|
Bộ phim của đạo diễn Jay Roach lựa chọn khai thác hai đề tài nóng bỏng của xã hội Mỹ hiện đại. Song, tác phẩm lại quá tập trung vào chuyện chỉ trích kênh Fox News. |
Suốt gần 300 năm lịch sử, chính trường nước Mỹ gần như luôn được chia đôi thành hai nửa: màu xanh của Đảng Dân chủ, và màu đỏ của Đảng Cộng hoà.
Bởi thế, xấp xỉ một nửa dân số Mỹ luôn là những người trung thành với Đảng Cộng hoà, và sẽ chỉ ưu tiên theo dõi những kênh truyền thông có tư tưởng bảo thủ gần gũi với quan điểm chính trị của Đảng Cộng hoà về chủ nghĩa dân tộc, về quyền sở hữu súng, hay tính hợp pháp của việc nạo phá thai.
Đó chính là lý do Fox News - kênh tin tức chính của dòng tư tưởng bảo thủ - luôn là kênh truyền hình cáp được xem nhiều nhất tại Mỹ. Kéo theo đó, Tổng Giám đốc của họ - Roger Ailes (John Lithgow) - là cái tên vừa được kính trọng, vừa được nể sợ, đối với toàn bộ giới truyền thông và chính trị tại Mỹ.
Sự nhạy bén với nhu cầu thông tin của công chúng từng giúp Ailes tư vấn thành công cho nhiều ứng cử viên của Đảng Cộng hoà trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng như Richard Nixon, Ronald Reagan, George H.W. Bush.
Cũng chính sự lọc lõi đó đã khiến tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch (Malcolm McDowell) mời bằng được Roger Ailes về để lập ra kênh Fox News - nơi “bố già” phát hiện và tạo dựng một thế hệ biên tập viên - phát thanh viên thành công cho hãng tin bảo thủ, như Gretchen Carlson (Nicole Kidman) hay Megyn Kelly (Charlize Theron).
Nhưng cùng sự trỗi dậy của phong trào “Me Too” đấu tranh chống lại nạn bạo hành tình dục đối với phụ nữ, đặc biệt trong giới điện ảnh và truyền thông, và cả những hành xử gây tranh cãi của ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, một bộ mặt khác của Roger Ailes dần bị hé lộ.
Ailes hóa ra là kẻ lợi dụng quyền lực gần như vô hạn tại Fox News để tấn công tình dục những nữ phát thanh viên da trắng, tóc vàng, cao ráo, xinh đẹp của nhà đài.
Nạn nhân ở văn phòng tầng hai toà trụ sở Fox News của ông không chỉ có những cái tên đã thành danh và có vị thế như Carlson hay Kelly, mà bao gồm cả những phóng viên trẻ đang lên như Kayla Pospisil (Margot Robbie) với khao khát được Ailes lựa chọn cho vị trí xuất hiện trước máy quay.
Cuộc chiến từ chỗ âm thầm tới thời điểm gây tiếng vang toàn nước Mỹ giữa một bên là những người phụ nữ của đài Fox News với quyền lực “mỏng hơn tờ giấy hợp đồng”, và một bên là Roger Ailes với vị thế chỉ dưới một người duy nhất là Rupert Murdoch, nhưng đứng trên hàng nghìn con người của kênh truyền hình, là chủ đề của Bombshell - bộ phim mới nhất do đạo diễn Jay Roach thực hiện.
Đặt nặng chuyện chỉ trích Fox News
Jay Roach tạo dựng tên tuổi tại Hollywood qua các bộ phim hài hước thuần tuý như bộ ba phim Austin Powers (1997, 1999, 2002), hay hai tác phẩm “gặp gỡ thông gia” rất ăn khách Meet the Parents (2000) và Meet the Fockers (2004).
Song, trong vài năm trở lại đây, ông bắt đầu chuyển hướng sang các tác phẩm mang đậm nét chính kịch như Trumbo (2015) - bộ phim nói về cuộc đời nhà biên kịch từng bị đưa vào danh sách đen của Hollywood là Dalton Trumbo.
Năm nay, qua Bombshell, Roach muốn khai thác hai đề tài nóng bỏng bậc nhất hiện tại của nước Mỹ: nạn tấn công và lạm dụng tình dục đối với phụ nữ, và sự chia rẽ lớn lao trong chính trường Mỹ với thủ phạm chính là những kênh truyền thông đặt tỷ suất người xem cao hơn độ trung thực của thông tin như Fox News.
|
Bản thân Fox News là một nhân vật phản diện trong phim, và Bombshell xem ra hơi sa đà vào việc chỉ trích kênh truyền thông này. |
Khi theo dõi Bombshell, chắc chắn nhiều khán giả ủng hộ Đảng Cộng hoà hay không thích các tác phẩm nặng tính chính trị sẽ phải nhíu mày. Bởi hãng Fox News chính là một trong những “nhân vật phản diện”, không chỉ vì cách tiếp cận hết sức bảo thủ về các chủ đề nóng của xã hội Mỹ như dân nhập cư, mà còn bởi văn hoá lệch lạc nơi công sở của hãng tin hàng đầu, nhất là trong các vấn đề liên quan tới phụ nữ.
Là một tác phẩm “dựa trên các sự kiện có thật”, sự chỉ trích trực diện mà Jay Roach dành cho Fox News có lẽ cũng làm nhiều người xem trung lập, đặc biệt là những ai không am hiểu nội tình nước Mỹ, cảm thấy sốc vì văn hoá độc hại mà những người như Roger Ailes hay Bill O'Reilly (Kevin Dorff) đã tạo dựng ở Fox News, và từ đó thẩm thấu cả vào những đoạn bản tin, vào cách tiếp cận thông tin của kênh truyền thông.
“Không có lửa sao có khói”, Bombshell chính là một lời giải đáp cho khán giả về chuyện tại sao Fox News lại vấp phải vô số chỉ trích từ phía báo giới, đặc biệt là các kênh truyền thông cánh tả về việc nhà đài này luôn cố tình đưa tin thiên lệch để làm lợi cho các ứng viên của Đảng Cộng hoà như Donald Trump, và trực tiếp khiến nền chính trị cùng xã hội nước Mỹ ngày một trở nên chia rẽ.
Thông điệp về nữ quyền chưa thực sự ấn tượng
Tuy nhiên, nếu coi Bombshell trên hết là một bộ phim khắc hoạ cuộc chiến cao quý của những người phụ nữ chống lại nguy cơ quấy rối vốn tồn tại ở mọi nơi, mọi lúc trong xã hội hiện đại, thì việc Jay Roach quá tập trung vào việc mô tả những thói hư tật xấu tại Fox News đã khiến tác phẩm có cảm giác bị chính trị hoá quá mức.
Hậu quả là thông điệp ủng hộ nữ giới, ủng hộ bình quyền của Bombshell trở nên nhạt nhòa. Nhiều người xem hẳn sẽ tự hỏi tại sao thay vì chuyển hết từ nhân vật này tới nhân vật khác, bày ra vô số chi tiết để củng cố “vai ác” cho Fox News, Jay Roach và nhà biên kịch Charles Randolph - người từng giành giải Oscar Kịch bản chuyển thể xuất sắc với The Big Short (2015) - lại không dành nhiều thời lượng hơn để làm rõ bối cảnh xã hội nước Mỹ thời "Me Too".
|
Thông điệp ủng hộ nữ giới và bình quyền của tác phẩm thực sự chưa ấn tượng. |
Họ cũng không khắc hoạ trực diện hơn những cái tên xấu xí, thậm chí là còn hơn cả Roger Ailes ở Fox News, như Rupert Murdoch và Bill O'Reilly; hay đề cập đến, nhưng rồi lại bỏ ngỏ một cách rất đáng tiếc các tuyến truyện tiềm năng như mối quan hệ không đầu không cuối giữa Kayla Pospisil và cô bạn biên tập viên đồng tính Jess Carr (Kate McKinnon).
Tất nhiên, văn hoá công sở xuống cấp ở Fox News chính là môi trường xúc tác cho những kẻ thủ ác như Roger Ailes hay Bill O’Reilly. Roach và Randolph không chọn được điểm nhấn để làm rõ thông điệp chính của bộ phim. Họ thay vào đó lại dùng nhịp phim rất nhanh, cắt cảnh liên tục, hoán đổi thường xuyên góc nhìn kể chuyện, để cố nhồi nhét nhiều chi tiết hết mức. Cuối cùng, Bombshell trở nên tương đối khó theo dõi.
Có lẽ cũng vì quá tham lam chi tiết, Jay Roach đã lựa chọn tới ba nhân vật để đại diện cho phe chính diện là Megyn Kelly, Gretchen Carlson, và Kayla Pospisil.
Cả ba tuy được khắc hoạ hết sức chi tiết với nhiều thời điểm đáng nhớ, nhưng lại không tạo dựng được nhiều tình cảm trong lòng khán giả, nhất là với những cái tên vốn đã và đang gây rất nhiều tranh cãi ngoài đời thực về vai trò và trách nhiệm trong các bê bối xảy đến với Fox News như Kelly.
|
Bản thân Megyn Kelly vẫn là một nhân vật gây tranh cãi ngoài đời thực. |
Thậm chí, cách Jay Roach tạo dựng Megyn Kelly như một trong những lá cờ đầu của phong trào nữ quyền, giúp giật đổ tượng đài của Roger Ailes ở Fox News - đối lập với những người phụ nữ bất chấp sự thật vẫn khăng khăng bảo vệ Ailes như Beth Ailes (Connie Britton), Susan Estrich (Allison Janney), hay Ainsley Earhardt (Alice Eve) - chắc chắn là vết gợn lớn của bộ phim.
Bởi Jay Roach đã lựa chọn cách khắc hoạ nhân vật quá đơn giản và tương đối một chiều, hoàn toàn không phù hợp với một tác phẩm “dựa trên những sự kiện có thật” vốn thường đòi hỏi các nhân vật phải có nhiều sắc thái tình cảm, tính cách, thậm chí là phẩm chất tốt - xấu lẫn lộn.
Margot Robbie nổi bật giữa các “đàn chị”
Ba vai diễn đinh của bộ phim được Jay Roach trao cho ba ngôi sao đã hoặc đang dần khẳng định được vị trí tại Hollywood là Charlize Theron (vai Megyn Kelly), Nicole Kidman (vai Gretchen Carlson) và Margot Robbie (vai Kayla Pospisil).
Không rõ có phải Jay Roach chủ ý muốn tạo dựng hình ảnh của Kelly và Carlson như những biên tập viên ngôi sao luôn giữ khoảng cách với công chúng bằng khuôn mặt lạnh được trang điểm đậm để che giấu cảm xúc hay không, nhưng cả Theron và Kidman đều không thực sự tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả dù có rất nhiều đất diễn.
|
Charlize Theron hóa thân thành Megyn Kelly cực kỳ thành công ở phần tạo hình và đài từ. |
Nếu như Charlize Theron ít nhất còn khiến người xem phải ngạc nhiên vì tạo hình và đài từ quá giống với Megyn Kelly ngoài đời và một vài khoảnh khắc thể hiện được chiều sâu nhân vật, thì Nicole Kidman tỏ ra mờ nhạt khi vào vai Gretchen Carlson - người bất chấp tất cả để khởi đầu cho làn sóng tố cáo ở Fox News.
Đáng ngạc nhiên, người nổi bật nhất trong bộ ba lại là Margot Robbie qua một vai diễn rất có chiều sâu với đủ cả sự ngây thơ của cô gái xuất thân từ một “gia đình Tin lành gia giáo ủng hộ nhiệt thành Đảng Cộng hoà”, và những toan tính của một phát thanh viên với tham vọng trở thành bộ mặt của hãng tin số một nước Mỹ.
Trong một bộ phim với rất nhiều nhân vật và bối cảnh, những phân đoạn có sự xuất hiện của Kayla Pospisil hay có sự tương tác giữa Kayla và Roger Ailes hay Jess Carr, đều để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.
|
Nhân vật của Margot Robbie tỏ ra thú vị nhất trong số bộ ba nhân vật chính của bộ phim. |
Ở “phía bên kia”, John Lithgow trong vai “kẻ ác” Roger Ailes cũng chứng tỏ rằng kinh nghiệm và năng lực diễn xuất của ông là hết sức cần thiết để tạo nên đối trọng và tương phản cần thiết cho tuyến nhân vật nữ.
Nếu phải hỏi rằng đâu là điểm ấn tượng nhất của Bombshell sau khi xem xong phim, có lẽ nhiều người sẽ nhắc tới phần hoá trang tuyệt đỉnh do nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật Kazu Hiro phụ trách. Bởi Charlize Theron trong phim giống hệt Megyn Kelly ngoài đời, còn dáng điệu phục phịch của John Lithgow cũng không khác Roger Ailes trong những năm cuối đời là bao.
Đó có thể coi là một thành công của của tác phẩm. Nhưng trên bình diện đề cập tới những đề tài nóng bỏng bậc nhất của xã hội Mỹ hiện đại, Bombshell lại thất bại khi bỏ lỡ cơ hội khắc hoạ rõ nét những người phụ nữ đã giúp giới truyền thông Mỹ, cả ở bên cánh hữu như Fox News hay cánh tả như MSNBC, dần loại bỏ văn hoá độc hại trọng nam khinh nữ, trọng quyền khinh phẩm giá.
Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Tin “nóng”.
Theo Zing