Philippe Klein là giám đốc Bệnh viện Quốc tế SOS tại Vũ Hán, thành phố đầu tiên chịu lệnh cô lập vì đại dịch viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra. Thủ phủ tỉnh Hồ Bắc là nơi đầu tiên bùng phát dịch, nay đã lên đến 9.692 ca trên toàn Trung Quốc.
"Đây không phải một hành động theo chủ nghĩa anh hùng. Quyết định này đã được cân nhắc rất kỹ. Đây là công việc. Tôi nghĩ mình sẽ hữu ích ở đây hơn là về Pháp", Klein chia sẻ về quyết định ở lại Vũ Hán.
Philippe Klein, bác sĩ người Pháp, quyết định ở lại Trung Quốc để hỗ trợ những người đồng hương còn kẹt lại. (Ảnh: AFP) |
Chủng virus corona mới dã cướp đi sinh mạng của 213 người, theo công bố ngày 31/1 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Mọi tỉnh của Trung Quốc đều ghi nhận người nhiễm bệnh, với hàng chục ca khác ở nhiều nước trên khắp thế giới.
Klein muốn giúp đỡ cộng đồng người Pháp đang sống và làm việc ở Trung Quốc. Số công dân Pháp có khai báo với lãnh sự quán nước này tại Vũ Hán là khoảng 500 người. Hai gã khổng lồ của ngành công nghiệp ôtô Pháp, PSA và Renault, đều đặt nhà máy ở thành phố. Các trường đại học địa phương cũng có chương trình trao đổi sinh viên với nhiều cơ sở tại "đất nước hình lục lăng".
Không phải tất cả công dân Pháp đều có thể rời Vũ Hán. Vẫn có nhiều trường hợp nán lại vì lý do công việc hoặc gia đình. Một số đang trong giai đoạn 14 ngày cách ly phòng ngừa virus corona ủ bệnh trước khi về Pháp.Tuy nhiên, Philippe Klein khuyên những đồng hương của mình tốt nhất là nên rời khỏi thành phố.
"Các bệnh viện tại Trung Quốc đang chạy 100% công suất để kiểm soát đại dịch virus corona. Vì vậy, có rất nhiều rủi ro chúng ta chịu thêm nhiều loại bệnh hoặc vấn đề truyền nhiễm khác", ông nhận định.
"Đối với tình hình hiện nay, đến khám tại một bệnh viện ở Trung Quốc không phải lựa chọn lý tưởng nhất. Đó là lý do vì sao tôi mạnh mẽ kêu gọi công dân Pháp tại Vũ Hán tốt nhất nên trở về Pháp", người bác sĩ đến từ vùng Metz chia sẻ.
Nhân viên y tế Trung Quốc mặc đồ bảo hộ kiểm tra một trường hợp bất tỉnh trên đường phố Vũ Hán. (Ảnh: AFP). |
Virus corona đang làm dấy nên những lo sợ về một đợt bùng phát toàn cầu. Bên cạnh việc kiểm soát lưu thông dân số ở những vùng dịch tại Trung Quốc, nhiều thành phố cũng bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh đã nhanh chóng cháy hàng.
Bác sĩ Klein cho rằng mọi người cần có một góc nhìn khách quan với đợt bùng phát dịch. Cảm cúm thông thường "trong một mùa dịch có thể giết đến 550.000 người trên toàn cầu".
"Tôi thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường. Đây là quy định bắt buộc của chính quyền địa phương. Mọi người ở Vũ Hán đều đeo khẩu trang. Tuy nhiên, người có bệnh mới là nhóm cần đeo nhất để họ không lây cho người khác", ông nhận định.
"Việc đeo khẩu trang về mặt tâm lý học cũng rất đáng chú ý. Điều này khiến bạn an tâm hơn, và có thể ngăn bạn vô tình đưa tay lên miệng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh và thường xuyên rửa tay", Klein nhấn mạnh.
Theo Zing