|
Chưa chi trả tạm ứng cho nhà thầu dự án vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2 |
Vì sao các liên danh khiếu nại ?
Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 được Thủ tướng phê duyệt năm 2003. Năm 2014, UBND TP.HCM có quyết định phê duyệt đầu tư với tổng số vốn 524 triệu USD, trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 450 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách TP.HCM khoảng 1.572 tỉ đồng (tương đương 74 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án từ 2015 - 2020.
Gói thầu XL-02 về xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi hoàn thành sẽ thu gom, xử lý nước thải trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Khu đô thị mới Thủ Thiêm đồng thời được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường TP.HCM. |
Gói thầu XL-02 (thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có giá trị gói thầu là 307 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 278 triệu USD, ngân sách TP.HCM hơn 616 tỉ đồng (tương đương 29 triệu USD). Gói thầu này được 7 nhà thầu nước ngoài bỏ thầu và sau đó còn 5 nhà thầu vượt qua vòng sơ tuyển.
Sau một thời gian dài đánh giá, xem xét năng lực các nhà thầu, ngày 7.3.2019, Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (nay đã sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM) đã quyết định phê duyệt chọn nhà thầu là Liên danh Acciona (Tây Ban Nha) và Vinci (Pháp) bỏ thầu hơn 240 triệu USD. Ngày 8.3.2019, hợp đồng nói trên được ký kết.
Tuy nhiên sau đó, UBND TP.HCM nhận được nhiều công văn kiến nghị, khiếu nại của các liên danh tham dự đấu thấu là Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Liên danh Suez - Posco, công văn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Bộ Công an và đặc biệt là của Văn phòng Chính phủ về những khiếu nại của các liên danh và đề nghị UBND TP.HCM xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật.
Ý kiến của Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an)Liên quan khiếu nại của Liên danh Samsung - Kolon - TSK không trúng thầu dựa trên kết luận của WB là liên danh này có “xung đột lợi ích” khi TSK - thành viên của liên danh dự thầu, sở hữu 2,32% cổ phần trong Nippop Koei (đơn vị tư vấn gói thầu).
Về điều này, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết tại kết quả chấm thầu trước đó của đơn vị tư vấn thầu (sau khi đã thay thế tư vấn Nippop Koei) xác định không có “xung đột lợi ích” trong trường hợp này. Từ đó Cục An ninh kinh tế cho biết việc lựa chọn Liên danh 02 (Liên danh Acciona - Vinci) chưa thật sự thuyết phục, có nguy cơ làm cho nhà nước mất hàng trăm tỉ đồng do chênh lệch giá trị hợp đồng Liên danh 01 (Liên danh Samsung - Kolon - TSK) và Liên danh 02.
Cục An ninh kinh tế đề nghị UBND TP.HCM xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02, đồng thời báo cáo Thủ tướng kết luận của WB về “xung đột lợi ích” để
Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với WB về vấn đề này.
Theo công văn của UBND TP.HCM, khi phát hiện xung đột nói trên, WB và chủ đầu tư đã bàn hướng xử lý, thống nhất huy động Tập đoàn AF-Consult Switzerland (Thụy Sĩ) là tư vấn hỗ trợ quản lý dự án để đánh giá độc lập lại quá trình đấu thầu. Không thể hủy kết quả sơ tuyển. Theo WB, quy định tài liệu đấu thầu thì các đơn vị dự thầu có trách nhiệm thông báo về các tình huống xung đột lợi ích.
|