Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết để điều trị thành công các bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ đã áp dụng kinh nghiệm từ dịch SARS năm 2003.
Bài học 1: Thoáng khí
Năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS - bệnh cũng do một chủng coronavirus gây ra (SARS-CoV). Khi ấy, bệnh nhân SARS chỉ tập trung cách ly ở Bệnh viện Việt Pháp và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội.
Tiến sĩ Khuê nhớ lại ông được Bộ Y tế giao trách nhiệm đến "đóng cửa" Bệnh viện Việt Pháp, thực hiện nội bất xuất ngoại bất nhập. Bệnh nhân được cách ly trong phòng tiện nghi, máy điều hòa đầy đủ. Ít lâu sau, nhiều nhân viên y tế tại bệnh viện cũng nhiễm virus SARS, trong đó có một bác sĩ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Sau đó, một số bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì không có ai bị lây nhiễm chéo, một phần nhờ ở đây mở cửa thông thoáng. Chúng tôi mới nhận ra môi trường phòng kín, có điều hòa làm virus SARS lây lan nhanh hơn", ông Khuê chia sẻ. Từ đó các bệnh nhân được cách ly điều trị trong các phòng thoáng khí, cửa sổ mở toang. Chỉ một thời gian ngắn sau, dịch SARS được Việt Nam khống chế thành công.
Trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế cũng áp dụng kinh nghiệm này từ đại dịch SARS.
Ông Khuê nhấn mạnh, đối với buồng bệnh cách ly bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm nCoV, việc thông khí rất quan trọng. Mỗi buồng bệnh cần đảm bảo 2 cửa chính, nếu không đủ cửa thì cần tăng cường các biện pháp thông khí cưỡng bức (sử dụng các thiết bị điều chỉnh không khí) nhằm đảm bảo môi trường thoáng khí.
Thiết bị hỗ trợ thông khí gồm có quạt cản khí trong buồng cách ly ra ngoài, quạt hút khí sạch từ ngoài môi trường vào buồng cách ly, quạt đẩy khí ô nhiễm trong buồng cách ly ra khu ít người..
Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Lương Ngọc Khuê. |
Bài học 2: Điều trị theo triệu chứng
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với Covid-19. Bộ Y tế hướng dẫn phác đồ điều trị là phát hiện và xử trí kịp thời các triệu chứng, không để tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có) xảy ra. 16 bệnh nhân nhiễm nCoV ở Việt Nam được cách ly và điều trị theo phác đồ này, đều khỏi bệnh hoàn toàn.
16 ca Covid-19 ở Việt Nam đa dạng về hình thái bệnh cảnh. Người lớn tuổi nhất là nam Việt kiều Mỹ 73 tuổi, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là em bé mới 3 tháng tuổi. Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền phức tạp là ông bố Trung Quốc mắc tiểu đường, ung thư đã từng cắt phổi. Có bệnh nhân xét nghiệm dương tính nCoV nhưng hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng bệnh viêm phổi. Các bệnh nhân còn lại đủ lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp...
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế, song có những điều chỉnh đặc thù phù hợp với bệnh cảnh từng người và phù hợp với điều kiện khí hậu vùng miền.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, trường hợp hai bố con người Trung Quốc điều trị theo phác đồ Bộ Y tế gồm cách ly, sử dụng thuốc trị virus, kháng sinh phổ rộng chống nhiễm vi trùng, hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng, nâng đỡ tổng trạng... Tuy nhiên tùy mỗi bệnh nhân, bác sĩ áp dụng phương án điều trị linh hoạt. Người con trẻ, khỏe, hoàn toàn không cần dùng thuốc kháng sinh, chỉ tắm nắng, tập thể dục, điều trị triệu chứng. Người bố cao tuổi, có các bệnh nền tăng huyết áp, đã đặt stent mạch vành, tiểu đường, viêm phổi... phải phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị.
Bệnh nhân Việt kiều Mỹ điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhập viện muộn sau nhiều ngày sốt nên phổi tổn thương. Bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh lý xơ tuyến tiền liệt... phải nằm phòng áp lực âm. Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phác đồ điều trị cho bệnh nhân này một mặt bám sát phác đồ của Bộ Y tế, mặt khác các bác sĩ nhiều chuyên khoa phối hợp điều chỉnh phương án hàng ngày.
Bài học 3: Khoanh vùng cách ly điều trị tại chỗ
Để chặn dịch lây lan và phát hiện kịp thời, Bộ Y tế triển khai khoanh vùng cách ly triệt để người có yếu tố dịch tễ. Trong đó người nghi nhiễm khi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân và có triệu chứng bệnh đường hô hấp, phải cách ly tại cơ sở y tế. Nhóm này được phân thành nhiều loại. Người trên 12 tuổi, thời gian được tính từ ngày nhập viện tới 14 ngày sau khi hết sốt. Người dưới 12 tuổi, thời gian được tính từ khi nhập viện đến 16 ngày kể từ lúc khởi phát.
Những người được cách ly theo dõi tại nhà vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo Bộ Y tế, phòng cách ly tại nhà nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.
Khu cách ly người nhiễm nCoV tại Trung tâm y tế huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. |
Bộ Y tế áp dụng cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế ở tuyến huyện, chỉ chuyển bệnh nhân nặng đến bệnh viện tuyến trên. Chính vì vậy, hầu hết bệnh nhân tại Vĩnh Phúc được cách ly điều trị ở Phòng khám đa khoa Quang Hà. Sáng 26/2, bệnh nhân cuối cùng nhiễm nCoV điều trị tại đây, cũng là người cuối cùng trong số 16 ca viêm phổi corona ở Việt Nam, xuất viện.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã hướng dẫn y bác sĩ 700 bệnh viện các tuyến cách lấy, bảo quản mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nCoV.
Theo VNE