Điểm yếu của căn cứ Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ hai, 14/10/2019, 09:27
Một khi xung đột xảy ra, các cơ sở quân sự - mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông - khó giữ vững việc giữ đường dây liên lạc, cung cấp nhiên liệu, đạn dược...

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập của VN

Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest mới đây, Giáo sư Robert Farley - giảng viên cao cấp tại Đại học Kentucky (Mỹ), tác giả quyển The Battleship (Chiến hạm) nổi tiếng - nhận định Trung Quốc đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông thông qua việc mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đảo mà họ chiếm đóng phi pháp. Bắc Kinh xem đây là lợi thế chiến lược quân sự quan trọng. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, trên thực tế giá trị các “căn cứ nổi” này không nhiều như Bắc Kinh vẫn nghĩ.

Điểm yếu lộ rõ

Những cơ sở quân sự mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, chủ yếu nằm ở 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, rõ ràng ít nhiều cũng mang về lợi thế cho quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Giáo sư Farley, những lợi thế này có ý nghĩa chính trị nhất thời nhiều hơn là quân sự.

“Thực tế, khi sở hữu những căn cứ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể khiến hoạt động tuần tra, tự do hàng hải của Mỹ gặp khó khăn. Nhưng nếu xung đột xảy ra, sẽ không quá khó để không quân và hải quân Mỹ “giải quyết” những cơ sở này”, chuyên gia Farley nhận định.

Căn cứ Trung Quốc xây trái phép trên đá Gạc Ma của Việt Nam
Trung Quốc đã thiết lập hệ thống bệ phóng tên lửa ở các bãi đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Phú Lâm mà họ cho rằng có thể “càn quét” mọi ngóc ngách trên Biển Đông. Loại tên lửa mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông là hệ thống đất đối không (ví dụ như HQ-9) cùng tên lửa hành trình trên bộ. Đây là những vũ khí có khả năng loại khỏi vòng chiến nhiều loại tàu chiến, chiến đấu cơ của Mỹ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hệ thống tên lửa của Trung Quốc đang được đặt trên các thực thể nhân tạo giữa biển mà không có bất kỳ sự bảo vệ hiệu quả nào. Giáo sư Farley phân tích: “Tên lửa phóng từ đất liền sở dĩ có thể sống sót trước các cuộc không kích vì chúng được sự che chắn tự nhiên từ cây cối, núi đồi. Còn trong trường hợp này, Trung Quốc thiếu các vỏ bọc tự nhiên nên các cơ sở phòng thủ nhân tạo sẽ khó lòng “sống sót” trước đợt tấn công phối hợp”.
Ngoài ra, về lý thuyết thì bên cạnh tên lửa, một số sân bay mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông có thể giúp Bắc Kinh dễ dàng định vị và tiêu diệt mục tiêu từ xa - với khoảng cách tương đương tên lửa hành trình, nhờ vào hệ thống máy bay tuần tra, chiến đấu. Thế nhưng thực tế khi có xung đột, không khó để vô hiệu hóa những sân bay này với tên lửa tầm xa và các đợt tấn công tổng hợp. Ở giữa đại dương, cũng không phải dễ để một đơn vị vừa sửa chữa nhanh các sân bay, vừa phải chống đỡ những đợt tấn công trong khi nguồn lực là hữu hạn.

Không hề “bất khả xâm phạm”

So với các bệ phóng tên lửa hay sân bay, tổ hợp radar của Trung Quốc trên Biển Đông còn dễ tổn thương hơn. Với tính bất động, khó che giấu, radar dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của quân đội Mỹ như phóng tên lửa (từ tàu ngầm và máy bay tàng hình), tấn công mạng hoặc tác chiến điện tử.
Nhìn chung, toàn bộ năng lực quân sự của những thực thể Trung Quốc tạo nên ở Biển Đông bị phụ thuộc nhiều vào công tác hậu cần từ đại lục. Các căn cứ tưởng chừng “bất khả xâm phạm” này lại rất dễ cô lập vì hầu hết đều không có kho dự trữ đủ lớn. Khi xung đột xảy ra, việc giữ cho đường dây liên lạc, cung cấp nhiên liệu, đạn dược... được an toàn sẽ là rủi ro và thách thức sống còn cho Trung Quốc.
Trong Thế chiến 2, Nhật Bản - như Trung Quốc bây giờ, cũng nhận ra việc kiểm soát các chuỗi đảo ở Thái Bình Dương mang lại ý nghĩa chiến lược ít nhiều. Tuy nhiên đến cuối cùng, chính những hòn đảo này đã trở thành gánh nặng cho Nhật Bản khi Mỹ và đồng minh tập trung lực lượng đánh chiếm từng đảo một, buộc Nhật phải từ bỏ.
Phó đô đốc Horatio Nelson lừng danh (người Anh) từng châm biếm rằng chỉ những kẻ ngốc mới mang một con tàu đi chiến đấu với pháo đài. Nhưng trong thời đại ngày nay mọi việc đã khác, con tàu vẫn có thể chiếm lợi thế hơn pháo đài với sự hỗ trợ của công nghệ quân sự tinh vi, theo chuyên gia Farley.
Trong trường hợp của Trung Quốc, dù không ngừng mở rộng, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho các đảo mà họ chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhưng sự thật là điểm yếu của những cơ sở này vẫn cứ tồn tại và không dễ khắc phục trong một sớm một chiều.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn