|
Thủy điện Nậm Ngưm Lào trên dòng Mekong |
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) vừa cho biết: Ủy hội sông Mekong (sông Cửu Long) quốc tế, Chính phủ Lào đã đệ trình bản mô tả chi tiết về dự án đập thủy điện Luang Prabang để chuẩn bị tham vấn, trong khi trên dòng chính sông Mekong ở Lào hiện nay, hai đập thủy điện Xayaburi và Don Sahong đã và đang được xây dựng.
Theo VRN, việc phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của hàng triệu người dân đang sống dựa vào con sông này. Nguồn nước sông Mekong trong những năm gần đây đã có những biến động bất lợi, đặc biệt đối với ĐBSCL. Dự án thủy điện Luang Prabang sẽ làm trầm trọng hơn những tác động môi trường mà ĐBSCL đang phải đối mặt, suy giảm trầm tích khiến đồng bằng không được kiến tạo, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn, mùa lũ về muộn, thiếu nước, khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đe dọa đến sinh kế, đẩy nhanh quá trình di cư, khiến cho ĐBSCL trở nên suy thoái và tan rã.
Trao đổi với PV ngày 13/10, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho biết, sự tác động của các đập thủy điện ở sông Mekong đối với vùng ĐBSCL gần như tiêu cực hoàn toàn; làm thay đổi lượng nước, phù sa, nguồn lợi thủy sản... “Từ chính quyền, cơ quan và cộng đồng người dân đều phản đối chuyện đó. Ngay cả Chính phủ Việt Nam cũng đã nhiều lần yêu cầu Lào ngừng xây các đập thủy điện. Đập thủy điện Luang Prabang nếu được xây sẽ khiến rủi ro của vùng ĐBSCL ngày càng gia tăng, đây là điều chắc chắn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
“Lấy đá ghè chân mình”
Trong dự án thủy điện Luang Prabang, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%. Theo ông Tuấn, việc Việt Nam có doanh nghiệp tham gia đầu tư vào đây càng tạo thêm bất lợi cho chính mình, không khác gì “lấy đá ghè chân mình”.
“Những đập thủy điện trước đó của Lào, Việt Nam đều phản đối nhưng phía Lào không phản hồi gì”. TS Lê Anh Tuấn |
Lợi ích từ việc đầu tư đó không bù được cho những thiệt hại khác. Mặt khác, đập này phía trên bị các đập của Trung Quốc khống chế, phía dưới lại có hàng loạt đập khác nữa nên càng làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. “Sự đầu tư đó là không nên, tôi trao đổi với các nhà khoa học thì hầu hết họ đều phản đối, việc này đã đẩy ĐBSCL vào thế bất lợi”, TS Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, sắp tới có cuộc tham vấn về dự án thủy điện trên thì các nhà khoa học sẽ có tiếng nói. Tuy nhiên, như những đập thủy điện trước đó của Lào, Việt Nam đều phản đối nhưng phía Lào không nghe, không có phản hồi gì. Việc tham vấn dường như chỉ là hình thức, làm theo quy trình cho có lệ, một số cá nhân và tổ chức tẩy chay các cuộc tham vấn đó, vì không có tác dụng.
Trước đó, báo cáo “Tham vấn cho dự án thủy điện Pak Lay của Lào dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong” tại hội nghị toàn thể lần thứ nhất năm 2019 của Ủy ban Sông Mekong Việt Nam diễn ra hồi tháng 6 ở Tiền Giang cho biết, Lào đã chính thức thông báo cho Ủy hội Sông Mekong Quốc tế (MRC) về xây dựng 3 công trình thủy điện gồm Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng. Dù không đạt được sự thống nhất trong MRC về đề xuất xây dựng các công trình này nhưng Chính phủ Lào vẫn triển khai.
Theo TS Lê Anh Tuấn, trong đánh giá tác động của dự án thủy điện Pak Lay đã không đánh giá tác động dòng chính, dòng nhánh, trong khi đây là vấn đề dẫn đến sự hủy hoại tất cả những số liệu thủy văn đã được Ủy ban Sông Mekong thu thập gần 50 năm nay. “Những chuỗi số liệu sau này không phải là chuỗi số liệu tự nhiên nữa, mà do con người bày ra và nó phụ thuộc vào việc đóng, mở vận hành phát điện và số liệu thủy văn thu thập gần 50 năm nay sẽ trở nên vô nghĩa. Đó là sự mất mát lớn về khoa học” - ông Tuấn quan ngại.
Theo Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, nếu đập thủy điện Luang Prabang được xây dựng sẽ góp phần gây nên tác động tiêu cực cho ĐBSCL, đẩy sinh kế người dân vào tình thế khó khăn hơn nữa trong bối cảnh đồng bằng đang phải chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. VRN đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào.
TS Lê Anh Tuấn bên đập Cảnh Hồng xây trên dòng Mekong ở Trung Quốc |
Theo Tiền Phong