Một nhóm các chuyên gia về Không quân Mỹ thuộc Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA) đã chuẩn bị bản báo cáo “Không quân trong Kỷ nguyên đối đầu giữa các cường quốc”. Tài liệu dài 210 trang này trình bày đầy đủ về học thuyết, các khoản đầu tư và lộ trình phát triển của Không quân Mỹ.
Đối thủ chính của Mỹ mà bản báo cáo xác định là Nga – tài liệu đã nhắc đến 432 lần về Nga, trung bình 2 lần trên mỗi trang (trong khi đó, Trung Quốc chỉ được đề cập đến 271 lần). “Nga có thể tấn công vào các mục tiêu ở bất cứ nơi nào ở châu Âu”, “Kịch bản xung đột trong tương lai ở Biển Baltic”, “Kịch bản xâm lược của Nga ở các quốc gia Baltic” – là một vài cái tên đầu mục trong tài liệu này.
Một trong những kịch bản xung đột mà bản báo cáo đề cập đến: Nga đánh chiếm Litva. |
Một trong những chủ đề trọng tâm của bản báo cáo là cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Nga ở châu Âu, mà cụ thể là ở vùng Baltic. Nguyên nhân của nó, theo các tác giả, là do tham vọng đòi lại vị thế “cường quốc vĩ đại” của Matxcơva.
Các tác giả khẳng định: “Tại châu Âu, một nước Nga đang trỗi dậy sẽ tìm mọi cách để lấy lại vị thế của một cường quốc thông qua việc thiết lập quyền kiểm soát đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia từng tham gia Hiệp ước Warsaw, từ đó làm suy yếu tính toàn vẹn và uy thế của NATO. Việc mất đi sự kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ này sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã khiến Nga mất đi vùng đệm truyền thống, tăng nguy cơ dễ bị tổn thương ở các khu vực biên giới phía tây”.
Tiếp đến, bản báo cáo khẳng định rằng để đạt mục tiêu của mình ở không gian hậu Xô Viết, Nga đang sử dụng “các công cụ quân sự, kinh tế, thông tin và các công cụ gây ảnh hưởng khác”.
Bản báo cáo viết: “Những ví dụ điển hình gần đây nhất đó là cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia năm 2008, thực hiện sáp nhập Crưm năm 2014 và hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine...”.
Nâng cấp đội bay
Các tác giả của bản báo cáo này đều là các cựu sĩ quan chỉ huy thuộc Không quân Mỹ có cấp bậc thấp nhất là Đại tá. Để có thể sẵn sàng trước các cuộc xung đột có thể xảy ra, các chuyên gia CSBA đề xuất Lầu Năm góc và Quốc hội Mỹ đầu tư nhiều hơn nữa vào việc hiện đại hóa phi đội bay.
Phi đội bay F-16 của Mỹ tại căn cứ Không quân Tyndall, Florida. (Ảnh: Reuters) |
Bản báo cáo khẳng định: “Sẽ mất một vài năm để có thể phục hưng lại lực lượng Không quân Mỹ sau gần 3 thập kỷ “nghỉ ngơi” không mua sắm máy bay hiện đại. Việc tiếp tục chậm trễ sẽ khiến Mỹ tụt lại phía sau so với sự phát triển quân sự của Trung Quốc và Nga”.
Giới phân tích Nga tin rằng các bản báo cáo kiểu như thế này, thông thường, chỉ nhằm mục đích lôi kéo thêm ngân sách cho Lầu Năm góc. Và một khoản không nhỏ trong số tiền này sẽ được dành cho việc sản xuất vũ khí mới.
Trả lời phỏng vấn của RT, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính trị - xã hội Quốc tế Nga, ông Vladimir Bruter, cho biết: “Trong bản báo cáo các chuyên gia Mỹ đã xem xét đến các mối đe dọa phát sinh một tương lai vô định và có thể không bao giờ trở thành hiện thực. Các nỗ lực vận động hành lang trong việc phân bổ ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào các đánh giá “chuyên gia” kiểu như vậy: báo cáo càng dài, càng có nhiều tiền cho các chương trình mới”.
Chuẩn bị cho các kịch bản xung đột
Trong khi các chuyên gia CSBA đang nghiên cứu các kịch bản xung đột, cũng như kế hoạch hiện đại hóa phi đội bay và cơ sở hạ tầng cho Không quân Mỹ, thì Bộ Tư lệnh Mỹ đã tiến hành các buổi huấn luyện kỹ năng cần có cho phi công một khi đụng độ với kẻ thù.
Theo đó, vào tháng 3, giới chỉ huy Không quân Mỹ đã đặt đơn hàng với các nhà thầu để chế tạo các mục tiêu trên không có đặc điểm giống như những chiếc máy bay địch tiên tiến nhất, như máy bay chiến đấu Su-57 của Nga và J-20 và FC-31 (hay còn gọi là J-31) của Trung Quốc.
Máy bay tiêm kích đa chức năng Su-57 của Nga trong chuyến bay biểu diễn. (Ảnh: RIA Novosti) |
Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng công bố một cuộc thi tuyển dụng giáo viên hướng dẫn trực thăng Sikorsky HH-60 Pave Hawk có khả năng huấn luyện chiến thuật bay khi ở trong không phận “chiến trường tác chiến có sự hiện diện của máy bay trực thăng địch” – Mi-24.
Các cổng thông tin hàng không của Mỹ từng thông báo rằng vào tháng 1/2017 có nhiều người đã chứng kiến trận đấu tập của một máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ với một chiếc Su-27 từ thời Liên Xô trên bầu trời Nevada – nơi có một vài căn cứ của Không quân Mỹ.
Đến tháng 9/2017, một chiếc máy bay đã rơi tại căn cứ không quân Nellis, dẫn đến cái chết của chỉ huy phi đội Red Hats – người thực hiện chuyến bay huấn luyện trong vai kẻ địch giả định. Thông tin về vụ việc đã được tiết lộ, theo đó các chuyên gia quân sự và hàng không Mỹ cho rằng trong buổi huấn luyện này có thể đã có sự tham gia của một chiếc máy bay chiến đấu do Liên Xô hoặc Nga sản xuất.
Cuộc đối đầu với Trung Quốc
Ngoài cuộc đối đầu với Nga, các tác giả của bản báo cáo còn chỉ ra cả khả năng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.
Bản báo cáo nêu rõ: “Với mục đích khôi phục sức mạnh, tầm ảnh hưởng và sự thịnh vượng của mình, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Thái Bình Dương, làm giảm niềm tin của các nước trong khu vực vào việc Mỹ là người đảm bảo an ninh khu vực, và cuối cùng là thiết lập vai trò thống trị của mình tại đây”.
Tác giả bản báo cáo đánh giá khả năng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. |
Các tàu chiến Mỹ thường xuyên qua lại các đảo tranh chấp, và coi đó như là một phần của hoạt động duy trì “tự do hàng hải”. Đáp lại, Trung Quốc cực lực phản đổi những hành động như vậy, và gọi chúng là sự xâm lấn chủ quyền của Trung Quốc.
Trong bản báo của mình, các chuyên gia Không quân Mỹ tin rằng Bắc Kinh “đang lôi kéo và đe dọa các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực”.
Trông đợi sự mất ổn định
Theo chuyên gia quân sự Yuri Knutov, Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng với Nga hoặc với Trung Quốc, nhưng đồng thời Mỹ cũng đang tuân thủ chiến lược tránh đối đầu quân sự mở.
Chuyên gia cho biết: “Người Mỹ muốn gây mất ổn định tình hình với sự trợ giúp của các lệnh trừng phạt. Lầu Năm Góc đang nghiên cứu kịch bản, trong đó Không quân Mỹ sẽ vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không chính, còn sự mất ổn định mà họ đã tạo ra sẽ giúp kiềm chế các lực lượng tấn công và chiến lược chính của Nga hoặc Trung Quốc. Quân đội Mỹ hiện đang được cơ cấu lại hoàn toàn để thực hiện theo kịch bản này”.
Ông Knutov cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump rất biết cách tận dụng sự ủng hộ của khu vực tổ hợp công nghiệp quốc phòng và đổi lại bằng cách tăng chi tiêu cho các hợp đồng vũ khí mới, cam kết hàng tỷ đô la lợi nhuận cho các tập đoàn này.
Chuyên gia kết luận: “Ông Trump lên nắm quyền với một chương trình cải cách Hải quân, Không quân và “bộ ba hạt nhân” của Mỹ. Bản báo cáo này là cần thiết để cho việc cắt giảm chi tiêu quân sự sẽ không bao giờ xảy ra. Tổng thống Mỹ đang cố gắng làm hài lòng các nhà vận động quân sự Mỹ: Ông quyên góp cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tạo ra một chương trình tăng chi tiêu quân sự và khởi động một cuộc chạy đua vũ trang và cố gắng lôi kéo Nga vào đó. Đối với Matxcơva, điều quan trọng bây giờ là phải chế tạo được các loại vũ khí mới có chất lượng vượt trội hơn so với của Mỹ”.
Theo VTC