Biển Hồ, khu vực hạ lưu sông Mê Kông (Campuchia) nhiều đoạn trơ đáy, ghe bè mắc cạn
Từ thượng nguồn của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông ở Chiang Saen (tỉnh Chiang Rai của Thái Lan) đến Luông Pha Băng và Viêng Chăn của Lào và xa hơn đến Nong Khai, Thái Lan và Prey Veng, Campuchia, mực nước đều thấp hơn mức xảy ra vào năm 1992, năm được ghi nhận thấp nhất trong lịch sử.
Theo đó, mực nước hiện tại ở Chiang Saen là 2,10m, thấp hơn mức 3,02m so với mức trung bình đo được trong 57 năm qua (1961 - 2018), thấp hơn khoảng 0,75m so với mức tối thiểu từng ghi nhận.
Ngày 21.7, tờ Bangkok Post tiếp tục cập nhật tình hình khô hạn nghiêm trọng và mực nước thấp kỷ lục trên sông Mê Kông, đoạn chảy qua các tỉnh phía Đông Bắc nước này. Nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Nakhon Phanom, giáp biên giới với Lào, mực nước sông Mê Kông chỉ cao khoảng 1,5m, được xem là mức thấp nhất trong gần 100 năm qua.
Ở tất cả các nhánh của sông Mê Kông như sông Nam Oun, sông Nam Songkhram và Nam Kam mực nước cũng rất thấp. Các hồ chứa nước ngọt lớn ở 12 huyện của tỉnh Nakhon Phanom hiện chỉ bằng 10 - 20% dung tích. Trước đó, Thai PBS News cũng đưa tin, mực nước sông Mê Kông khu vực “Tam giác vàng” giáp biên giới 3 nước Thái Lan, Lào và Myanmar đã giảm đến mức thấp nhất trong 1 thế kỷ.
Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy nước ở các tỉnh ven sông Mê Kông cũng chịu tác động không nhỏ. Ở tỉnh Nong Khai, Thái Lan và thủ đô Viên Chăn, Lào, chính quyền đã khuyến cáo người dân trữ nước và sử dụng tiết kiệm vì nhà máy xử lý nước sẽ giảm công suất do sự sụt giảm mạnh mực nước trên sông Mê Kông.
Thai PBS News cũng đề cập 3 nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm nguồn nước sông Mê Kông, đó là do hạn hán, lượng mưa quá ít; việc giảm lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cuối cùng là kế hoạch tích nước để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi ở Lào. Theo kế hoạch, 7 máy phát điện của Xayaburi sẽ hoạt động chính thức vào tháng 10.
Nhận định về ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng mực nước sông Mê Kông xuống quá thấp tới ĐBSCL, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Kông, cho biết: “Nước ở lưu vực Mê Kông ít chắc chắn sẽ khiến nước ở ĐBSCL ít đi, kéo theo đó đỉnh lũ thấp vào khoảng giữa tháng 10 năm nay và xâm nhập mặn sẽ rất khốc liệt, nước mặn sẽ đi sâu vào nội đồng khoảng tháng 3 năm sau”.