Thảm án và câu hỏi "tiền nhiều để làm gì?"

Thứ năm, 25/04/2019, 11:05
Thông tin về vụ ba người trong một gia đình bị sát hại ở Bình Dương làm mọi người đều căm giận, bàng hoàng và cảm thấy bất an vì những vụ giết người như thế gần đây xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, hung bạo hơn.

Các cơ quan chức năng đã quyết tâm kéo giảm xuống mức thấp nhất các vụ trọng án như vậy nhưng dường như mọi chuyện đang diễn ra theo chiều ngược lại. Điều gì đang xảy ra? Làm thế nào để ngăn chặn?

Một điệp khúc sẽ lặp lại khi đề cập đến nguyên nhân của hiện tượng này. Đó là do ma túy, do gia đình tan vỡ, do không nhận được sự giáo dục đúng mức.

Nhìn vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta nhận thấy có điều gì đó không ổn trong nền tảng đạo đức xã hội, rõ ràng những vết rạn xưa kia nay đã trở thành những lỗ thủng khổng lồ, rất khó hàn gắn lại được.

Đối tượng Trần Trọng Luận, nghi can gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Dương, vừa bị bắt giữ tối qua.

Không ai dám cả quyết rằng những vụ thảm sát như thế không còn diễn ra nữa, rất có thể ngày mai, ngày kia lại xuất hiện ở đâu đó báo hiệu một sự bùng vỡ của ung nhọt xã hội ủ lâu ngày đến hồi phải vỡ.

So với cách nay vài chục năm, rõ ràng mặt bằng kinh tế đang khởi sắc, mức sống khá hơn, cơ hội kiếm tiền nhiều hơn, nhà to hơn, xe cộ nhiều hơn, quần áo đẹp hơn… nhưng ở chiều ngược lại thì đạo đức sa sút trầm trọng hơn.

Những gì cần làm như bắt giữ, điều tra, tuyên án, thi hành án các cơ quan chức năng, bộ máy công quyền đã làm cả rồi nhưng cái ác không thuyên giảm. Phải chăng những trụ cột đạo đức của nền móng xã hội đang lung lay?

Nhìn vào đâu cũng thấy tiêu cực từng mảng lớn, từ chạy điểm trong giáo dục, sản xuất thuốc giả trong y tế đến những nơi ít ngờ tới là chuyện kiếm tiền của các chùa chiền, những người đáng ra là tấm gương của dân thì lại hư hỏng, quan chức kéo nhau vào tù… Có lẽ những chuyện như vậy khiến cho niềm tin ở các cá nhân bị xói mòn, khiến cho họ bất chấp, không còn biết sợ hãi khi xuống tay.

Thêm nữa, phải chăng những ẩn ức xã hội tích tụ lâu ngày đến lúc bùng phát, rất có thể khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng, những cơ hội sống tốt cho nhiều người trẻ như học hành, việc làm, kiếm tiền bị tước đoạt.

Không thể nói hiện tượng quá nhiều người trẻ sống xa hoa như ông hoàng, bà chúa, muốn gì được nấy mà lại không phải làm gì như là cái gai chọc tức những người cùng độ tuổi có sức khỏe, có học vấn, đang lầm lũi kiếm ăn độ nhật.

Những cơn ẩn ức tích lũy cộng với những cơn phê ma túy thì quả thật hậu quả thật tệ hại.

Cần phải có một cuộc đại phẫu triệt để nhằm phục hưng đạo đức xã hội. Cần phải tìm ra căn nguyên chính yếu nhất và thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ nhất, cho dù phải trả giá đến đâu cũng phải làm, không loại trừ một ai, một tổ chức nào.

Một khi nền tảng đạo đức quốc gia bị tan rã thì câu hỏi của ông chủ cà phê Trung Nguyên sẽ trở nên rất có lý “tiền nhiều để làm gì?”. Điều này không chỉ ứng với cá nhân, gia đình mà cả một quốc gia nữa.

Theo PLO

Các tin cũ hơn