Tiên Thủ được xây dựng trong khu du lịch Cổ Khê Tinh Hà, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nó hiện nắm giữ kỷ lục Guiness "Tác phẩm điêu khắc tạo hình tay Phật lớn nhất thế giới".
Đúng như tên gọi "Tiên Thủ", cầu được thiết kế với phần nổi bật là "bàn tay Phật" cao 190m ở giữa tạo cảm giác như nó đang nâng cả công trình.
Cầu Vàng (trái) và phiên bản nhái ở Trung Quốc. |
Tiên Thủ dài 99m, tạo thành hình vòng cung nhô ra khỏi sườn. Phần mặt cầu là mặt kính trong suốt như nhiều cây cầu kính đang được xây dựng rộng rãi ở Trung Quốc.
Chi phí xây dựng công trình này vào khoảng 16 triệu NDT (gần 53 tỷ đồng). Đại diện của khu du lịch cho biết cây cầu được xây dựng theo ý tưởng từ truyền thuyết địa phương về câu chuyện người con trai lên núi hái thuốc cứu mẹ.
"Mục đích ban đầu của việc cây cầu là để khai thác văn hóa địa phương, để văn hóa địa phương hòa nhập với ngành du lịch và thúc đẩy người trẻ tuổi kế thừa sự hiếu thảo", người này cho hay.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy cây cầu được người dân Phúc Kiến hết mực tự hào này lại có điểm tương đồng lớn với cây cầu Vàng nổi danh thế giới ở Đà Nẵng.
Với thiết kế táo bạo và ấn tượng như dải lụa vàng được nâng niu trên đôi bàn tay của một vị thần, trên độ cao 1.400m của đỉnh Bà Nà, cầu Vàng nhanh chóng trở thành điểm đến hút khách bậc nhất của Đà Nẵng sau khi chính thức ra mắt đầu tháng 6/2018.
Danh tiếng của cây cầu thậm chí đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, được các hãng thông tấn, báo chí và mạng xã hội toàn cầu ngợi ca như một trong những “Cây cầu đi bộ ngoạn mục nhất thế giới”.
Tạp chí Time nổi tiếng thậm chí còn chọn cầu Vàng là 1 trong 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018.
Thêm hình ảnh về cây cầu nhái ở Trung Quốc:
Theo VTC