính thức từ một đối tác cụ thể nào.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là việc thành phố xin đăng cai tổ chức thực sự có tiềm năng hay không, người dân nơi đây có thực sự quan tâm tới F1 hay không... đó mới là điều cốt yếu.

(Trên thực tế, hồi đầu năm 2017, tỉ phú người Anh - Bernie Ecclestone, chủ sở hữu của F1 khi đó tiết lộ với truyền thông quốc tế về việc từ chối ký hợp đồng trị giá 540 triệu USD với chính phủ Việt Nam về việc tổ chức một chặng đua F1 trong thời gian 10 năm - PV).

Ông cho rằng thời gian từ nay đến tháng 4/2020 là quá ngắn cho việc xây dựng một trường đua đạt chuẩn (Class-1), cho dù đường đua tại Hà Nội có sử dụng những cơ sở vật chất sẵn có?

Bản thân Ban Tổ chức Formula1 không phải là đơn vị thiết kế và thi công đường đua; tuy nhiên, chúng tôi rất tin tưởng vào các đối tác tại Việt Nam trong việc xây dựng đường đua, đặc biệt là các kế hoạch hỗ trợ của Tp.Hà Nội cũng như khả năng tổ chức của tập đoàn Vingroup. Tuy vậy, chúng tôi cũng mong muốn có một lộ trình chi tiết với các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn để nỗ lực hoàn thiện đúng tiến độ.

Câu hỏi cuối cùng, ông có thể lý giải vì sao chặng đua tại Hà Nội được ấn định vào tháng 4/2020 mà không phải thời gian nào khác?

Sở dĩ việc lựa chọn thời điểm tháng 4 bởi theo tư vấn của đối tác của chúng tôi tại Hà Nội thì đây là thời điểm thời tiết tốt nhất, không quá nóng và cũng không quá lạnh. Đặc biệt, với 21 chặng đua hiện tại đã được sắp xếp rất khoa học nhằm mục đích tạo cơ hội cho người hâm mộ F1 trên toàn thế giới có cơ hội tận mắt chứng kiến các chặng đua ở từng quốc gia. Chính vì vậy, việc lựa chọn thời điểm này được ấn định khi mà vào mùa xuân chúng tôi đã có các chặng đua tại Trung Quốc và Australia, mùa thu với chặng đua tại Nhật Bản và Singapore, hay mùa hè với những chặng đua tại châu Âu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn