Đó là nạn tin giả lan truyền trên mạng xã hội và những lời đồn đoán vô căn cứ, chỗ này vừa xuất hiện ổ dịch, nơi kia quá nhiều người chết vì Corona mà bị ém nhẹm. Những tin giật gân để “câu view” như vậy là thất nhân tâm. Nó làm cho người ta hoảng loạn, ứng xử sai, trốn khỏi nơi cách ly. Nó làm tăng thêm nạn sản xuất khẩu trang, thuốc chống dịch giả, làm tăng thêm nạn tăng giá và vơ vét khẩu trang, nước rửa tay sát trùng. Nó làm yếu đi nguồn lực tập trung cho việc phòng chống dịch bệnh.
Tâm sự của vị thầy thuốc có liên quan đến cơ quan an ninh mạng, cơ quan truyền thông, quản lý thị trường... nhưng có rất nhiều việc xuất phát từ cách hành xử của dân thường chúng ta.
Nhớ lại chuyện một phụ nữ trở về từ vùng dịch đã bỏ trốn khỏi nơi cách ly để theo dõi sức khỏe. Mất công tốn sức mới tìm được thì bà ta giải thích lý do bỏ trốn một cách thản nhiên: “Em còn một đống hàng phải bán”. Dư luận chỉ biết kêu trời! Thói thiển cận, vun vén cá nhân còn quan trọng hơn mạng sống của chính bà ta đã đành, lại còn không xem sinh mạng của cộng đồng ra gì.
Nhiều người nhận thức kém, không biết được những nguy hiểm của Corona, như một chàng trai ở vùng dịch đi ăn cưới, đi chơi với người yêu làm cho cả hai họ phải bị cách ly. Những sinh hoạt bình thường không có lỗi gì trong cuộc sống nhưng thiếu thận trọng trong điều kiện đặc biệt và khẩn cấp khiến bao người phải lo lắng, thiệt đơn thiệt kép.
Những ứng xử làm rối loạn thị trường, vơ vét, tăng giá những vật dụng cần thiết để chống dịch lại viện cớ do quy luật thị trường, cái gì có lãi thì làm, ở đó mà rao giảng lương tâm, đạo đức. Có khu thương mại còn phản ứng một cách đáng ghét, viết trên mạng xã hội kêu gọi ém hàng. Có nhiều tiệm thuốc tây để bảng “Không bán khẩu trang, đừng hỏi”. Không chỉ là vô lễ mà còn thiếu đạo đức. Đó là hình ảnh thật xấu xí về văn hóa doanh nghiệp.
Việc chống dịch Corona lây lan đang là một thách thức với các quốc gia, làm ảnh hưởng đến sản xuất, dịch vụ, du lịch , hàng không, giáo dục... Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa dự báo được dịch nó sẽ đi theo hướng nào, khi nào có thể lui. Vì thế, những quyết định trở nên rất khó khăn. Có đóng cửa biên giới không, có cho học sinh nghỉ học không, cho nghỉ thì con cái ai giữ, cho đi học thì kêu học cả đời, sinh mạng con người mới quý... Thôi thì bao nhiêu lời bàn, ý kiến, có cả những chửi bới trên mạng rất phản cảm.
Một số thầy thuốc ở trung tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) đã qua đời vì lây bệnh khi hết lòng chữa trị cho bệnh nhân, những doanh nhân bỏ tiền sản xuất vật dụng y tế, xây bệnh viện dã chiến góp phần chống dịch. Đó là những tấm gương cao cả trong lúc xã hội rất cần sự xả thân. Ở nước ta có người bỏ tiền túi sản xuất nước rửa tay sát trùng, sản xuất khẩu trang phân phát cho công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Người tiêu dùng giải cứu nông sản ùn ứ, không bán được cho nông dân. Những gương sáng như vậy cần phát huy.
Thế giới đang tập trung chống dịch Corona, mỗi người, mỗi gia đình phải góp sức, ít ra là ứng xử có lương tâm và trách nhiệm, hoặc chấp hành nghiêm túc những quy định để bảo vệ cộng đồng.
Ứng xử trong dịch bệnh, thiên tai đều bộc lộ văn hóa, đạo đức và dân trí. Ngay cả khi có tiền mà không có trách nhiệm cộng đồng thì chỉ làm hại thêm cuộc sống, trong đó có cả chính mình và gia đình. Bởi không ai có thể sống một mình.