Theo Korea Herald, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA trong một bài xã luận vào ngày 24/2 đã lên án các thành viên đảng Dân chủ ở Mỹ và những người hoài nghi khác vì đã làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán bằng "những câu chuyện vô căn cứ và thông tin sai lệch".
KCNA cũng nhấn mạnh chính quyền ông Trump không nên quên "bài học năm ngoái khi các cuộc đàm phán song phương rơi vào bế tắc, do tác động của các lực lượng đối lập".
Bài bình luận của KCNA được đưa ra chỉ một ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên tàu rời Bình Nhưỡng để thăm chính thức Việt Nam và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên tàu rời Bình Nhưỡng vào ngày 23/2 để tới thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: Reuters.) |
Hai bên đã có cuộc gặp lịch sử tại Singapore vào năm ngoái nhưng quá trình đám phán trở nên bế tắc do bất đồng về các bước nhượng bộ. Bình Nhưỡng muốn Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế trong khi Washington muốn Triều Tiên thực hiện các bước đi rõ rệt tiến tới phi hạt nhân hóa.
"Nếu chính quyền Mỹ hiện tại đọc nét mặt người khác và đi lắng nghe người khác (phe Dân chủ), họ sẽ phải đối mặt với giấc mơ tan vỡ về việc cải thiện mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên, về hòa bình thế giới và bỏ lỡ cơ hội lịch sử hiếm có", KCNA tuyên bố.
Tháng trước, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats phát biểu trước quốc hội, nhận định rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này, cho rằng các quan chức Bình Nhưỡng coi đó là điều định đoạt sự tồn tại của chế độ.
Trước những nhận định mang tính hoài nghi này, KCNA cho biết "việc mong chờ những bình luận chính xác từ các cơ quan tình báo Mỹ là ngu ngốc, giống như việc mong chờ gà biến thành phượng hoàng".
Bài xã luận của KCNA phủ nhận những thông tin về việc Triều Tiên đang phát triển chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa, tăng cường sản xuất nguyên liệu hạt nhân và vật liệu hạt nhân trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên cho rằng ý đồ của những người hoài nghi bên phía Mỹ là "làm xấu đi" chính sách ngoại giao của chính quyền hiện tại để lấy lại quyền lực chính trị.
"Trong suốt lịch sử Mỹ, chưa có ví dụ nào về việc một chính quyền Mỹ cố gắng giải quyết mối quan hệ Mỹ-Triều một cách phù hợp".
"Nếu các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sắp tới kết thúc mà không có kết quả, như mong muốn của các lực lượng đối lập, người dân Mỹ sẽ không bao giờ xóa bỏ được mối đe dọa an ninh từng khiến họ hoảng loạn, và sau đó trách nhiệm sẽ được đặt lên vai những người xứng đáng", bài xã luận cho biết.
Theo Zing