Lâu nay, cuộc sống của các ngôi sao Hàn Quốc vẫn luôn được nhắc đến như một tấm gương về nỗ lực theo đuổi đam mê và sự xa hoa, hào nhoáng. Những quy chuẩn cao được duy trì nghiêm ngặt được cho là thương hiệu làm nên dấu ấn riêng của nền giải trí xứ Hàn, điều mà những lò đào tạo ngôi sao của Disney ở Bắc Mỹ hay Học viện Nghệ thuật Nam Kinh của Trung Quốc không thể với tới về độ khắt khe.
Song, hàng loạt vụ tự tử cũng như làn sóng trầm cảm xuất hiện ngày một dày đặc ở trong ngành giải trí này đang khiến dư luận phải thắc mắc liệu Kpop có công bằng và tốt đẹp như người ta vẫn nghĩ. Mới đây, nam ca sĩ Kang Daniel đã thừa nhận anh bị mắc chứng rối loạn hoảng sợ và trầm cảm cấp độ nặng, do đó không thể xúc tiến hoạt động quảng bá cho album mới.
Kang Daniel thừa nhận mắc chứng trầm cảm. |
Sự suy giảm sức khỏe tinh thần của “Center quốc dân” có liên quan mật thiết tới vụ kiện giữa anh và LM Entertainment khi đơn vị này đã cố gắng tìm cách chặn con đường phát triển của Kang Daniel sau khi nam ca sĩ rời đi.
Điều này khiến nhiều người cho rằng đã đến lúc cần có sự thay đổi dứt khoát và toàn diện trong cơ cấu tổ chức hệ thống đào tạo, sử dụng lao động tại làng giải trí Hàn.
Theo báo cáo của Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc vào năm 2017, quy mô ngành công nghiệp âm nhạc nước này đã lên tới 5 tỷ USD. Nhờ sự trỗi dậy của BTS và Blackpink, con số này tăng thêm 17,9% trong năm 2018, khiến cho làn sóng quảng bá văn hóa Kpop trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Hiệu ứng này tạo ra hàng loạt tác động tích cực tới các doanh nghiệp Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai, với mỗi 1% tăng trưởng trong xuất khẩu sản phẩm văn hóa, xuất khẩu hàng tiêu dùng nói chung của Hàn Quốc cũng tăng thêm 0,03%, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước này. Một nghiên cứu của đại học London cũng ước tính Hàn Quốc nhận lại 5 USD với mỗi USD chi cho Kpop. Nguồn thu này không chỉ đến từ âm nhạc mà còn từ các mặt hàng khác của Hàn Quốc, như điện thoại hay tivi.
Ngành công nghiệp giải trí có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Hàn Quốc. |
Thậm chí sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng có bóng dáng sự giúp đỡ của Kpop. Tờ Business Korea cho biết trong 5 ngày kể từ khi BTS vươn lên đứng đầu BXH Billboard 200 vào ngày 28/5, giá cổ phiếu các công ty giải trí đã tăng phi mã. Đơn vị này ước tính Big Hit Entertainment, công ty quản lý của BTS, có giá trị lên tới 1.000 tỷ won.
Bên cạnh đó là tác dụng hỗ trợ ngành du lịch. Hannah Waitt, CEO của moon-ROK, cổng thông tin cung cấp tin tức về Kpop cho biết: “Tôi nghĩ rằng Kpop đã kích thích kinh tế Hàn Quốc bằng cách thúc đẩy du lịch. Người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến Hàn Quốc để xem show diễn và trải nghiệm trực tiếp nền văn hóa này”.
Nhu cầu học tiếng Hàn Quốc cũng vì đó mà tăng cao. Tờ BBC của Anh cho biết nhiều người trên thế giới, từ Canada, Thái Lan đến Algeria đã đổ xô đi học tiếng Hàn để hiểu lời của các bài hát nổi tiếng. Riêng tại Mỹ, một cuộc khảo sát do Hiệp hội Ngôn ngữ hiện đại thực hiện cho thấy số lượng sinh viên theo học tiếng Hàn Quốc đã tăng 95% trong giai đoạn 2006-2016. Trong khi đó, tỷ lệ gia tăng số người học tiếng Trung Quốc, Nhật Bản chỉ là 3,3% và 5,2%.
Có nhiều lý do để những bản hợp đồng đào tạo idol được đặt cho biệt danh “hợp đồng nô lệ”. Dẫu vậy, nhiều người vẫn đặt bút ký vì tin rằng hào quang của danh tiếng và sự giàu có sẽ bù đắp cho tất cả. Tuy nhiên, về cơ bản, khi quyết định đưa tên mình vào bản “hợp đồng nô lệ”, người ký đã bán cả thanh xuân cho công ty quản lý.
Theo ca sĩ Kpop Prince Mak, các thực tập sinh bắt buộc phải tuân theo mọi chỉ định của công ty chủ quản trong thời gian hoạt động nghệ thuật. Trong đó có thể bao gồm cả điều kiện phải tham gia tiếp khách, bán dâm để phục vụ những “người bảo trợ”. Năm 2009, dư luận Hàn Quốc chấn động trước thông tin nữ diễn viên Jang Ja Yeon tự sát vì bị xâm hại tình dục. Trong di thư, cô tố cáo 31 nhân vật quyền lực đã xâm hại tình dục cô hàng trăm lần.
Vụ tự tử của Jang Ja Yeon gây chấn động Hàn Quốc một thời. |
Vụ việc khiến Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc phải thực hiện khảo sát vào một năm sau đó. Kết quả là 2/3 số nữ diễn viên tham gia khảo sát cho biết họ từng bị gạ gẫm đổi sex để lấy tiền đồ.
Việc các nghệ sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trên thế giới không phải là chuyện gì lạ nhưng ở Hàn Quốc, tình trạng này cực đoan hơn rất nhiều. Theo tờ Atlantic, cứ 5 người phụ nữ Hàn Quốc thì có 1 người từng can thiệp chỉnh sửa nhan sắc.
Nhiều học viên Kpop đã phải đập mặt, gọt hàm, nâng mũi, cùng nhiều quá trình đau đớn khác để phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp hiện tại ở Hàn là mặt phải giống nhân vật trong truyện tranh (mắt to, môi nhỏ, cằm V-line). Tất nhiên, họ không có quyền lựa chọn có hoặc không. Việc chỉnh sửa ngoại hình này là hoàn toàn bắt buộc.
Cuối năm 2015, Mydaily khiến dư luận bàng hoàng khi đăng tải câu chuyện của một cựu thực tập sinh giấu tên tại SM Entertainment. Nhân vật này tiết lộ các học viên luyện thanh bằng cách vừa hát vừa đứng lên ngồi xuống, hoặc hát khi có người nào đó đánh vào bụng để tạo cơ bụng và nội lực trong giọng hát.
Mắt to, môi nhỏ, cằm V-line là chuẩn mực vẻ đẹp hiện tại ở Hàn Quốc. |
Nếu may mắn đầu quân vào công ty tốt hoặc có năng khiếu thiên bẩm, các học viên có thể chỉ mất từ 1-2 năm để ra mắt công chúng. Tuy nhiên, cũng có những người mất nhiều thời gian hơn để đạt yêu cầu. Điển hình là trường hợp của Jihyo (Twice) mất đến 10 năm hay G-Dragon (Big Bang) mất 11 năm.
Thủ lĩnh của Big Bang đã phải khổ luyện trong hơn một thập kỷ để có được vị trí như hiện tại. Năm lên 8, G-Dragon từng thử thách bản thân khi tham gia một cuộc thi nhảy và được chủ tịch Lee Soo Man của SM để mắt tới. Tuy nhiên, cảm thấy khó có khả năng được debut, nam ca sĩ đã chuyển sang YG Entertainment để tìm kiếm cơ hội. Tại đây, anh mất thêm 6 năm khổ luyện với công việc ban đầu chủ yếu là dọn dẹp phòng tập và lấy nước cho các đàn anh khi họ tập nhảy.
Lịch trình luyện tập gian khổ cũng được cho là một cách để công ty chủ quản ngăn chặn chuyện hẹn hò của các thực tập sinh. Xa rời bố mẹ và bị thu điện thoại, nam thực tập sinh và nữ thập tập sinh sẽ luyện tập trong các phòng tập riêng biệt. Họ không có cơ hội hòa nhập cũng như thời gian để gặp gỡ đối phương khác giới.
Thay vào đó, mỗi trường cạnh tranh được đẩy lên đến mức khốc liệt khi bất kỳ ai cũng sẽ phải dọn hành lý đi về nhà ngay lập tức nếu không vượt qua được các bài kiểm tra định kỳ. Kể cả khi đã được debut, hẹn hò vẫn được cho là điều cấm kỵ vì các công ty lo sợ idol bị mất fan. Như vậy, hầu hết nghệ sĩ Kpop sẽ phải trải qua các quãng đời thanh xuân không có tình yêu.
Sulli từng phải giả vờ hạnh phúc để che đậy nỗi cô đơn. |
Phương pháp đào tạo hà khắc này nuôi dưỡng nỗi cô đơn và tạo áp lực khủng khiếp cho các idol trẻ. Trước khi qua đời vì tự tử hồi tháng 10, nữ ca sĩ Sulli từng chia sẻ trên chương trình Reply Night rằng cô phải cố giấu cảm xúc thật, giả vờ tỏ ra hạnh phúc để che đậy sự cô đơn. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Kim Jong Hyun, người từng tự sát vào năm 2017. Thành viên nhóm SHINee từng không ít lần chia sẻ về nỗi cô đơn của mình.
“Tôi hay ngồi một mình trong bóng tối và suy nghĩ về cuộc sống. Bạn có thể buông bỏ tất cả. Sẽ có những tiếng thở dài nhưng nỗi đau sẽ được dừng lại. Tôi cầu nguyện cho mọi người không ai bị tổn thương. Hy vọng là sẽ chỉ có sự an bình”, nam ca sĩ quá cố viết trên Instagram.
HyunA, nữ ca sĩ từng bị sa thải vì hẹn hò với đồng nghiệp, cũng gặp vấn đề về tâm lý khi quyết định công khai tình yêu của mình ra trước công chúng bị phản ứng dữ dội. Cựu thành viên 4Minute luôn ở trong trạng thái căng thẳng thần kinh, thậm chí nhiều lúc chỉ thấy màu trắng xóa rồi đột nhiên ngất đi.
Trải qua nhiều lần như vậy, nữ ca sĩ đi khám và được chẩn đoán mắc chứng ngất do thần kinh phế vị, hiện tượng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mạnh, chẳng hạn như khi nhìn thấy máu hoặc đau khổ vì tình cảm.
Cống hiến cho công ty chủ quản nhiều là vậy nhưng những gì sao Hàn nhận được chỉ là sự bất công đến tàn nhẫn. Không ít đơn vị quản lý đã bị dư luận nêu tên là “vắt chanh bỏ vỏ”, bóc lột, ăn chặn thành quả lao động của idol. Năm 2009, ba nghệ sĩ của nhóm nhạc huyền thoại DBSK là Junsu, Yoochun, Jaejoong đã cùng nhau khởi kiện công ty SM. Họ cho biết SM chỉ phát lương 6 tháng 1 lần cho các thành viên.
Các thành viên của DBSK phải chịu tỷ lệ phân chia lợi nhuận vô lý của công ty chủ quản. |
Theo Sports Seoul, với việc tiêu thụ được 50.000-100.000 bản album, DBSK chỉ nhận được 2% lợi nhuận. Với mức từ 100.000-200.000 bản được bán ra, nhóm nhận được 3% lợi nhuận. Trường hợp bán được trên 300.000 bản album, các giọng ca Mirotic vẫn chỉ nhận được tối đa 5% lợi nhuận. Số tiền nhận được sẽ chia đều cho 5 thành viên. Những điều khoản phân chia lợi nhuận vô lý này không chỉ khiến các idol bức xúc mà các fan của họ cũng rất bất bình.
Bên cạnh đó, SM cũng cài điều khoản hợp đồng có thời hạn kéo dài đến 13 năm chứ không phải 7 đến 8 năm như theo quy định. Ở Hàn Quốc tồn tại một quy luật ngầm mang tên “lời nguyền 7 năm”, tức có rất ít nhóm nhạc nổi tiếng có thể tồn tại lâu hơn khoảng thời gian này. Như vậy, các thành viên DBSK sẽ phải dành cả sự nghiệp để cống hiến cho công ty chủ quản.
Nhóm nhạc nữ Stellar cũng từng ngậm ngùi chia sẻ với tờ No Cut News rằng cho dù có danh tiếng nhưng họ thường xuyên phải góp tiền ăn chung bữa vì hãng thu âm đã giữ hết lợi nhuận.
“Nếu bạn đang tò mò và nghĩ thế giới thần tượng có vẻ tuyệt vời thì hãy ngừng ngay lại. Nếu bạn có mục tiêu sự nghiệp ngoài ngành giải trí thì đừng từ bỏ”, thành viên Gayoung chia sẻ trước khi rời nhóm vào năm 2018.
Theo Zing