Thị trường phim Trung Quốc tạo nhiều bom tấn nhưng cạn tiền mặt

Thứ năm, 26/12/2019, 11:35
Năm 2019, các hãng phim Trung Quốc tạo ra hàng loạt bom tấn ăn khách nhưng vật lộn với tình trạng thiếu tiền mặt và bị kiểm duyệt gắt gao.

Theo Variety, năm nay doanh thu phòng vé Trung Quốc đạt kỷ lục chưa từng có với 8 tác phẩm nội địa trong top 10 phim ăn khách nhất trong năm. Giữa tháng 12, tổng doanh thu phòng vé đã vượt kỷ lục cũ (2018) 8,67 tỷ USD.

Đây là kết quả đáng ngạc nhiên nếu xét tới tình trạng ảm đạm của thị trường điện ảnh Trung Quốc hồi đầu năm, sau scandal trốn thuế của Phạm Băng Băng hồi năm 2018.

Vụ bê bối này khiến hoạt động sản xuất phim ảnh tại Trung Quốc chậm lại từ giữa năm 2018. Nhiều studio lớn nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.

Lưu lạc địa cầu là thành công lớn của điện ảnh Trung Quốc trong năm qua. (Ảnh: Weibo).

Tiến thoái lưỡng nan

Theo Nikkei Asian Review, bất chấp kết quả ấn tượng này, các studio Trung Quốc vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ quy trình kiểm duyệt cho đến đầu tư sụt giảm vì nền kinh tế hạ nhiệt.

“Tôi không ghen tỵ với bất cứ nhà làm phim Trung Quốc nào ở thời điểm này”, Nikkei dẫn lời giáo sư truyền thông Aynne Kokas thuộc Đại học Virginia nhận định.

PWC dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới vào năm 2020. Doanh thu điện ảnh mỗi nước chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu toàn cầu.

Nhưng Hollywood sản xuất tới 67,7% nội dung phim ảnh toàn cầu trong khi tỷ lệ của Trung Quốc chỉ là 20,2%, theo Box Office Mojo.

Nguyên nhân, theo giáo sư Kokas, là khâu kiểm duyệt nội dung tại Trung Quốc rất phức tạp dù chính phủ nước này quyết liệt thúc đẩy sản xuất các bom tấn điện ảnh để khẳng định vị thế thị trường phim lớn nhất thế giới.

Huayi Brothers, hãng phim hàng đầu Trung Quốc, hiểu rõ nghịch lý đó. Năm 2018, studio này vướng scandal trốn thuế của Phạm Băng Băng. Toàn bộ ngành điện ảnh Trung Quốc bị truy thu thuế tới 1,7 tỷ USD. Huayi Brothers kết thúc năm với khoản lỗ 158 triệu USD.

Mỹ vẫn sản xuất tới 67,6% nội dung phim ảnh toàn cầu trong khi tỷ lệ của Trung Quốc chỉ là 20,2%, dù hai nước có quy mô doanh thu phòng vé tương đương. (Ảnh: Box Office Mojo).

Bộ phim chiến tranh The Eight Hundred của Huayi Brothers - được đầu tư 80 triệu USD - bị tắc nghẽn ở khâu kiểm duyệt và chưa thể ra rạp. Ngoài ra, trong năm nay, ít nhất 6 phim khác bị hoãn hoặc hủy ra mắt vì vấn đề tương tự.

Trong khi đó, một số phim phục vụ mục tiêu tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc bị chê bai hoặc bị phản đối ở nước ngoài. Abominable, phim hoạt hình được DreamWorks và Pearl Studios hợp tác sản xuất, bị cấm tại Việt Nam, Malaysia và Philippines vì chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp mà Bắc Kinh tự vẽ ra hòng chiếm đoạt chủ quyền Biển Đông.

Cạn kiệt tiền mặt

Nguồn tin Nikkei cho biết các nhà làm phim Trung Quốc sẽ đặc biệt cẩn trọng trong năm 2020. Bởi ngành công nghiệp điện ảnh nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt do tác động của tình trạng kinh tế giảm tốc và hậu quả kéo dài của scandal trốn thuế.

Một nhà phân tích nhận định việc chính quyền Trung Quốc nới lỏng quy định về đồng sản xuất là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh nước này thiếu tiền mặt trầm trọng.

Để đủ điều kiện được coi là sản phẩm hợp tác sản xuất, một bộ phim cần bao gồm yếu tố Trung Quốc, có diễn viên Trung Quốc đóng chính và cần 1/3 kinh phí từ các nguồn Trung Quốc.

Nhưng yêu cầu về nguồn vốn đã trở nên linh hoạt hơn, theo Liu Chun, Chủ tịch China Film Group. Trong nhiều dự án sản xuất, các nguồn kinh phí từ Trung Quốc chỉ chiếm 15%.

Các sản phẩm hợp tác có nhiều khả năng được phát hành hơn những bộ phim hoàn toàn từ nước ngoài, việc chia sẻ doanh thu cũng công bằng hơn đối với các hãng phim nước ngoài.

The Great Wall có kinh phí tới 150 triệu USD nhưng thất bại. (Ảnh: Collider).

Tuy nhiên, nhiều dự án đồng sản xuất đã thất bại thảm hại. Trường thành (The Great Wall)với Matt Damon thủ vai chính có kinh phí 150 triệu USD đã thua lỗ và bị giới phê bình chê bai.

Một ngoại lệ hiếm hoi là The Meg của Jason Statham và Lý Băng Băng với doanh thu 530 triệu USD toàn cầu.

“Để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, các nhà sản xuất phim Trung Quốc cần tạo ra nội dung hướng đến khán giả phương Tây. Điều này là rất khó. Họ có thể tiếp tục đồng sản xuất nhưng việc kết hợp hai nền văn hóa cũng không dễ dàng”, Phó chủ tịch Douglas Montgomery của Warner Bros. bình luận.

Xu thế hoạt hình

Khi dự án phim live-action quá tốn kém và mạo hiểm, nhiều hãng phim Trung Quốc chuyển sang làm phim hoạt hình. Lợi thế của thể loại này là thu hút cả gia đình tới rạp và có thể tạo doanh thu từ các sản phẩm ăn theo như đồ chơi.

Năm nay, phim hoạt hình Na Tra: Ma đồng giáng thế thành công vang dội tại Trung Quốc với doanh thu 703 triệu USD. Tuy nhiên, vấn đề là việc sản xuất các bộ phim hoạt hình chất lượng thường tốn vài năm và cần sự hỗ trợ của các studio Mỹ.

Việc hợp tác sản xuất phim hoạt hình trở nên khó khăn khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguy cơ dòng phim này bão hòa ở Trung Quốc.

Bất chấp nhiều thách thức, các nhà làm phim Trung Quốc vẫn hy vọng xâm nhập được vào thị trường nước ngoài.

“Tôi tin rằng các nhà làm phim Trung Quốc có khả năng sản xuất những bộ phim giúp thúc đẩy nước này thành thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng việc thành công hay không lại là một vấn đề khác”, chuyên gia Kokas thuộc Đại học Virginia nhận xét.

Thành công của Na Tra có thể thúc đẩy làn sóng phim hoạt hình tại Trung Quốc. (Ảnh: IMDB).

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích