Ca ghép thận đầu tiên từ người hiến tạng nhiễm HIV còn sống

Thứ sáu, 12/04/2019, 10:45
Các bác sĩ tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) đã cấy ghép thành công quả thận của một người tặng có HIV còn sống cho một người nhận cũng nhiễm HIV.

Nina Martinez vừa trở thành người hiến tạng nhiễm HIV còn sống đầu tiên trên thế giới, bên cạnh là bác sĩ phẫu thuật của cô - tiến sĩ Dorry Segev

Đây là một bước đột phá trong y học, khi lần đầu tiên người hiến tạng nhiễm HIV và còn sống. Trước đây, các bác sĩ chỉ cấy ghép nội tạng cho bệnh nhân HIV từ những người hiến tạng nhiễm HIV đã qua đời.
Theo AFP, cô Nina Martinez đến từ thành phố Atlanta thuộc bang Georgia (Mỹ) vừa trở thành người hiến tạng nhiễm HIV còn sống đầu tiên trên thế giới. Một quả thận của người phụ nữ 36 tuổi này đã được ghép cho một bệnh nhân AIDS khác.
“Tôi cảm thấy khỏe”, Martinez nói trong cuộc họp báo hôm 28.3 sau cuộc phẫu thuật. Phó giáo sư Christine Durand thuộc Khoa Ung bướu và dược phẩm tại Bệnh viện Johns Hopkins cho biết người nhận (không muốn nêu tên) đang phục hồi tốt.
Martinez bị nhiễm HIV do truyền máu khi cô mới 6 tuần tuổi vào năm 1983. Martinez ban đầu muốn hiến thận cho một người bạn nhưng người này đã qua đời trong lúc cô đang trải qua các quy trình xét nghiệm. Sau khi người bạn qua đời, Martinez vẫn quyết tâm trở thành người hiến tạng, theo các chuyên gia tại Bệnh viện Johns Hopkins.
Trước ca phẫu thuật cấy ghép này, các bác sĩ cho rằng quá nguy hiểm khi để bệnh nhân nhiễm HIV chỉ sống với một quả thận.
Tuy nhiên, sau đó họ vẫn quyết tâm thực hiện ca cấy ghép này vì tin tưởng vào các loại thuốc đặc trị ARV hiện nay, cho phép những người nhiễm HIV có cuộc sống bình thường. Martinez và người nhận thận của cô sẽ phải tiếp tục dùng thuốc đặc trị ARV. Theo AFP, hàng ngàn người tại Mỹ qua đời mỗi năm khi đang chờ ghép tạng.

Niềm hy vọng mới

"Thực tế là 30 năm trước, một căn bệnh về cơ bản là bản án tử hình thì nay ai đó bị nhiễm HIV vẫn có thể cứu sống người khác".

Bác sĩ Dorry Segev (Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ)

Tiến sĩ phẫu thuật Dorry Segev tại Bệnh viện Johns Hopkins cho biết khoảng 500 - 600 bệnh nhân nhiễm HIV có thể hiến tạng mỗi năm, mang lại lợi ích cho khoảng 1.000 người nhiễm loại vi rút này.
Đến nay, bệnh nhân nhiễm HIV có thể nhận nội tạng từ những người nhiễm HIV đã chết nhưng không phải từ những người bệnh còn sống. Trước đây, họ cũng có thể nhận nội tạng từ một người không nhiễm HIV. Khả năng sử dụng nội tạng từ những người hiến tặng còn sống sẽ thay đổi đáng kể phương trình này.
Bệnh viện Johns Hopkins hồi năm 2016 đã nhận được giấy phép thực hiện ca cấy ghép đầu tiên từ một người hiến tạng nhiễm HIV còn sống. Các bác sĩ phẫu thuật đã phải chờ đợi để tìm bệnh nhân tương thích.
“Các cánh cửa hiện đang mở cho những người nhiễm HIV để trở thành người hiến thận. Bây giờ, bất cứ ai đều có thể làm điều này ở bất cứ đâu trên thế giới, miễn là họ sàng lọc bệnh nhân phù hợp. Đối với chúng tôi, đây không chỉ là bước tiến về cấy ghép mà còn là về tiến trình chăm sóc bệnh nhân HIV”, ông Segev chia sẻ.
Vị bác sĩ này cũng nói thêm: “Thực tế là 30 năm trước, một căn bệnh về cơ bản là bản án tử hình thì nay ai đó bị nhiễm HIV vẫn có thể cứu sống người khác”.
Cũng như các quốc gia khác, Mỹ đang trong tình trạng thiếu hụt người hiến thận và hiện có khoảng 100.000 người đang chờ được cấy ghép, theo Mạng lưới chia sẻ và cấy ghép nội tạng của nước này. Còn theo AFP dẫn lời bác sĩ Durand, khoảng 10.000 bệnh nhân nhiễm HIV hiện đang bị suy thận và phải chạy thận nhân tạo.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn