Italy thành ổ dịch - Ai từng kỳ thị nhà hàng Á liệu có tẩy chay pizza?

Thứ năm, 27/02/2020, 08:59
Virus không biết phân biệt đối xử, nhưng sự thiếu lý trí xuất phát từ nỗi sợ hãi và hoảng loạn chắc chắn là nguồn cơn của mọi thái độ và hành vi kỳ thị.

Một học giả Việt Nam làm việc tại Paris đến xin ý kiến bác sĩ về tình trạng bệnh nhẹ và bị người này từ chối bắt tay vì sợ virus corona.

Cũng tại Paris, một số người dân ném sơn vào một nhà hàng Nhật Bản và viết ngoài mặt tiền: “Virus corona! Hãy biến về nước đi!”.

Trong tàu điện ngầm, nếu có người châu Á, hành khách sẽ ngồi cách xa 1-2 ghế. Những nhà hàng châu Á tại Paris đã rơi vào tình trạng ế ẩm kể từ giữa tháng 1.

Trên thực tế, trong ba tuần qua, tôi chứng kiến và nghe nói quá nhiều về những hành động ngớ ngẩn, thiếu hiểu biết xuất phát từ tư duy vô lý của mọi người.

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát tại thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc vào giữa tháng 1, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhằm vào người châu Á đang lan rộng ở châu Âu, giống như thái độ kỳ thị người Trung Quốc ở một số nước.

Dĩ nhiên, cần thực hiện biện pháp phòng ngừa trước mối đe dọa, nhưng thận trọng tới mức ngớ ngẩn, phi lý thì chỉ lợi bất cập hại.

Với 322 ca nhiễm bệnh tính đến ngày 26/2, điểm bùng phát Covid-19 hiện ở Italy. Trước tình hình này, người Pháp và những ai kỳ thị dân Trung Quốc lẫn các nhà hàng châu Á cũng sẽ tẩy chay pizza?

Virus không biết phân biệt đối xử, nhưng sự thiếu lý trí xuất phát từ sợ hãi và hoảng loạn chắc chắn là nguồn cơn của mọi thái độ và hành vi kỳ thị. Dĩ nhiên, cần thực hiện biện pháp phòng ngừa trước mối đe dọa; nhưng thận trọng tới mức ngớ ngẩn, phi lý thì chỉ lợi bất cập hại.

Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, cá nhân tôi sống trong trạng thái căng thẳng, nếu không muốn nói là khá lo lắng. Mỗi ngày, tôi kiểm tra ít nhất 1-2 lần số ca tử vong do Đại học John Hopkins (Mỹ) thống kê. Tin tức từ truyền thông khiến tôi thêm quan ngại.

Tôi thấy người dân ở khắp các quốc gia trên thế giới tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm, vét sạch các siêu thị lớn chỉ trong vài giờ. Tôi thấy người dân đổ xô đi xếp hàng và chờ đợi hàng giờ đồng hồ để mua được khẩu trang cho bản thân và gia đình, dù giá mặt hàng này tăng liên tục.

Có rất nhiều thuyết âm mưu và tin đồn lan truyền trên mạng, nhất là về nguồn gốc bùng phát dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, tôi tự nhắc nhở bản thân cần phải giữ thái độ hợp lý, vì rất dễ rơi vào hoảng loạn trước tình cảnh này.

CHẲNG AI ĐOÁN TRƯỚC ĐƯỢC DỊCH BỆNH

Vào một đêm cuối tháng 4, đầu tháng 5/1720, tổng trấn xứ Sardinia (hòn đảo ở biển Địa Trung Hải, nay thuộc Italy) gặp ác mộng. Ông thấy hòn đảo của mình bị dịch hạch càn quét.

Sáng hôm sau, một cố vấn nói với ông rằng con tàu Grand-Saint-Antoine trở về từ vùng Cận Đông vừa đến cảng thành phố Cagliari, mang theo lô áo lụa và vải bông hạng sang. Thuyền trưởng của tàu này xin phép cập cảng và dỡ hàng.

Vị tổng trấn từ chối cho Grand-Saint-Antoine cập cảng. Trong mắt người cố vấn, đây là hành động thật điên rồ. Không chỉ vậy, tổng trấn Sardinia còn tuyên bố rằng nếu con thuyền cố tìm cách cập bờ, Sardinia sẽ nã pháo đánh chìm.

Dù đã áp lệnh cách ly với du khách trở về từ Trung Quốc, người dân châu Âu vẫn chỉ trích chính quyền vì chưa quyết liệt ngăn chặn dịch Covid-19.

Không còn lựa chọn nào khác, Grand-Saint-Antoine tiếp tục dong buồm về phía Nam nước Pháp, đến Marseille và nhanh chóng bán hết số hàng. Một thời gian sau, người dân Sardinia sững sờ khi biết vị tổng trấn đã đúng: Đại dịch hạch khởi phát từ tàu Grand-Saint-Antoine tàn phá thành phố Marseille và các khu vực khác sâu trong đất liền, cướp đi sinh mạng của ¼ cư dân chỉ trong vài tuần.

Không ai trong số ba nhà lãnh đạo hiện nay - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker – có giấc mơ tiên tri như vị tổng trấn Sardinia.

Kể từ khi dịch Covid-19 nổ ra, các tuyến đường biển và hàng không trên toàn cầu vẫn hoạt động. Biên giới bị bỏ ngỏ. Dù đã áp lệnh cách ly với du khách trở về từ Trung Quốc, người dân châu Âu vẫn chỉ trích chính quyền vì chưa quyết liệt ngăn chặn dịch Covid-19.

Khi châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lây lan trên diện rộng, hai câu hỏi được đặt ra: Liệu các quốc gia của châu lục này đã có thể làm khác đi? Và nếu như vậy, việc đóng cửa tất cả biên giới và áp dụng biện pháp quyết liệt có thực sự hiệu quả hơn?

ĐỪNG TỰ DÀY VÒ BẰNG SỰ HOẢNG LOẠN

Nguyên tắc phòng ngừa là triết lý trong quản trị rủi ro ở phương Tây từ những năm 1990, được áp dụng với cả các lĩnh vực môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong trường hợp thiếu kiến thức khoa học về một vấn đề như dịch Covid-19, nguyên tắc này yêu cầu phải thận trọng, tạm dừng và cân nhắc trước khi tiến hành bất kỳ động thái nào có nguy cơ gây ra thảm họa.

Nói tóm lại, đây là lý thuyết rút ra từ câu thành ngữ cổ của người Anh: “Một lạng phòng thân, một cân thuốc chữa”.

Liệu chúng ta có đóng cửa mọi đường biên giới và phong tỏa tất cả thành phố trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng?

Khi cuộc khủng hoảng bệnh dịch bò điên bắt đầu bùng phát ở Vương quốc Anh vào năm 1993, chính phủ nước này quyết định tàn sát tất cả bê con, ngay cả những con còn khỏe mạnh. Chính phủ Pháp cũng làm tương tự vào năm 1996, giết chết tổng cộng 76.000 con bê có nguồn gốc từ Anh.

Gần đây, vào đầu tháng 2 tại Trung Quốc, vì lo ngại cúm H5N1 bùng phát song song với dịch Covid-19, 18.000 con gà trong một trang trại đã bị giết và chôn lấp, dù chỉ có ¼ số gà nhiễm bệnh.

Rủi ro ở đây là gì? Trước hết là thiếu thông tin. Hiện không có đủ dữ liệu đáng tin cậy về nguồn gốc căn bệnh và số trường hợp thực sự nhiễm virus corona chủng mới, chủ yếu do cách xử lý khủng hoảng của Trung Quốc. Điều này dẫn đến các tuyên bố mâu thuẫn, bao gồm cả tuyên bố từ giới khoa học.

Một vài tuyên bố mang tính cảnh báo, như của Giáo sư Marc Lipsitch từ Đại học Harvard. Chuyên gia này cho rằng từ 40-70% cộng đồng quốc tế có thể bị nhiễm bệnh trong vòng một năm.

Một số tuyên bố khác, như của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus - có vẻ thận trọng hơn - cân nhắc cả mặt lợi và hại trước khi sử dụng từ “đại dịch”.

Cho đến nay, những gì chúng ta biết được là tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới cao hơn cúm thông thường (từ 2-3% tổng số bệnh nhân mắc bệnh so với 0,4%).

Tỷ lệ lây nhiễm trung bình là 2-3 (tức một người nhiễm bệnh có khả năng lây sang 2-3 người khác), và do đó Covid-19 có thể gây ra các vấn đề xã hội, kinh tế và địa chính trị.

Một khi chấp nhận điều đó, liệu chúng ta có đóng cửa mọi đường biên giới và phong tỏa tất cả thành phố trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng?

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Italy và Đức không kiểm soát biên giới. Việc thực hiện những biện pháp quyết liệt như vậy có thể cần huy động lực lượng quân sự. Nói cách khác, phải đánh đổi tự do.

Liệu cái giá phải trả cho điều trị sang chấn sau dịch bệnh có cao hơn và đau đớn hơn so với những mất mát vật chất do Covid-19 gây ra?

Điều này dẫn đến hậu quả chính trị gì? Hàng triệu người bị cách ly phải gánh chịu ảnh hưởng như thế nào về mặt tinh thần? Liệu cái giá phải trả cho điều trị sang chấn sau dịch bệnh có cao và đau đớn hơn so với những mất mát vật chất do Covid-19 gây ra?

Tôi nhớ đến bài phát biểu của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Hạ viện vào tháng 5/1940, thời kỳ đầu của Thế chiến II: “Tôi không có gì để hy sinh ngoài máu, công sức, nước mắt và mồ hôi”. Tuy nhiên, “chúng ta hướng tới chiến thắng!”, ông nói thêm.

Rủi ro ở khắp mọi nơi, nhưng đó là điều tất yếu của cuộc sống. Cần phải can đảm chấp nhận như vậy và sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Suy nghĩ quá nhiều về một kết cục tai hại chỉ khiến chúng ta thêm hoảng loạn.

Louis Raymond là nhà báo người Pháp gốc Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Nantes. Sau khi tốt nghiệp École normale supérieure de Lyon, Raymond sang làm việc ở Việt Nam trong vài năm. Anh từng công tác tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM. Đây là bài viết riêng của anh cho Zing.vn.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích