|
Bà Mạnh Vãn Chu trong một buổi thuyết trình về Huawei. Ảnh: JQKNews. |
Nhà chức trách Canada hôm 1/12 bắt Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, theo yêu cầu từ phía Mỹ, nhưng không công bố cụ thể các cáo buộc nhắm vào bà này. Giới phân tích cho rằng đây là một quyết định sai lầm về thời điểm của Washington và có thể đẩy chính quyền Tổng thống Donald Trump vào thế khó trong quan hệ với Bắc Kinh.
David A. Andelman, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Quốc gia thuộc Đại học Luật Fordham, ví von rằng việc Canada bắt bà Mạnh chẳng khác nào "chính quyền Hong Kong bắt Ivanka Trump khi cô vừa đặt chân xuống sân bay Chek Lap Kok theo yêu cầu từ Bắc Kinh sau khi cáo buộc cô có quan hệ thương mại với Đài Loan", theo CNN.
Tim Culpan, bình luận viên của Bloomberg, có chung nhận định khi nói rằng Huawei là công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc và được ví như "anh hùng dân tộc" của nước này. Bà Mạnh lại là "con gái vàng" của chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi, một trong những "bộ não công nghệ" thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong văn hóa Trung Quốc, vai trò của bà Mạnh được coi trọng chẳng khác gì những người khổng lồ công nghệ của Mỹ như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg. Điều này được thể hiện trong phản ứng chóng vánh của Bắc Kinh sau vụ bà bị bắt, trong đó họ tuyên bố một cách thẳng thừng rằng bà cần phải được trả tự do ngay lập tức vì "không làm gì sai trái".
Tồi tệ hơn, Canada đã lựa chọn thời điểm "không thể tệ hơn" để bắt bà Mạnh. Bà bị giữ lại tại sân bay Vancouver đúng ngày 1/12, thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bữa tối làm việc bên lề hội nghị G20 ở Argentina, trong đó lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ "đình chiến" và không áp thêm thuế lẫn nhau trong chiến tranh thương mại.
Vai trò của người bị bắt lẫn thời điểm tiến hành vụ bắt đẩy Mỹ vào tình thế khó xử trong vụ này, Culpan nhận định. Chính quyền Trump trong những ngày tới cần phải trả lời một câu hỏi quan trọng: Họ được gì từ vụ này và bước tiếp theo như thế nào?
Có vẻ như Washington không thực sự biết rõ câu trả lời, khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói rõ rằng ông biết trước về vụ bắt bà Mạnh nhưng "không hoàn toàn ủng hộ". Điều này cho thấy trong nội bộ Nhà Trắng dường như đã có những bất đồng về biện pháp mà họ muốn áp dụng với giám đốc tài chính của Huawei.
Nếu Mỹ quyết tâm "mạnh tay" với một phụ nữ quyền lực như vậy, đó chẳng khác nào "cái tát" vào mặt Trung Quốc và có nguy cơ làm gia tăng đáng kể mức độ khốc liệt của cuộc chiến thương mại mà lãnh đạo hai nước vừa tìm cách giảm nhiệt trong vài ngày qua.
Nhưng nếu làm nhẹ tay, họ có thể lặp lại sai lầm như vụ ZTE, tập đoàn Trung Quốc từng bị Mỹ cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận nhắm vào Iran, tương tự cáo buộc mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra hồi tháng 4 khi mở cuộc điều tra với Huawei.
Sau cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, ZTE đã xin lỗi và nộp tiền phạt cùng cam kết sẽ điều chỉnh hành vi của mình và sa thải một số nhân viên. Nhưng tập đoàn này sau đó phá vỡ thỏa thuận, buộc chính phủ Mỹ tiếp tục trừng phạt bằng cách cấm các công ty Mỹ cung cấp thiết bị, linh kiện cho ZTE.
Khốn đốn vì lệnh cấm, ZTE xuống nước, chấp nhận trả một khoản tiền phạt lớn hơn và được Trump "cởi trói". Bình luận viên Culpan cho rằng thông điệp mà chính quyền Trump phát đi trong vụ này là: Nguyên tắc thượng tôn pháp luật của Mỹ có thể mua được bằng cái giá nào đó.
Ông cho rằng ngoài một khoản tiền phạt, Mỹ không thu được gì đáng kể khi thực hiện màn "mèo vờn chuột" với ZTE. Quốc hội Mỹ cũng bức xúc với thỏa thuận "cởi trói" của Trump cho ZTE đến mức họ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt của riêng mình với tập đoàn Trung Quốc.
Trong vụ bắt bà Mạnh, nếu mục tiêu của Mỹ chỉ là phạt Huawei một khoản tiền lớn để thả người, Bắc Kinh chắc chắn sẽ "cười vào mặt" Washington. Với tiềm lực kinh tế của mình, Trung Quốc sẵn sàng chi rất nhiều tiền để đạt được tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là biến nước này thành một siêu cường công nghệ có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng việc "bỏ vài đồng xu lẻ vào túi Mỹ" sẽ là khoản đầu tư xứng đáng cho mục tiêu đó.
Phương án này cũng sẽ là gáo nước lạnh dội vào các đồng minh thân cận của Mỹ như Australia hay New Zealand, những nước đã cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G vì mối lo ngại về nguy cơ mất an ninh.
Bởi vậy, Culpan cho rằng thay vì tìm cách bắt, dẫn độ, truy tố một giám đốc người Trung Quốc rồi thả người sau khi ra án phạt, chính quyền Trump cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về cách đối phó với các hành vi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, thu thập tình báo và tấn công mạng của Trung Quốc.
|
Phái đoàn Trung Quốc (trái) gặp phái đoàn Mỹ bên lề hội nghị G20 hôm 1/12. Ảnh: Reuters. |
Mỹ có thể thúc đẩy kế hoạch vạch ra những quy định khắt khe hơn đối với những công nghệ mà các doanh nghiệp nước này được phép bán cho Trung Quốc bằng Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu (ECRA). Đây là đạo luật bị các ông lớn công nghệ của Mỹ như Apple, IBM hay Microsoft phản đối vì cho rằng các quy định trong đó thiếu cụ thể, nhưng giới quan sát nhận định lý do chính là họ không muốn đánh mất thị trường béo bở ở Trung Quốc.
Trước quan ngại đó, Bộ Thương mại Mỹ có thể đưa ra những quy định cụ thể hơn về các công nghệ bị cấm bán cho Trung Quốc, đồng thời đảm bảo không tồn tại những lỗ hổng mà Bắc Kinh có thể lợi dụng trong ECRA. Những điều khoản trong đạo luật có thể giúp trừng phạt các bên vi phạm bằng những biện pháp rất rõ ràng, không giống như trò "mèo vờn chuột" trong vụ ZTE.
Theo Culpan, để ECRA phát huy hiệu quả thực sự, Mỹ cần sự hỗ trợ rất lớn từ các đồng minh. Điều này yêu cầu chính quyền Trump đầu tư hơn nữa cho nỗ lực kết thân với đồng minh, đối tác và quan trọng hơn là họ phải nhận ra rằng không phải mọi thứ đều có thể được giải quyết bằng chiếc "búa tạ".
"Vụ bắt Mạnh Vãn Chu là cơ hội vàng để chính phủ Mỹ thay đổi triệt để hành vi đánh cắp công nghệ mà Trung Quốc thực hiện lâu nay", bình luận viên này đánh giá. Nhưng nếu không tận dụng được cơ hội đó và chỉ thực hiện các biện pháp "nửa vời", Mỹ sẽ không thu được nhiều ngoài việc mở thêm một mặt trận mới ngoài cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chuyên gia Andelman đánh giá.
Theo VNE