Sáng nay (1/8), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế Wipha).
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, vào hồi 7h hôm nay, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 350km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12 (đang di chuyển chậm lại). Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Ngày mai, bão số 3 khả năng sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định. (Ảnh:TTKTTVQG) |
"Dự báo chính thức của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng chiều đến đêm 2/8 bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, trọng tâm là Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió cấp 7-8, giật cấp 11" - ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, từ ngày 1-2/8, mưa lớn sẽ xảy ra ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa; ngày 3-4/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ mưa to đến rất to. Do thời gian mưa kéo dài, lượng mưa lớn nên cảnh báo lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đại diện Bộ đội Biên Phòng, Đại tá Phạm Xuân Diệu cho hay: "Hiện tại, các đơn vị tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 38 điểm theo quy định của Chính phủ; đồng thời phối hợp với các địa phương thông báo tàu thuyền vào nơi tránh trú bão và tổ chức chủ động ứng phó với bão số 3”.
Đại tá Phạm Xuân Diệu. |
Tại buổi họp, Đại tá Nguyễn Anh Dũng (đại diện Trung tâm Cứu nạn, Cứu hộ - Bộ quốc phòng) cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã huy động tất các lực lượng với đầy đủ quân số từ lực lượng chính quy đến dân quân tự vệ tại các địa phương luôn chủ động sẵn sàng ứng phó với bão số 3. Bão số 3 là cơn bão mạnh cần lưu tâm ở khu vực miền núi vì dân thiếu thông tin và còn chủ quan, thiếu kinh nghiệm ứng phó với bão”.
Sau khi nghe ý kiến báo cáo từ các cơ quan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Hiện tại còn 70% tàu thuyền cần được hướng dẫn kĩ để vào nơi tránh trú bão an toàn. Cần thu hoạch ngay các nguồn lợi thủy sản đang nuôi trồng tại các lồng bè chòi canh nếu có thể thu được. Không được chủ quan, kiên quyết không cho dân dưới lồng bè khi bão vào mà đã đưa dân lên bờ thì không cho dân xuống khi bão còn đang nguy hiểm vì tâm lý dân tiếc tài sản là vẫn có”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. |
Ông Hiệp cho rằng: “Cần cấm biển vào trưa hôm nay, cấm các hoạt động du lịch vào cuối tuần đặc biệt khách trên đảo thì phải bảo vệ an toàn, điều đáng lo ngại là hiện nay có hiện tượng du lịch trải nghiệm bão đặc biệt là khách nước ngoài. Trên bờ, bão sẽ đổ bộ vào trưa 2/8 lúc triều cường nên khả năng gây ngập úng đô thị là rất lớn.
Cần chủ động mọi phương án từ sớm, tránh tình trạng bị động bất ngờ. Về an toàn hồ chứa và đê điều thì hiện tại còn 42 hồ, 47 công trình đê điều đang thi công nên cần chuẩn bị kỹ đặc biệt là cống Cẩm Đình ở Hà Nội”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thêm, bão sẽ gây mưa cực lớn từ 1 - 4/8, Khu vực Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ ngập lụt.
Các tỉnh vùng núi phía Bắc chắc chắn sẽ có vấn đề về sạt lở. Cần chuẩn bị các trang thiết bị để ứng phó với bão, cần chủ động ứng phó với bão đặc biệt ở khu vực trọng tâm bão từ Hải Phòng - Quảng Ninh và hoàn lưu của bão.
Theo VTC