Chuyên gia Mỹ: 'Trung Quốc có thể giữ 50% nước Mekong vào mùa khô'

Thứ sáu, 28/02/2020, 10:57
Chuyên gia Mỹ cho rằng các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn Mekong có thể giữ đến 50% lượng nước, khiến hạn hán ở hạ lưu thêm tồi tệ.

"Vào mùa khô, khi hạn hán ở mức rất nghiêm trọng, Trung Quốc có thể giữ đến 50% lượng nước sông Mekong. Vì thế tác động của các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn đến hạn hán ở hạ nguồn là điều không thể phủ nhận", Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, nói với VnExpress. Eyler là chuyên gia về các vấn đề xuyên biên giới ở khu vực Mekong, tác giả cuốn sách "Last Days of the Mighty Mekong" (Những ngày cuối của dòng Mekong vĩ đại).

Eyler cho biết mức 50% này là dựa trên tính toán logic của tình hình, khi Trung Quốc đang vận hành 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Hồi 2014, khi Trung Quốc có 7 đập thủy điện hoạt động, Tổ chức Các dòng sông quốc tế (International Rivers - IR) công bố báo cáo cho thấy phần sông Mekong ở Trung Quốc (được gọi là Lan Thương) chiếm đến 45% lượng nước chảy xuống hạ lưu vào mùa khô. IR, tổ chức có trụ sở tại California, Mỹ, chuyên nghiên cứu ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh nhằm ngăn chặn các dự án gây hại cho sông và thúc đẩy các lựa chọn khả dĩ hơn.

Theo Eyler, vào mùa mưa, khu vực tập trung nhiều nước nhất ở sông Mekong là ở Lào và Tây Nguyên của Việt Nam. Vì thế Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% lượng nước sông Mekong vào mùa mưa.

Vào mùa khô, khi không có mưa ở hạ nguồn sông Mekong, phần lớn lượng nước đến từ sông băng ở dãy Himalaya, chảy qua Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc chiếm đến 40% lượng nước sông Mekong chảy xuống hạ nguồn vào mùa khô thông thường. Trên thượng nguồn, Trung Quốc có 11 đập thủy điện, trữ 47 tỷ m3 nước.

Giữa tháng 2/2020, miền Tây Việt Nam xuất hiện tình trạng hạn mặn nghiêm trọng. Riêng tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 16.000ha lúa bị thiệt hại 30-70%, 340ha hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Nhiên (38 tuổi, huyện Long Phú, Sóc Trăng) trên cánh đồng ruộng lúa chết khô. Ảnh: Cửu Long.

Nguyễn Thị Nhiên, 38 tuổi, huyện Long Phú, Sóc Trăng, trên cánh đồng ruộng lúa chết khô. Ảnh: Cửu Long.

Nguyên nhân chính của hạn hán năm nay ở Việt Nam, theo Eyler, là do hiện tượng El Nino, gây nên thiếu mưa. Lượng nước không đủ để dòng sông vận hành bình thường như trong hàng triệu năm qua. Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi mô hình thời tiết. Nông dân không có đủ nước để gieo vụ lúa mới và thực hiện các hoạt động nông nghiệp khác.

Eyler cho rằng các đập thủy điện càng lớn và càng gần nguồn nước thì càng gây tác động lớn đến hạ nguồn. Bên cạnh 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn, Lào có hai đập trên dòng chính sông Mekong là Xayaburi và Don Sahong.

"Các đập thủy điện trên sông Mekong đang khiến hạn hán nghiêm trọng hơn", Eyler nói.

Ông cho rằng hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam xuất hiện thường xuyên hơn và gây tác động mạnh hơn. Năm 2016, hạn hán ở mức tồi tệ nhất, nhưng tình trạng của 2020 còn xấu hơn. Trung Quốc từng xả nước xuống hạ lưu theo yêu cầu của Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên năm nay lượng nước đến ĐBSCL chưa xuất hiện, dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã xả nước từ ngày 24/1.

Đồng tình về nguyên nhân chính gây hạn hán ở miền Tây năm nay, Tiến sĩ Tô Văn Trường, cựu Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, cho rằng lượng mưa trong mùa mưa năm 2019 thấp hơn bình thường, do đó hạn mặn năm 2020 đến sớm và trầm trọng hơn những năm khác.

Năm 2019, khi có hiện tượng El Nino, khu vực Đông Nam Á có ít mưa hơn so với bình thường, do ổ đối lưu gây mưa bị dịch về phía Đông. Hạn hán lịch sử xuất hiện ở hầu hết các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, khu vực bị ảnh hưởng nặng là miền Nam và miền Trung. Trong mùa khô, tổng lượng mưa trên các trạm khác nhau trên lưu vực sông Mekong thấp hơn 55% so với mức trung bình nhiều năm. Mùa mưa đến muộn (vào tháng 7 thay vì tháng 5 hàng năm), khiến lượng mưa thấp hơn 65% so với các năm, gồm cả thượng nguồn ở phía Trung Quốc. Lượng mưa trung bình chỉ đạt 20% so với nhiều năm. Trong mùa mưa, ĐBSCL đối diện với mùa lũ ở mức rất thấp.

Theo ông Đào Trọng Tứ, cựu phó tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam, hiện các nước hạ nguồn chưa đánh giá được tác động của các đập thủy điện của Trung Quốc đến hạn hán ở hạ lưu, do Trung Quốc không cung cấp quy trình vận hành của các đập thủy điện.

"Vấn đề chính là Trung Quốc rất hạn chế hợp tác, không trao đổi số liệu thực tế của các đập thủy điện", ông Tứ nói.

Nhiều nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong (MRC) cho thấy tác động rõ nhất của các đập thủy điện Trung Quốc đến hạ lưu là "giữ lại phù sa". Mekong chiếm đến 60% lượng phù sa của ĐBSCL của Việt Nam. Đến 2040, lượng phù sa ở khu vực này ước tính chỉ còn 4-5%. Nếu 11 đập thủy điện ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động, tác động về phù sa sẽ còn lớn hơn nữa, theo ông Tứ.

Danh sách đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong tính đến tháng 11/2019. Đồ họa: Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ. 

Danh sách đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong tính đến tháng 11/2019. Đồ họa: Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ.

Eyler dự báo hạn hán ở hạ lưu sông Mekong sẽ tái diễn thường xuyên hơn trong tương lai. Tuy nhiên, có thể dự báo được El Nino và tác động của nó trước 6 tháng. Hạn hán tính đến tháng 4/2020 có thể được dự báo từ đầu tháng 6/2019. Vì vậy, Việt Nam có thể chuẩn bị năng lực để hạn chế tác hại.

Có chung nhận định, ông Tứ cho rằng Việt Nam cần phải "thừa nhận" thực tế hạn hán sẽ trở nên thường xuyên hơn và cần có phương án ứng phó. Việt Nam không nên "trông chờ nhiều" vào nước ở thượng nguồn mà nên chủ động "tự cứu mình". Trong chiến lược lâu dài, Việt Nam đang hướng đến việc chuyển đổi sản xuất, phân vùng sản xuất.

Theo ông Tô Văn Trường, giải pháp trước mắt của Việt Nam là tập trung tiết kiệm nước cho sinh hoạt và sản xuất một cách hợp lý. Việt Nam nên tích lũy nước ngọt tối đa, trong đó có nước ngầm, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng để chủ động tưới tiêu. Về dài hạn, Việt Nam cần có hệ thống công trình điều khiển mặn từ phía các cửa mặn, hệ thống bẩy triều, giúp đẩy ngọt từ các cửa ngọt trong từng con triều trong mùa khô. Chính quyền cần biến hệ thống kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long thành "các hồ nước ngọt di động", vận hành theo nhịp điệu của triều trong mùa khô. Việt Nam cũng phải tìm giải pháp phi công trình như thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi.. theo hướng thích nghi với thời tiết, tiết kiệm nước.

Eyler đánh giá cao Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ở ĐBSCL mà Việt Nam ban hành năm 2017. Các chính sách trong khuôn khổ này sẽ giúp khôi phục lại các quy trình dựa trên thiên nhiên, liên quan đến chu kỳ lũ tự nhiên của dòng Mekong, giúp người dân chuyển đổi các sinh kế hiệu quả hơn. Nông dân ở ĐBSCL cũng có thể thích ứng với mực nước biển dâng và tình trạng xâm mặn. Việt Nam có các đối tác hỗ trợ thực hiện kế hoạch như Hà Lan, Israel và Mỹ.

"Nếu chính sách được thực hiện đúng đắn, nó sẽ rất hiệu quả", Eyler nói.

Trên phạm vi khu vực, ông Trường cho rằng Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các nước ven sông Mekong để có kế hoạch tổng hợp gần tối ưu, mang lại lợi ích lâu dài của mỗi nước. MRC đã có nhiều nghiên cứu đánh giá tác động của 11 đập thủy điện ở hạ lưu.

"Tôi cho rằng hiện nay ai cũng hiểu rõ được - mất của mỗi quốc gia", ông Trường nói.

Với Trung Quốc, MRC có thể sử dụng Hiệp định Mekong năm 1995 làm cơ sở pháp lý để đề nghị Bắc Kinh hợp tác, cân bằng lợi ích của các bên. MRC cũng có hệ thống tài liệu khí tượng thủy văn và các tài liệu cơ bản khác, có thể dùng để đối chiếu với dữ liệu của Trung Quốc.

Theo ông Tứ, Việt Nam nên tận dụng cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương giữa MRC và Trung Quốc để thảo luận về vấn đề nước sông Mekong. Trong cơ chế này, nước là một vấn đề trụ cột trong hợp tác, bên cạnh kinh tế và an ninh.

Với ASEAN, Eyler cho rằng Việt Nam nên ưu tiên đưa vấn đề sông Mekong ra bàn luận trong năm làm Chủ tịch của Hiệp hội trong 2020. Hệ sinh thái và nền tảng tài nguyên của Mekong đang bị đe dọa, trong khi ĐBSCL là nơi cung cấp nguồn lương thực cho cả 10 nước Đông Nam Á.

"Việt Nam nên nêu vấn đề sông Mekong trên khía cạnh an ninh, vì khủng hoảng ở đây có thể gây bất ổn ở khu vực. Hy vọng Việt Nam có thể thay đổi cách ASEAN nhìn nhận về Mekong", Eyler nói.

Theo Eyler, Ban Thư ký MRC chưa từng tiếp cận được dữ liệu của Trung Quốc về các đập thủy điện trên thượng nguồn. Ông hy vọng MRC sẽ có cơ hội này khi tiến hành nghiên cứu chung sắp tới với Trung Quốc để tìm nguyên nhân hạn hán. Eyler cảnh báo MRC không nên để Trung Quốc dùng ảnh hưởng trong khu vực để áp đảo các nước và các bên liên quan.

"MRC không nên để Trung Quốc cung cấp dữ liệu không chính xác về tác động của các đập thủy điện đến hạ lưu", Eyler nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn